Bộ Tài chính vừa có văn bản gửi Bộ Khoa học và Công nghệ (KHCN) liên quan đến quy định về độ rời rạc của linh kiện ô tô nhập khẩu.
Bộ KHCN đã ban hành Thông tư số 11/2022/TT-BKHCN ngày 10/8/2022 về bãi bỏ các văn bản quy phạm pháp luật do Bộ trưởng Bộ KHCN ban hành quy định về phương pháp xác định tỷ lệ nội địa hóa đối với ô tô.
Sẽ có khoảng trống pháp lý nếu bãi bỏ quy định mức độ rời rạc của linh kiện ô tô nhập khẩu. Ảnh: TL. |
Liên quan đến việc bãi bỏ các văn bản về độ rời rạc nêu trên, Bộ Tài chính đã có công văn số 12272/BTC-CST ngày 26/10/2021 tham gia ý kiến với Bộ KHCN và công văn số 3560/BTC-CST ngày 19/4/2022 gửi Văn phòng Chính phủ (VPCP), trong đó nêu rõ về cần thiết phải có quy định về mức độ rời rạc của linh kiện ô tô để làm căn cứ cho việc thực hiện chính sách ưu đãi thuế nhập khẩu đối với bộ linh kiện ô tô đồng bộ hoặc không đồng bộ nhập khẩu và thực hiện Chương trình ưu đãi thuế đối với linh kiện sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước theo các Nghị định của Chính phủ về Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi.
Theo quy định hiện nay, doanh nghiệp nhập khẩu bộ linh kiện CKD của ô tô nếu đảm bảo điều kiện sản xuất, lắp ráp ô tô theo quy định và đáp ứng độ rời rạc tối thiểu theo quy định của Bộ KHCN; hoặc đáp ứng về tổng trị giá của các linh kiện nhập khẩu chưa đảm bảo mức độ rời rạc không vượt quá 10% tổng trị giá của các linh kiện để sản xuất, lắp ráp ô tô, thì được phân loại và áp dụng thuế suất thuế nhập khẩu theo từng linh kiện, phụ tùng. Trường hợp không đáp ứng được quy định về mức độ rời rạc sẽ được phân loại và áp dụng thuế suất theo xe ô tô nguyên chiếc (có mức thuế suất cao hơn).
Mức độ rời rạc của bộ linh kiện ô tô nhập khẩu là căn cứ để thực hiện chính sách thuế đối với bộ linh kiện CKD Quy định về mức độ rời rạc của bộ linh kiện ô tô nhập khẩu đang là căn cứ để thực hiện chính sách thuế đối với bộ linh kiện CKD. Để khuyến khích doanh nghiệp tham gia sản xuất, lắp ráp ô tô, pháp luật thuế xuất nhập khẩu quy định bộ linh kiện CKD của xe ô tô nhập khẩu được phân loại theo xe nguyên chiếc hay từng linh kiện, phụ tùng căn cứ theo mức độ rời rạc của bộ linh kiện ô tô nhập khẩu do Bộ KHCN quy định. Quy định này đã được áp dụng từ sau khi Việt Nam gia nhập WTO đến nay. |
Quy định về mức độ rời rạc của bộ linh kiện ô tô nhập khẩu đang là căn cứ cho việc thực hiện Chương trình ưu đãi thuế để sản xuất, lắp ráp xe ô tô được thực hiện ổn định từ năm 2018 đến nay
Thời gian qua, để hỗ trợ các doanh nghiệp ô tô mở rộng sản xuất, lắp ráp ô tô tại Việt Nam, Nghị định số 125/2017/NĐ-CP ngày 16/11/2017 của Chính phủ đã bổ sung Chương trình ưu đãi thuế đối với linh kiện ô tô nhập khẩu để sản xuất, lắp ráp xe trong nước (áp dụng trong 5 năm kể từ năm 2018). Theo đó, doanh nghiệp sản xuất lắp ráp ô tô được áp dụng thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi 0% đối với linh kiện nhập khẩu trong nước chưa sản xuất được theo Chương trình ưu đãi thuế sản xuất, lắp ráp ô tô (mức ưu đãi cao nhất về thuế nhập khẩu đối với sản xuất, lắp ráp ô tô) hoặc được phân loại bộ linh kiện CKD của ô tô nhập khẩu theo từng linh kiện, phụ tùng (có mức thuế trung bình của bộ linh kiện từ 12% đến 14% thay cho việc phân loại vào xe ô tô nguyên chiếc) nếu đáp ứng được các điều kiện, trong đó có điều kiện về độ rời rạc tối thiểu theo quy định của Bộ KHCN. Trường hợp không đáp ứng điều kiện về độ rời rạc tối thiểu thì phân loại theo xe nguyên chiếc.
Các quy định trên đã góp phần khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất lắp ráp ô tô trong nước tăng tỷ lệ nội địa hóa, nâng cao sức cạnh tranh với xe nhập khẩu, thúc đẩy ngành ô tô trong nước phát triển theo định hướng của Đảng và Nhà nước, tạo điều kiện thu hút đầu tư của các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp FDI. Qua đó, tạo công ăn việc làm cho người lao động và nguồn thu cho ngân sách nhà nước.
Nhiều doanh nghiệp đã đầu tư dây chuyền sản xuất lắp ráp ô tô để đảm bảo mức độ rời rạc theo quy định để được áp dụng chính sách ưu đãi này. Tại Nghị định số 101/2021/NĐ-CP ngày 15/11/2021 (sửa đổi, bổ sung Nghị định số 57/2020/NĐ-CP và Nghị định số 122/2016/NĐ-CP), Chính phủ cũng đã đồng ý kéo dài thời hạn áp dụng Chương trình ưu đãi thuế đối với sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước đến hết năm 2027.
Ảnh: Minh họa. Ảnh: TL. |
Tuy nhiên, vừa qua, Bộ KHCN ban hành Thông tư số 11/2022/TT-BKHCN, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/10/2022.
Việc đặt vấn đề bỏ quy định về mức độ rời rạc nêu trên có thể dẫn đến tình trạng các doanh nghiệp sẽ nhập khẩu bộ linh kiện ô tô đồng bộ nhưng có mức độ rời rạc thấp, không khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư dây chuyền, thiết bị để gia tăng tỷ lệ nội địa hóa trong nước. Đồng thời, sẽ phát sinh vướng mắc cho quá trình thực hiện vì quy định về mức độ rời rạc đang là căn cứ cho việc hiện một số chính sách thuế nhập khẩu liên quan đến ngành công nghiệp ô tô đang được quy định tại các Nghị định của Chính phủ.
Việc Bộ KHCN ban hành Thông tư số 11/2022/TT-BKHCN sẽ dẫn đến hệ lụy là quy định về mức độ rời rạc của linh kiện ô tô nhập khẩu tại các văn bản này cũng bị bãi bỏ theo, trong khi đây là một trong các điều kiện đang được quy định tại các Nghị định của Chính phủ về Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi và các nghị định này vẫn đang có hiệu lực áp dụng.
Gần đây, Bộ Tài chính nhận được ý kiến của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA). VAMA cho rằng, việc Thông tư số 11/2022/TT-BKHCN bãi bỏ toàn bộ các văn bản quy phạm pháp luật do Bộ trưởng Bộ KHCN ban hành sẽ gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp xe ô tô. Theo đó, VAMA đề nghị cần có phương án giải quyết trong trường hợp Thông tư số 11/2022/TT-BKHCN có hiệu lực vào ngày 1/10/2022 để đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô không bị gián đoạn, thay đổi đột ngột.
Bộ Tài chính mới đây đã gửi xin ý kiến các bộ, ngành, hiệp hội có liên quan về một số nội dung của dự thảo Nghị định của Chính phủ về việc ban hành Biểu thuế xuất khẩu, biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, trong đó dự kiến sẽ báo cáo Chính phủ cho phép kế thừa nội dung quy định về mức độ rời rạc của Bộ KHCN tại Thông tư số 05/2012/TT-BKHCN để bổ sung vào dự thảo nghị định này.
Tuy nhiên, trường hợp nghị định này được Chính phủ phê duyệt thì theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, nghị định sẽ có hiệu lực ít nhất sau 45 ngày kể từ ngày ký do nghị định này được xây dựng theo trình tự thủ tục thông thường (không thể có hiệu lực ngay). Theo đó, nghị định này sẽ không thể có hiệu lực trước ngày 1/10/2022 (ngày có hiệu lực của Thông tư số 11/2022/TT-BKHCN) nên sẽ phát sinh khoảng trống pháp lý và vướng mắc trong việc thực hiện chính sách ưu đãi thuế đối với sản xuất, lắp ráp ô tô và nhập khẩu bộ linh kiện CKD xe ô tô trong khoảng thời gian từ ngày 1/10/2022.
Do đó, Bộ Tài chính đề nghị Bộ KHCN lùi thời hạn có hiệu lực của toàn bộ Thông tư 11/2022/TT-BKHCN đến sau ngày Nghị định mới của Chính phủ về Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi có hiệu lực thi hành (Bộ Tài chính đang xây dựng để trình Chính phủ trong tháng 10/2022); hoặc lùi thời hạn có hiệu lực việc bãi bỏ quy định về mức độ rời rạc của bộ linh kiện ô tô nhập khẩu đang được quy định tại Thông tư số 05/2012/TT-BKHCN đến sau ngày Nghị định của Chính phủ về Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi có hiệu lực thi hành./.
Báo cáo Chính phủ kế thừa nội dung về mức độ rời rạc tại Thông tư số 05/2012/TT-BKHCN Bộ Tài chính mới đây đã gửi xin ý kiến các bộ, ngành, hiệp hội có liên quan về một số nội dung của dự thảo Nghị định của Chính phủ về việc ban hành Biểu thuế xuất khẩu, biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, trong đó dự kiến sẽ báo cáo Chính phủ cho phép kế thừa nội dung quy định về mức độ rời rạc của Bộ KHCN tại Thông tư số 05/2012/TT-BKHCN để bổ sung vào dự thảo nghị định này. |