Cho tới thời điểm này, với việc tăng trưởng GDP 9 tháng đạt 2,12%, có thể khẳng định, năm nay, Việt Nam tiếp tục có tăng trưởng dương và trở thành một điểm sáng của khu vực, trong bối cảnh các nước ASEAN và các đối tác lớn đều tăng trưởng âm. Nhưng dù vậy, có một thực tế không thể phủ nhận, đó là do tác động của đại dịch Covid-19, kinh tế Việt Nam đang đối mặt với khó khăn rất lớn. Và vấn đề không chỉ nằm ở mức tăng trưởng thấp nhất trong hơn 1 thập kỷ qua, mà còn ở sự khó khăn vô cùng của cộng đồng doanh nghiệp. Số liệu được Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Chính phủ, 9 tháng qua, có 98.955 doanh nghiệp được thành lập mới, giảm 3,2% so với cùng kỳ năm 2019 và đạt mức thấp nhất trong giai đoạn 2015 - 2019. Trong giai đoạn này, tỷ lệ tăng trung bình hằng năm là 14,3%, trong khi năm nay lại giảm. Covid-19 là cú sốc quá lớn với kinh tế toàn cầu, chứ không riêng gì ở Việt Nam, do đó, có thể lấy cú sốc này để lý giải cho sự sụt giảm số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, cũng như sự tăng lên nhanh chóng của số lượng doanh nghiệp rút khỏi thị trường. Nhưng rõ ràng, do Covid-19, số lượng doanh nghiệp phải giải thể, ngừng hoạt động đang ở mức rất cao. 9 tháng, có tới 78.306 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Trong đó, có 38.629 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 81,8% so với cùng kỳ năm 2019, cao hơn gấp 3,7 lần so với mức tăng trung bình 21,9% của giai đoạn 2015 - 2019. Tuy số lượng doanh nghiệp đã hoàn tất giải thể, hoặc chờ giải thể không lớn hơn nhiều so với năm trước, nhưng việc có quá nhiều doanh nghiệp đang ở trạng thái “ngủ đông” cho thấy sự ảnh hưởng lớn và dai dẳng của đại dịch Covid-19 đến hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp. Cuối tuần trước, tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 9/2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sau khi thấy những dấu hiệu phục hồi của nền kinh tế, thậm chí còn là sự phục hồi theo hình chữ V trong 3 quý vừa qua của năm 2020, đã nhắc đến yêu cầu phải đẩy nhanh tiến trình phục hồi của nền kinh tế. Các giải pháp quan trọng được Thủ tướng nhấn mạnh, là đẩy mạnh tiêu dùngtrong nước, tiếp tục thúc đẩy đầu tưcông… Hiện nay, để đẩy nhanh tiến trình phục hồi của nền kinh tế, việc mở lại các đường bay quốc tế cũng đang được thực hiện một cách cẩn trọng, các biện pháp kích cầu du lịch trở lại cũng đang được tính tới. Nhưng để phục hồi được nền kinh tế, không còn cách nào khác, phải trông vào doanh nghiệp. Sức khỏe của doanh nghiệp cũng chính là sức khỏe của nền kinh tế. Các chuyên gia kinh tế đã đúng khi cho rằng, điều quan trọng nhất hiện nay không hẳn là nền kinh tế tăng trưởng được bao nhiêu, giữ bội chi ngân sách thế nào, mà là phải bảo tồn được lực lượng doanh nghiệp đang chịu tổn hại nặng nề vì dịch bệnh. Nếu doanh nghiệp “chết” thì những năm tới, chúng ta còn khó khăn hơn. Nếu vậy, còn khó để nói tới phục hồi, chứ chưa nói tới tăng tốc và phát triển. Muốn đẩy nhanh tiến trình phục hồi của nền kinh tế, không thể không quan tâm đến giữ và cứu doanh nghiệp. Hiện nay, mỗi tháng, có tới 8.700 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 27,2% so với trung bình 9 tháng năm 2019. Đây là một tỷ lệ rất cao, cần lưu tâm xem xét. Không thể để số lượng doanh nghiệp chết lâm sàng tiếp tục tăng cao như hiện nay. Bởi điều này không chỉ ảnh hưởng đến mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp đang hoạt động vào năm 2020, vốn xa vời càng xa vời hơn, mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển của cả nền kinh tế trong trước mắt và lâu dài. Sẽ là “biết rồi, khổ lắm” nếu tiếp tục nói về chuyện cần có thêm các giải pháp để cứu doanh nghiệp, nhưng rõ ràng, đây là điều không thể không nói tới. Các gói hỗ trợ sản xuất - kinh doanh, doanh nghiệp mà Việt Nam đã tung ra, bao gồm cả gói 62.000 tỷ đồng hỗ trợ an sinh và người lao động đã chưa thực sự phát huy trên thực tế. |