Có một thực tế là trong khi các chuyên ngành khác trực thuộc Hội Văn học - Nghệ thuật (VHNT) Bình Dương như: Nhiếp ảnh,ầnlắmnhữngngườitrẻmêviếtvănlàmthơtl bd net mỹ thuật, múa… ngày càng phát triển về hội viên (HV), số lượng và chất lượng tác phẩm thì chuyên ngành văn học khá… ì ạch! Thế nên, việc xuất hiện của những tác giả trẻ thật sự cần thiết để có đội ngũ sáng tác văn chương kế thừa.
Những ai quan tâm đến chuyên ngành văn học sẽ dễ dàng nhận thấy Bình Dương ít có đội ngũ những cây viết đều tay, sức viết khỏe. Những HV cũ hầu như thỉnh thoảng xuất hiện tên tuổi qua vài bài viết trên Tạp chí Văn nghệ Bình Dương (1 số/tháng) chứ ít tham dự thêm diễn đàn văn chương nào. Điều này một phần do công việc, một phần khó có thể sống bằng nhuận bút từ thơ, văn nên mọi người thường hay nói vui với nhau là “văn chương chỉ để… dạo chơi thôi!”. Các hoạt động hàng năm của chuyên ngành văn học xoay quanh việc tổ chức Đêm thơ Nguyên tiêu để diễn ngâm, công bố một số bài thơ mới, tổ chức các trại sáng tác, vận động HV gửi tác phẩm dự thi “Đất và người Bình Dương”, giải thưởng Huỳnh Văn Nghệ, xuất bản tác phẩm (chung và riêng của các tác giả)… Theo nhạc sĩ Võ Đông Điền, để thu hút nhiều cây viết trẻ đến với hội, nhiều hoạt động được tổ chức như thành lập các câu lạc bộ sáng tác trẻ tại các trường đại học, mở ra nhiều cuộc thi nhưng vẫn rất khó tìm ra gương mặt mới. Mục đích của các cuộc thi văn thơ trong tỉnh nhằm động viên các HV chuyên ngành văn học tích cực sáng tác hơn nữa để có những tác phẩm mới, đồng thời có dịp phát hiện ra những nhân tố mới trong sáng tác văn học. Tuy nhiên, năm nào cũng ít có tác giả mới tham gia gửi truyện, ký, thơ về cho ban tổ chức. Mới đây, chuyên ngành văn học có một số tác giả trẻ như Lan Phương, Đinh Lăng, Nguyễn Minh Ngọc Hà… Trong số 3 người trẻ viết văn làm thơ này thì Lan Phương và Đinh Lăng là giáo viên, viết văn làm thơ như để thỏa niềm đam mê của mình. Cũng cần ghi nhận những đóng góp của họ cho văn học tỉnh nhà khi nhiều bài thơ của họ được phổ nhạc, góp phần quảng bá hình ảnh của Bình Dương hiền hòa, mến khách đến với nhiều người hơn nữa. Lan Phương cũng là người viết tích cực nhất trong nhóm các tác giả thực hiện những cuốn sách về bà mẹ Việt Nam anh hùng mà Hội VHNT tỉnh chịu trách nhiệm thực hiện và xuất bản. Với Nguyễn Minh Ngọc Hà (bút danh Thái Hà), thì đúng là một trường hợp… văn chương vận vào người thật! Tác giả trẻ này cho biết cô từng là học sinh chuyên toán, học tại trường Đại học Kinh tế rồi đi làm ngân hàng. Nghĩa là tưởng như không có gì liên quan đến văn chương nhưng rồi “em quyết định nghỉ việc, ở nhà chăm con và làm thơ, viết bài chuyên mục Sức khỏe, Đời sống cho các báo đặt hàng, thơ thì tự chọn bài ưng ý, xuất bản và bán trên Tiki.vn” như lời cô tâm sự. Được giải trong các cuộc thi thơ 5 chữ, Đất và người Bình Dương, có tác phẩm xuất hiện đều trên Áo trắng, Văn hóa Phật giáo, Văn nghệ Bình Dương… là điều mà người viết trẻ chuyên nghiệp nào cũng mong muốn. Hiện tại, Ngọc Hà vẫn miệt mài sáng tác những bài thơ hay ca ngợi tình yêu, tình mẹ, quê hương đất nước rất sâu lắng và ghi dấu trong lòng độc giả. Trang thơ “Timbuondoncoi” trên mạng xã hội của Nguyễn Minh Ngọc Hà cũng được nhiều bạn yêu thơ theo dõi, bình luận và chia sẻ. Những người trong Ban Chấp hành Hội VHNT tỉnh còn cho biết thêm, chuyên ngành nào có sự phát triển cũng là một điều đáng mừng. Với văn học, rất cần những người viết trẻ, tác phẩm mới để đời sống văn chương nghệ thuật của tỉnh nhà có những góc nhìn phong phú, mới mẻ hơn. QUỲNH NHƯ |