Như Báo Hải quan đã đưa tin, cuối tháng 3-2016, để giảm bớt chênh lệch giữa mức thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN) với mức thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt từ các Hiệp định thương mại tự do (FTAs), Bộ Tài chính đã quyết định sử dụng mức thuế nhập khẩu bình quân gia quyền để làm cơ sở tính giá bán lẻ xăng dầu.
Theo nhận định của Bộ Tài chính, việc dùng mức thuế nhập khẩu bình quân gia quyền sẽ đảm bảo sát với thực tế hàng hoá nhập khẩu từ các nguồn khác nhau của doanh nghiệp xăng dầu, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và đảm bảo lợi ích của người tiêu dùng, doanh nghiệp và Nhà nước.
Tuy vậy, nhiều ý kiến đã lên tiếng cho rằng việc áp dụng thuế bình quân gia quyền vào công thức giá cơ sở đã lạc hậu và có thể không bắt kịp với diễn biến giá thế giới.
Khẳng định trước báo giới tại buổi Họp báo sơ kết 6 tháng đầu năm 2016 của Bộ Tài chính, Thứ trưởng Vũ Thị Mai cho biết: Đây là cách tính hợp lý nhất trong thời điểm hiện nay.
Tôi kêu gọi các nhà khoa học của ngành Tài chính phát huy sáng kiến, sáng tạo, "hiến kế" để tìm ra một phương án tính tối ưu hơn. Nếu có thể đưa ra cách tính khả thi hơn thì không chỉ Bộ Tài chính mà Chính phủ sẽ khen thưởng. | ||
Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ |
Như vậy, việc áp dụng mức thuế bình quân gia quyền vẫn hoàn toàn tuân theo quy định của Nghị định số 83.
Phân tích cụ thể hơn vào từng cách tính, đại diện lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết: Hiện nay, Việt Nam đang tham gia 11 FTA, trong đó, mỗi cam kết lại áp dụng mức thuế suất nhập khẩu khác nhau. Nếu lấy một mức nào đó trong các cam kết này hoặc mức MFN để tính thuế thì đều không hợp lý.
Cụ thể, mức thuế nhập khẩu ưu đãi MFN đang có thuế suất cao nhất, còn biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt theo các FTA lại thấp hơn. Ví dụ, với mặt hàng xăng, thuế MFN là 20%, nhưng thuế FTA với Hàn Quốc chỉ là 10%; hay dầu diesel có thuế MFN là 7% nhưng thuế cam kết với ASEAN chỉ có 4%.
“Trong công thức tính giá xăng dầu, nếu lấy mức thuế suất cao MFN thì không có lợi cho người tiêu dùng và họ sẽ phải chịu mức giá cao. Nếu lấy mức thuế suất theo FTA có cam kết thấp nhất thì không đảm bảo được nguồn cung cho thị trường vì áp mức thuế thấp mà doanh nghiệp lại nhập khẩu xăng dầu từ thị trường có mức thuế cao hơn thì chắc chắn doanh nghiệp sẽ thua lỗ, dẫn đến ngừng nhập khẩu xăng dầu, như vậy sẽ không đảm bảo nguồn cung về năng lượng và nguy cơ ảnh hưởng đến an ninh năng lượng của quốc gia” - bà Mai lý giải.
Thực tế, Bộ Tài chính cũng đã bàn thảo rất kỹ và đề xuất các phương án để trình Thủ tướng Chính phủ và đã được đồng ý áp dụng theo phương án này. Trong điều kiện tồn tại nhiều mức thuế suất như hiện nay, việc lấy mức thuế bình quân gia quyền để áp dụng đối với công thức tính giá xăng dầu là dễ chấp nhận nhất.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Vũ Thị Mai nhấn mạnh thêm, vì nền kinh tế luôn vận động và phát triển nên việc tiếp tục nghiên cứu để tìm ra được phương án tốt nhất, phù hợp với diễn biến của thị trường là điều cần thiết. Mặc dù trong giai đoạn hiện nay giá xăng dầu đang được tính theo công thức bình quân gia quyền, nhưng Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài chính tiếp tục nghiên cứu cách tính tối ưu hơn.
Nếu như có những thay đổi về nguồn cung của thị trường xăng dầu hoặc thay đổi về chính sách, chắc chắn không thể cứ giữ mãi cách tính bình quân gia quyền như hiện nay. Bộ Tài chính sẽ có những đề xuất phù hợp với những diễn biến mới để đảm bảo mục tiêu cuối cùng là đưa ra phương án tối ưu nhất cho các bên.