Nhiều ngày qua,ềucườnggynhiềuthiệthạbóngaso triều cường liên tục ở mức cao gây ảnh hưởng nặng nề đến đời sống và sản xuất của người dân. Ông Nghĩa với diện tích mía bị thiệt hại của gia đình. Ảnh: D.KHÁNH Sản xuất, nuôi trồng bị ảnh hưởng Năm nay, mía chục có giá nên gia đình ông Trần Văn Nghĩa, ở xã Hòa Mỹ, huyện Phụng Hiệp, đã quyết định đầu tư hơn 50 triệu đồng trồng trên 1ha để qua tết bán. Tuy nhiên, con nước ập đến, không kịp trở tay, toàn bộ diện tích mía dù chỉ mới 5 tháng tuổi nhưng do bị ngập gần 1 tháng nay, có dấu hiệu xuống lá, bắt đầu chết. Theo ông Nghĩa, mặc dù khu vực này có đê bao, nhưng con nước năm nay quá cao, tràn qua cả mặt lộ nên việc bơm thoát nước là không thể. Hy vọng nước rút sớm để giảm bớt phần nào thiệt hại. Ông Nghĩa cho biết thêm: “Nước ngập lâu quá thì thiệt hại nhiều. Nếu nước rút sớm thì còn hy vọng lấy lại được ít mía giống, còn nếu nước tiếp tục cầm chừng thì coi như mất trắng. Mong Nhà nước có chính sách hỗ trợ cho người dân bị thiệt hại bởi triều cường để có điều kiện tái sản xuất”. Không chỉ có mía chết, mà nhiều diện tích nuôi thủy sản ở các địa phương trong huyện Phụng Hiệp cũng bị thất thoát do triều cường lên cao. Theo thống kê toàn huyện có gần 100ha thủy sản gồm: Cá ruộng, cá ao, ba ba bị thất thoát với tỷ lệ từ 30-70%. Như trường hợp của chị Nguyễn Thị Kiều, ở xã Phương Bình, gia đình có khoảng 5.000m2 mặt nước nuôi cá tai tượng và cá tra gần đến ngày thu hoạch, triều cường lên nhanh không kịp gia cố bờ bao nên cá đi gần hết. Chị Kiều cho biết: “Khi thấy nước lên gia đình cũng đã chủ động thuê mướn nhân công gia cố bờ bao, nhưng vùng này thấp quá nước ngập cả bờ bao nên cá đi rất nhiều”. Theo ngành nông nghiệp huyện Phụng Hiệp, sau hai đợt triều cường lập đỉnh trong tháng 10 vừa qua, đã làm 3.200ha cây ăn trái, 120ha rau màu và 900ha mía của nông dân trong huyện bị ngập sâu từ 10-20cm, thời gian ngập từ 25-30 ngày. Nhiều diện tích cây ăn trái chịu nước kém như: Mít, chanh không hạt, bưởi đã có dấu hiệu xuống lá chết. Ông Trần Văn Tuấn, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phụng Hiệp, cho biết: “Toàn huyện qua ghi nhận có hơn 4.200ha đất sản xuất bị ngập, trong đó một số loại cây mẫn cảm với nước đã bắt đầu xuống lá chết. Riêng một số loại cây khác thì hiện nay vẫn còn ngập trong nước chưa thể thống kê thiệt hại. Khi nước rút thì ngành sẽ tiến hành thống kê lại diện tích thiệt cụ thể để báo cáo về trên xin hỗ trợ cho nông dân. Riêng đối với cây hoa màu cũng bị ngập nhưng nông dân thu hoạch kịp. Thủy sản thì nhiều diện tích thất thoát, mặc dù trên đồng bà con có bong lưới tốt nhưng cá đi cũng khá nhiều. Ông Hồ Văn Phú, Chủ tịch UBND huyện Phụng Hiệp, cho biết thêm: Huyện cũng đã chỉ đạo cho ngành nông nghiệp nhanh chóng thống kê lại diện tích bị thiệt hại để có báo cáo cụ thể về tỉnh. Ngành nông nghiệp huyện cũng cần phối hợp với các địa phương tích cực hỗ trợ cho nông dân triển khai các biện pháp cải tạo, phục hồi lại diện tích cây ăn trái bị ngập khi nước rút để giảm thiểu thiệt hại, qua đó giúp người dân từng bước ổn định cuộc sống. Mực nước tiếp tục dâng cao Theo Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Hậu Giang, do ảnh hưởng gió mùa Đông Bắc tăng cường mạnh xuống phía Nam; vùng cửa sông Cửu Long từ Bến Tre - Sóc Trăng, trên sông Hậu đoạn Cần Thơ - Hậu Giang và mực nước sông, kênh, rạch trong tỉnh dâng cao bất thường. Mực nước tại Trạm thủy văn Phụng Hiệp là 1,61m, trên báo động (BĐ) III 0,21m. Tại Trạm thủy văn Vị Thanh là 0,88m, trên BĐIII 0,13m. Dự báo mực nước trên các sông, kênh, rạch trong tỉnh lên nhanh từ ngày 8-11, đạt đỉnh triều cường (rằm tháng 10 âm lịch) từ ngày 10 đến 12-11. Mực nước cao nhất tại Trạm thủy văn Phụng Hiệp từ 1,68-1,72m, trên BĐIII từ 0,18-0,22m. Tại Trạm thủy văn Vị Thanh từ 0,88-0,92m, trên BĐIII từ 0,13-0,17m, gây ngập lụt cục bộ các địa phương huyện Châu Thành, huyện Châu Thành A, thành phố Ngã Bảy và huyện Phụng Hiệp với thời gian kéo dài từ 4-6 ngày. Các địa phương khác như thành phố Vị Thanh, huyện Long Mỹ, thị xã Long Mỹ, huyện Vị Thủy, ngập lụt với thời gian kéo dài từ 6-8 ngày. Ông Phạm Đức Đoàn, Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Hậu Giang, cho biết: Tốc độ dòng chảy trên các sông, kênh mạnh, mực nước cao sẽ tràn qua đường, đê ngăn, bờ bao và sẽ ảnh hưởng tới sinh hoạt, đi lại của người dân, vườn cây ăn trái và thủy sản. Vì vậy, khuyến cáo người dân che chắn bờ ao cá, đắp bờ bao vườn cây ăn trái, chuẩn bị máy bơm để bơm nước ra. Những đoạn đường ngập sâu, nước chảy xiết cần cắm biển báo và chú ý đưa đón con nhỏ đi học trong thời gian đỉnh triều cao, ngăn cấm tắm sông đối với các em nhỏ và học sinh. Các đò ngang, đò dọc, thuyền, ghe hoạt động trên sông chạy chậm để hạn chế sóng mặt, hạn chế nguy cơ sạt lở bờ. Mực nước nội đồng toàn tỉnh từ ngày 7 đến 14-11 ở mức cao, do đó các địa phương lưu ý sắp xếp lịch xuống giống vụ lúa Đông xuân sao cho phù hợp. Ông Trần Chí Hùng, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh, cho biết: Hiện đơn vị đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương cập nhật, bổ sung tình hình thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp do ảnh hưởng của thiên tai, triều cường, từ đó kiến nghị UBND tỉnh có giải pháp hỗ trợ cho người dân được kịp thời. Dự báo, tình hình mưa bão, triều cường dâng cao từ nay đến cuối năm còn diễn biến phức tạp, do đó các địa phương trong tỉnh và người dân cần chủ động gia cố đê bao, bờ bao để bảo vệ thành quả sản xuất. Riêng vụ lúa Đông xuân 2022-2023, do triều cường còn cao nên nông dân không thể gieo sạ vào đợt 1 từ ngày 27-10 đến 2-11 như lịch thời vụ khuyến cáo của ngành nông nghiệp tỉnh, vì vậy ngành chức năng và người dân cần chuẩn bị chu đáo các điều kiện để tập trung xuống giống vào đợt 2 từ ngày 26-11 đến 2-12 nhằm né hạn, mặn về sau.
T.TRÚC - D.KHÁNH |