游客发表

【số liệu thống kê về rc lens gặp lille osc】Một thời sư phạm

发帖时间:2025-01-25 19:36:41

Báo Cà Mau(CMO) Năm 1965, tôi đang công tác giáo dục xã Viên An, được thông báo của Ban Tuyên huấn huyện Duyên Hải cho đi học Sư phạm Khu Tây Nam Bộ.

Đền thờ Hồ Chủ tịch xây dựng năm 1969, tại xóm Cái Xép, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển (Cà Mau). Ảnh tư liệu

Chương trình chuyên môn nghiệp vụ sư phạm và bổ túc văn hoá có các môn: Triết học, Tâm lý học, Văn, Sử, Toán, Lý, Sinh... Thầy Phương Đông sau khi tốt nghiệp Đại học Sư phạm Hà Nội đã vượt Trường Sơn vào Nam năm 1964 dạy Sinh học. Tuy cơ sở vật chất thiếu thốn và không có đồ dùng dạy học nhưng thầy tự tìm kiếm, tự tạo đồ dùng đưa vào tiết học, nên học viên đều thích thú tiết dạy của thầy.

Ở đây chỉ có gạo được cấp, thức ăn tự kiếm nên ngoài giờ học ra học viên còn được phân công vào rừng bắt vọp, bắt cua, đêm xuống đi bắt ba khía muối để ăn dần. Đến con nước rong, ra hàng đáy bè ngoài sông Tam Giang lựa cá, chủ trại đáy sẵn lòng cho hết cá các loại đem về, chỉ để lại tôm cho chủ. Còn rau xanh phải đi đến kinh Ông Đơn nhổ bồn bồn và hái rau muống về làm dưa. Tháng nắng phải đi lên Ông Đơn chở nước về sử dụng.

Khó nhọc lắm, nhưng mọi người đều vui vẻ, phấn đấu hoàn thành tốt khoá học. Khoảng tháng 2/1966 mãn khoá, tôi trở về Viên An tiếp tục công tác giáo dục xã. Những năm này, phong trào giáo dục mạnh, mỗi ấp đều có lớp học, có cả phong trào bình dân học vụ.

Năm 1968, Duyên Hải là huyện ở cực Nam được giải phóng hoàn toàn. Nhưng không được bao lâu, địch phản công, hàng đàn tàu sắt, tiểu pháo hạm từ cửa sông Bồ Đề chạy vào Năm Căn, rồi căn cứ Mỹ hải quân Năm Căn được thành lập. Hằng ngày tiếng loa trên các con tàu sắt kêu gọi những người cách mạng và Nhân dân từ bỏ vùng giải phóng ra vùng địch tạm chiếm...

Cũng chính từ ngày đó, một lần nữa các cơ quan và Nhân dân sống hai ven sông Tam Giang bỏ nhà cửa, đất đai vào rừng sâu cất cứ, xây làng để bảo vệ an toàn lực lượng. Từ đó, “đội săn tàu” ra đời và đã nhấn chìm hàng trăm tàu Mỹ dưới đáy sông Tam Giang.

Đầu năm 1969, tôi được tổ chức cho đi học Trường SPT3, lớp Sư phạm trung cấp Ban Khoa học Xã hội. Đoàn Cà Mau có Thuỷ Hồng, Mỹ Huê, Năm Hải, Năm Thức, Út Tẩm và Tuyết Nga. Lần này, trường được đặt tại lung Cá Trê, kinh Bông Súng, xã Tam Giang. Nơi có nhiều tôm cá, lên trảng chài tôm, xuống sông giăng câu, mò cá nâu, cá ngát...

Chúng tôi được học với thầy Bảy Minh và thầy Vũ Giang. Anh Tám Nguyên làm công tác quản lý, là người có công đi xa hàng trăm cây số đem lương thực về nuôi sống mấy chục con người, lớp tôi không có ngày nào phải bị đói khát.

Chị Tư Vui là y tá chăm lo sức khoẻ cho mọi người. Nhớ khi bị trực thăng đổ quân ven rừng gần trường đóng, trường phải dời qua kinh Cây Mắm, trường ở trong một con rạch có rừng đước và nhiều lá dừa nước. Về đây, đi lên đồng hái rau xanh thuận lợi hơn và ở đây cũng có một kỷ niệm không quên: Gần mãn khoá, vào một đêm chị Hai Dung chuyển dạ sinh con gái đầu lòng là bé Ngọc Trinh. Chị y tá Tư Vui là người đỡ đẻ an toàn cho “mẹ tròn con vuông”.

Hồi ấy, tôi đã có kinh nghiệm chăm sóc trẻ sơ sinh của các chị ở nhà nên bắt tay vào chăm sóc bé. Ngọc Trinh được các dì yêu thương, chăm sóc, chúng tôi mong được gặp lại đứa cháu gái xinh đẹp của mình. Mừng khi nghe cháu đã xây dựng gia đình và có hai con gái xinh đẹp giống mẹ. Nhưng khi về họp mặt tại Cần Thơ tôi nghẹn ngào khi chị Dung báo tin Ngọc Trinh không còn vì căn bệnh hiểm nghèo.

Cuối tháng 8/1969 lớp học kết thúc, thầy tiễn học trò về nhiều hướng khác nhau. Tôi trở về đến Viên An được hai hôm thì nghe tin Bác mất. Người dân quê tôi già như trẻ, gái như trai... khóc nức nở vì hy vọng được rước Bác vào Nam không thành...

Ngày16/9/1969, 128 đảng viên và Nhân dân của xã Viên An, huyện Duyên Hải, đã quyết định xây Đền thờ Bác tại ngã ba Ông Bộng, ấp Cái Xép (nay thuộc phạm vi xã Đất Mũi). Ngày 25/9/1969 đã xây cất xong ngôi nhà sàn rộng hơn 60 m2, mái lợp thiết sơn màu xanh thẫm hợp với lá cây đước, cột bằng cây đước Năm Căn, ở chính giữa ngôi nhà là một giường thờ đóng bằng ván đước, dài 2,8 m, rộng 1,2 m, cao 2 m, trên đó đặt một lư hương to, phía trên bàn chính giữa căn nhà có treo ảnh Bác và cờ giải phóng.

Phía trước ngôi nhà là một khoảng sân, lót sàn bằng cây đước có diện tích 1.000 m2, là nơi để người dân tụ họp làm lễ viếng Bác. Ngôi đền đã trở thành chỗ dựa tinh thần cho người dân trong xã, được nhang khói quanh năm, nhất là những ngày Tết, ngày rằm, mùng 1 trong tháng; đây cũng là địa điểm xã tổ chức các cuộc họp chính trị, văn nghệ, lễ kết nạp đoàn viên, đảng viên mới, kỷ niệm ngày sinh, ngày mất của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Những năm chiến tranh ác liệt, giặc đánh phá dồn dân ra ấp chiến lược, có lúc tàu giặc ngăn sông Tam Giang cắt đứt đôi bờ không qua lại được, có khi dân phải “đói ăn trái mắm” nhưng cách mạng vẫn tồn tại. Viên An vẫn mở được lớp sư phạm đào tạo giáo viên cho các ấp. Lớp này cũng được huyện tăng cường Mỹ Huê xuống dạy...

Giữa năm 1972, lần thứ ba tôi trở về trường SPT3 học tại Bàu Hang. Lần này đi rất khó khăn, qua sông Tam Giang phải có bộ đội bám đường, đi ban ngày gặp máy bay, biệt kích... Duyên Hải có tôi, Khánh Hoa và Tuyết Nhanh. Bà con Bàu Hang rất tốt, suốt thời gian dài trường được bảo vệ an toàn. Bà con sẵn lòng đùm bọc giúp đỡ, cho cá mắm, rau trái làm thức ăn cho thầy trò chúng tôi. Năm 1973 lớp học kết thúc, mọi người trở về quê cũ, tiếp tục sự nghiệp trồng người.

Bẵng đi một thời gian dài, không gặp thầy cô và bạn bè, tôi cảm thấy lạc lõng, chơ vơ... Rồi một hôm nghe tiếng chuông điện thoại reo, gặp lại đứa em gái Mỹ Huê, em báo tin làm “Hồi ký SPT3”, từ đó chị em tôi không còn thất lạc nhau. Chúng tôi được trở lại Bàu Hang, được về họp mặt SPT3 tại Cần Thơ, được gặp lại thầy cô, bạn bè và hôm nay được viết trang “hồi ký” này./.

Trần Thuỷ Hồng

    热门排行

    友情链接