Trong một tuyên bố, Bộ Thương mại Campuchia nhấn mạnh cuộc điều tra của EC, trong đó phát hiện lượng gạo Indica nhập khẩu từ Campuchia và Myanmar tăng 89% trong 5 vụ mùa gần đây nhất, là dựa trên các thông tin không chính xác và sẽ ảnh hưởng tới những người nông dân tại một trong những quốc gia nghèo nhất Đông Nam Á.
Trong khi đó, Hiệp hội Lúa gạo Myanmar kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) tiếp tục hỗ trợ nước này vốn đang phải vượt qua nhiều khó khăn.
Theo quyết định của EC, kể từ ngày 18/1, mặt hàng gạo Indica nhập khẩu từ Campuchia và Myanmar sẽ bị áp thuế 175 euro (199 USD)/tấn trong năm đầu tiên, sau đó sẽ được giảm xuống còn 171 USD/tấn trong năm thứ 2 và 142 USD/tấn trong năm thứ 3.
EC cho rằng sự gia tăng lượng gạo nhập khẩu này đã gây ra rất nhiều khó khăn cho các nhà sản xuất gạo của EU, khiến thị phần của họ bị giảm mạnh.
Campuchia và Myanmar là 2 quốc gia được hưởng lợi từ chương trình ưu đãi EBA (miễn thuế mọi mặt hàng trừ vũ khí), theo đó được miễn thuế và miễn áp đặt hạn ngạch cho những nước ít phát triển trên thế giới.
Thống kê cho thấy trong năm qua, Campuchia đã xuất khẩu tổng cộng 626.225 tấn gạo ra thế giới, trong đó 42,9% số gạo này được xuất sang thị trường EU.
Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu gạo của Myanmar sang EU đạt khoảng 100 triệu USD/năm./.
Theo TTXVN