(CMO) Nhận được tin, tôi thảng thốt: “Chiến, em đã đi rồi ư?”. Vậy rồi nước mắt cứ chảy. Nước mắt của người già lặng lẽ mà đau buốt tình đời. Thằng Hải ra đi (Ngô Hải, Phó Tổng biên tập Báo Cà Mau) nỗi đau vẫn còn trong tâm trí nhiều người, giờ lại đến thằng Chiến, nguyên Tổng Biên tập Báo Cà Mau. Chỉ có mấy năm mà Báo Cà Mau gặp phải những mất mát không gì bù đắp được.
Hơn tháng nay, đầu tôi căng như sợi dây đàn, tôi ngồi ở Bạc Liêu mà chờ ngóng thông tin từ Bệnh viện Chợ Rẫy. Biết tình cảm của tôi, nên anh Hai Bé (nguyên Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, nguyên Tổng Biên tập Báo Cà Mau) rồi đến Toàn, Danh, Phong, các Phó Tổng Biên tập Báo Cà Mau gần như ngày nào cũng thông báo cho tôi diễn biến sức khỏe của Chiến. Khi tin vui, lúc tin buồn. Hồi đầu thì bệnh nặng khó lòng qua khỏi, sau đó bệnh đã tiến triển tốt, rồi lại trở nặng và bây giờ thì nó ra đi vĩnh viễn.
Nhà báo Nguyễn Chiến luôn lạc quan với nụ cười trên môi.
Tôi nhớ gần 40 năm trước, lúc đó cơ quan Báo Minh Hải đóng trên đường Nguyễn Hữu Lễ, thành phố Cà Mau. Đó là một buổi sáng đẹp trời, Nguyễn Chiến từ Phòng Chính trị của Công an tỉnh khăn áo về đầu quân Báo Minh Hải. Báo Minh Hải nhận Chiến vì đó là một cộng tác viên nhiều năm có năng lực, viết tốt. Chiến được “bổ” vào Phòng An ninh Quốc phòng, do Trần Thành Nên làm Trưởng phòng.
Phòng An ninh Quốc phòng ai cũng “Bợm trợn”, Trần Thành Nên thì hom hem, cũ kỹ như một ông từ; lão tướng Huỳnh Biên Cương thì nói nhanh như đại liên bắn; còn Trần Long Tuyền thì hiện diện như một ông cụ non. Nguyễn Chiến hiện ra là một gã trẻ tuổi nhất, đẹp trai nhất. Chỉ phải cái tội là trên gò má có mấy vết thẹo giống như mèo quào, nghe nói hồi nhỏ bị bệnh “giời leo” mà ra. Cái tục danh “Chiến Mèo” có từ thời làm ngành Công an nhưng khi nó được mang về Báo Minh Hải thì được tập thể mới “hồ hởi” đón nhận. Còn Nguyễn Chiến, ai gọi “Chiến Mèo” là nó “ơi!” rồi cười chành bành mặc nhiên chấp nhận. Vậy nên “Chiến Mèo” sống mãi đến hôm nay.
Nhà báo Nguyễn Chiến, nguyên Tổng Biên tập Báo Cà Mau được Đại hội lần thứ VIII Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh Cà Mau tín nhiệm bầu giữ chức Phó Chủ tịch Hội Nhà báo.
Với tôi, mấy cái vết “mèo quào” ấy không làm giảm đi cái điển trai trên khuôn mặt Nguyễn Chiến, mà ngược lại nó tạo ra đường nét, góc cạnh, như một dấu ấn khắc họa, biểu đạt nội tâm của người trên mặt, giống như một thứ duyên thắm. Nếu không có nó, khuôn mặt Chiến sẽ “xuông bâng”, ta chỉ có thể nói Chiến đẹp trai và không có gì để nói nữa. Ông trời sinh ra Chiến tròn trịa như vậy rồi cuộc đời “bổ sung” thêm cho Chiến một khuôn mặt với dấu ấn nhìn là thấy được chiều sâu nội tâm.
Hồi trẻ, Chiến thường hay theo tôi, anh Hai Bé, thằng Quốc (Đỗ Kiến Quốc, nguyên Phó Tổng Biên tập Báo Cà Mau, nguyên Giám đốc Đài PT - TH Cà Mau) và nhiều anh em Báo Minh Hải đi các huyện, thị làm báo bằng một tâm huyết nhiệt thành và tâm hồn hồn nhiên qua nụ cười trong veo đến thánh thiện của nó. Nụ cười này nói với cuộc đời rằng, đây là một con người bụng dạ không có tỵ hiềm, ác ý, nhỏ mọn. Chỉ có lòng thương yêu con người, thương yêu bạn bè, thuộc cấp. Giận ai thì Chiến nói rồi thôi và rất quý trọng tình cảm anh em bạn bè.
Nhà báo Nguyễn Chiến trao đổi nghiệp vụ với cựu Nhà báo Nguyễn Minh Nối.
Tôi nhớ những lúc rỗi việc Chiến đánh xe lên Bạc Liêu chơi với tôi cả ngày, hay rủ tôi đi Kiên Giang, An Giang chơi với mấy thằng bạn cũ. Khi tôi xuống Cà Mau nó tập hợp Hai Bé, thằng Quốc lại rồi bốn, năm anh em ngồi thâu đêm suốt sáng. Tôi ở chung với Chiến chưa đầy 10 năm và khi tỉnh Minh Hải chia tách ra thành tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu thì tôi về Bạc Liêu. Anh em xa nhau đã hơn 20 năm mà tình cảm của Chiến dành cho tôi và nhiều anh em khác vẫn một cách đầm thấm, gắn bó, không thấy sự phai nhạt như thói đời.
Càng lớn tuổi cuộc đời nội tâm của Chiến càng dày. Đó là một tâm hồn luôn nhạy cảm. Cũng bởi tâm hồn này mà ngoài tình yêu nghề báo Chiến còn có một tình yêu âm nhạc. Ở nhà Chiến có cây đàn guitar, trên xe Chiến cũng có cây đàn và ở cơ quan Chiến cũng trang bị cho mình một cây đàn như thế. Nhậu càng say Chiến đàn hát càng hay. Tôi đã nhiều lần ngồi nhìn và nghe Chiến tự đàn và tự hát. Đó là một phong thái rất điêu luyện đến chuyên nghiệp. Giọng Chiến thanh nhưng vẫn trầm, khi thì rung âm đầy xúc cảm. Ta nghe và ta bị cuốn hút theo cảm xúc say đắm của Chiến. Tôi đã có lần nghĩ rằng, nếu không mắc nợ làm báo Chiến sẽ là một ca sĩ chuyên nghiệp. Và những điều trên nói với chúng ta rằng, Nguyễn Chiến là một con người có tâm hồn nhạy cảm nên sâu nặng tình đời. Có lẽ vì thế mà Chiến hành xử với cuộc đời và xử lý công việc luôn đặt cái tình lên trên hết. Thế nên ai cũng quý nó. Khi nó ra đi, Báo Cà Mau có quá nhiều nước mắt.
Nhà báo Nguyễn Chiến trao cúp vô địch môn bóng đá mini cho đơn vị Báo Bạc Liêu tại Hội thao do Báo Cà Mau tổ chức.
Đối với công việc, nó xử lý, làm ra sản phẩm của mình bằng chiều sâu nội tâm. Thế cho nên Báo Cà Mau vừa có hồn, vừa đẹp. Tôi nhớ, mỗi năm vào dịp làm báo Xuân, nó mời tôi, Nhà thơ Trọng Tín và một vài anh em nổi tiếng hiểu biết Cà Mau rồi đưa đi cơ sở để viết báo Xuân. Thế nên, giai phẩm Xuân Cà Mau rất hồn phách và chiều sâu cuộc đời. Rất gần gũi với các tờ báo Xuân của các cơ quan báo chí tại thành phố Hồ Chí Minh.
Ai rồi cũng phải ra đi, đó là luật trời. Nhưng nhìn Chiến ai cũng không thể tin rằng nó ra đi sớm như thế. Bao nhiêu hoài bão ấp ủ cho Báo Cà Mau chưa thực hiện được, cuộc đời riêng thì hai thằng con trai lớn chưa vợ, chưa kịp bồng cháu nội. Nghĩ đến đây tôi rơi nước mắt. Từ đây, mỗi lần về thăm cơ quan cũ tôi đã không còn một thằng em, gặp nhau là cái miệng cười chành bành: “Khỏe không anh Tư?!”, rồi bá vai, rồi anh em ngồi đến thâu đêm suốt sáng; không còn ai để mỗi lần nhậu say tôi ôm hôn nó cũng như là ôm hôn anh Bé và thằng Quốc.
Chiến ơi anh đau, mấy dòng này là ba nén nhang anh vĩnh biệt em!./.
Nhà văn: Phan Trung Nghĩa