Trên thực tế, tại một số quốc gia phát triển, cũng đã thực hiện thu phí này, nhằm có nguồn để vận hành, bảo trì và phát triển hạ tầng giao thông khác. Đầu tư bằng nguồn vốn nào cũng thu phí Theo nghiên cứu của Bộ Giao thông vận tải, từ năm 1990 - 2005, Trung Quốc đã hoàn thành xây dựng 42.000 km đường cao tốc có thu phí, trong đó chủ yếu là mạng lưới đường trục cao tốc. Giai đoạn từ 2005 - 2025, Trung Quốc lập quy hoạch mở rộng mạng lưới cao tốc thu phí lên 85.000 km, trong đó 66% - 90% chi phí đầu tư sẽ từ ngân sách chính phủ, ngân sách các tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm đầu tư xây dựng và một phần huy động từ nguồn vốn tư nhân. Đáng chú ý, toàn bộ các tuyến đường cao tốc, dù đầu tư bằng nguồn vốn nào cũng đều được thu phí để hoàn vốn, vận hành, bảo trì và phát triển hạ tầng giao thông khác. Thậm chí, sau khi hoàn vốn, một số trạm thu phí ở Trung Quốc vẫn tiếp tục thu phí, như đường cao tốc sân bay Bắc Kinh. Nguyên nhân là do chấm dứt thu phí làm lượng phương tiện đi cao tốc tăng đột biến, gây tình trạng tắc nghẽn giao thông và hư hỏng đường. Doanh thu từ việc tiếp tục thu phí trên các tuyến đường này được dùng để tiếp tục bảo trì đường và ngoài ra còn để tái phân bổ cho các khu vực nghèo hơn. Còn tại Nhật Bản, từ thập niên 50 tới đầu những năm 2000, nước này đã thông qua 2 cơ chế tài chính: thu phí sử dụng đường cao tốc và thu phí nhiên liệu phương tiện đường bộ, để phát triển và mở rộng được hơn 10.000 km đường cao tốc và trải nhựa các tuyến đường bộ chính. Trong giai đoạn đầu, Chính phủ Nhật Bản sử dụng ngân sách để phát triển mạng lưới đường bộ, đường cao tốc; đồng thời bảo lãnh cho chính quyền trung ương và địa phương huy động vốn xây dựng các dự án đường cao tốc và thu phí để hoàn vốn. Mức phí dịch vụ gồm: Phí tính theo km xe chạy (25 JPY/km tương đương 900 đồng/km) + phí cố định (150 JPY tương đương 33.500 đồng) + 10% thuế tiêu dùng. Giai đoạn tiếp theo, để huy động hiệu quả hơn các nguồn lực từ khối tư nhân, Nhật Bản đã thành lập Công ty Công chính đường cao tốc Nhật Bản (JH). Công ty này đã thay mặt cho Chính phủ Nhật Bản để thu phí đường bộ và hoàn trả các khoản vốn huy động ban đầu. Cần vốn lớn trong khi nguồn lực nhà nước còn hạn chế Như vậy có thể thấy, một số quốc gia có nền kinh tế phát triển, vẫn thực hiện thu phí sử dụng đường cao tốc. Ở nước ta, trong hệ thống đường cao tốc do nhà nước đầu tư, chỉ có tuyến đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương từng thực hiện thu phí sử dụng đường bộ thông qua trạm thu phí trên đường cao tốc giai đoạn từ năm 2011 - 2018, nhưng tạm dừng thu phí từ ngày đầu năm 2019 đến nay.
Theo quy định về phí, lệ phí và pháp luật về giá hiện hành đối với sử dụng đường bộ: thu phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện hàng năm (tiền phí thu được sử dụng cho hoạt động bảo trì hệ thống đường bộ do Nhà nước quản lý); thu phí dịch vụ (theo cơ chế giá) qua trạm thu phí để hoàn vốn đầu tư xây dựng đường bộ (doanh nghiệp đầu tư). Đến nay, pháp luật chưa quy định cụ thể về việc thu phí/giá dịch vụ sử dụng đường cao tốc do nhà nước đầu tư. Tuy nhiên, số vốn để phát triển đường cao tốc lại cần rất lớn (nhu cầu vốn đầu tư đường cao tốc đến năm 2020 cần 342,6 nghìn tỷ đồng, đến năm 2030 cần 599,1 nghìn tỷ đồng), trong khi nguồn lực nhà nước hạn chế, do đó, cần thiết phải huy động mọi nguồn lực xã hội. Trước đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã chủ trì họp với nhiều bộ, ngành về vấn đề này và Văn phòng Chính phủ đã có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng về thu phí đường cao tốc thông qua trạm thu phí trên đường cao tốc do Nhà nước đầu tư. Trong đó, Chính phủ giao Bộ Tài chính hoàn thiện hồ sơ dự thảo để báo cáo các cấp trước khi báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định. Dự thảo nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đang được Bộ Tài chính lấy ý kiến, nhận được nhiều ý kiến từ dư luận. Có ý kiến đồng tình, có ý kiến lo ngại liệu có phí chồng phí, khi thực hiện quy định này. Một số chuyên gia kinh tế và đại biểu Quốc hội đã đồng tình chia sẻ với những khó khăn của ngân sách hiện nay, trong khi nhu cầu phát triển hết sức cần thiết phải có những con đường cao tốc mới (mới đáp ứng 15% kế hoạch đề ra), từ đó mới thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Minh Anh |