890 miếng vàng SJC,ếngvàngSJCkgvàngnguyênkhốibịthugiữtrongvụtài góc 246kg vàng nguyên khối bị thu giữ trong vụ Mr Pips
Hải Nam(Dân trí) - Quá trình điều tra, nhà chức trách thu giữ 69 tỷ đồng, 2,3 triệu USD; 890 miếng vàng SJC; 246kg vàng nguyên khối; 31 siêu xe, 7 mô tô hạng sang... của các đối tượng.
Liên quan vụ bắt giữ TikToker Mr Pips Phó Đức Nam (ở TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), Công an TP Hà Nội cho biết cơ quan điều tra đã khởi tố 26 bị can về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, 3 bị can tội Rửa tiền, 1 bị can tội Không tố giác tội phạm và 1 bị can tội Chứa chấp tài sản do người khác phạm tội mà có.
Quá trình điều tra, nhà chức trách thu giữ, phong tỏa 316 tỷ tiền trong tài khoản, trái phiếu trị giá 9 tỷ đồng, sổ tiết kiệm trị giá hơn 200 tỷ đồng; 69 tỷ đồng, 2,3 triệu USD; 890 miếng vàng SJC; 246kg vàng nguyên khối; 31 siêu xe, 7 mô tô hạng sang, 59 đồng hồ nhãn hiệu nổi tiếng, trị giá khoảng 300 tỷ đồng; 84 trang sức các loại bằng vàng, khảm kim cương... Bên cạnh đó, nhà chức trách đã phong tỏa giao dịch đối với 125 bất động sản.
Tổng tài sản bị thu giữ, phong tỏa ước tính hơn 5.200 tỷ đồng.
Trên mạng xã hội, Phó Đức Nam thường đăng tải các video chia sẻ về cuộc sống xa hoa và dạy cách kiếm tiền, với hàng trăm nghìn lượt theo dõi trên TikTok và YouTube.
Ngoài Nam, một TikToker nổi tiếng khác là "Mr Hunter", tức Lê Khắc Ngọ (ở quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cũng bị cơ quan điều tra khởi tố và đang tiến hành truy bắt.
Nhà chức trách yêu cầu Lê Khắc Ngọ ra đầu thú, nộp lại tài sản do lừa đảo chiếm đoạt tài sản để hưởng lượng khoan hồng của pháp luật.
Theo Công an Hà Nội, Nam và Ngọ câu kết với đối tượng người Thổ Nhĩ Kỳ, cùng nhau thành lập hàng chục công ty và văn phòng trên cả nước.
Mặc dù công ty không đăng ký hoạt động về chứng khoán, tài chính nhưng vẫn tuyển dụng nhân viên để hoạt động trong lĩnh vực giao dịch ngoại hối, chứng khoán phái sinh.
Các đối tượng đã tạo lập, quản lý 5 trang mạng có giao diện tiếng Anh để người tham gia hiểu lầm là giao dịch trên các sàn quốc tế, có uy tín, tạo niềm tin cho các nhà đầu tư.
Thủ đoạn của các đối tượng là cung cấp thông tin sai sự thật để khách hàng tin tưởng, chuyển tiền vào tài khoản do các đối tượng chỉ định rồi chiếm đoạt.
Ban đầu, các đối tượng dùng các thủ đoạn để dụ dỗ khách hàng giao dịch nhiều lần với số lượng tiền thấp, có lãi và rút tiền được, sau đó sử dụng nhiều thủ đoạn khác nhau để hướng dẫn, thúc đẩy khách hàng nâng vốn giao dịch.
Khi khách hàng giao dịch thua lỗ, thậm chí thua hết tiền trong tài khoản, các đối tượng cung cấp các thông tin sai sự thật để khách hàng tiếp tục có niềm tin, chuyển thêm tiền để "gỡ". Đến khi khách hàng không còn khả năng về tài chính, các đối tượng chặn liên lạc, chiếm đoạt toàn bộ số tiền mà khách đã chuyển.