Cùng dự cuộc làm việc có Phó Thủ tướng Lê Văn Thành,ủtướngvàcácbộtrưởngchungsứccùngBắcNinhđẩylùidịchbệkq dua Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên, lãnh đạo Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải. Trước đó, chiều cùng ngày, ngay sau khi chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về phòng chống dịch bệnh COVID-19, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã về Bắc Giang kiểm tra công tác phòng chống dịch, giải quyết các kiến nghị, đề xuất của tỉnh và động viên các lực lượng tuyến đầu đang làm nhiệm vụ tại đây. Tại hai cuộc làm việc với Bắc Ninh và Bắc Giang, hàng loạt kiến nghị, xử lý của địa phương đã được Thủ tướng giao các Bộ trả lời, giải quyết nhanh chóng, không chậm trễ. Báo cáo Thủ tướng, bên cạnh những kết quả đạt được, lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh nêu một số khó khăn trong chống dịch như tỉnh có nhiều người nước ngoài và công nhân, người lao động làm trong và ngoài khu công nghiệp, mật độ dân số đông (chủ yếu là lao động tỉnh ngoài chiếm 75%); việc quản lý, theo dõi chính xác thông tin sức khỏe đối với những người này gặp nhiều khó khăn. Đến thời điểm này, những người là F1 phải cách ly nhiều, tập trung trong cùng thời điểm; chủng virus mới tại Bắc Ninh diễn biến rất nhanh, khó lường, dịch xảy ra tại nhiều địa điểm khác nhau, nếu xử lý không tốt, dịch sẽ lan rộng. Tỉnh còn gặp khó khăn khi thực hiện mua sắm khẩn cấp trang thiết bị, vật tư hóa chất, sinh phẩm do xác định giá mua khó, chẳng hạn cùng là test nhanh hoặc cùng loại trang thiết bị nhưng giá rất khác nhau. Nhiều mặt hàng khan hiếm cục bộ, không đáp ứng kịp nhu cầu. Lãnh đạo Sở Tài chính cho biết, kinh phí dành cho chống dịch theo dự toán cả năm là 542 tỷ, đến nay đã sử dụng 290 tỷ. Ngoài ra, tỉnh có thể điều chỉnh, tạm ứng số ngân sách 2.589 tỷ đồng cho công tác này trong trường hợp khẩn cấp và 24 tỷ đồng ủng hộ qua Mặt trận Tổ quốc tỉnh.
Bí thư Tỉnh ủy Đào Hồng Lan đề nghị một số vấn đề về cơ chế cho các doanh nghiệp đầu tư xây dựng các khu ký túc xá cho công nhân, như sửa đổi Điều 29, Nghị định số 82/2018/NĐCP ngày 22/5/2018 về khu công nghiệp, khu chế xuất. Tỉnh cũng kiến nghị bổ sung test nhanh để có đủ test phục vụ xét nghiệm; sớm hướng dẫn các tỉnh cơ chế huy động các nguồn lực của xã hội, doanh nghiệp mua vaccine tiêm cho nhân dân và công nhân. Một số đề nghị khác là hỗ trợ cho người dân, công nhân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng sâu do dịch bệnh và có chính sách hỗ trợ các ca F0, F1, nhất là các đối tượng dưới 16 tuổi khi bố mẹ phải cách ly tập trung; hướng dẫn các doanh nghiệp hạch toán kinh phí tiêm vaccine, mua mẫu xét nghiệm cho công nhân hoặc ủng hộ tiêm vaccine là chi phí hợp lệ của doanh nghiệp… Bộ Quốc phòng nâng công suất Bệnh viện dã chiến từ 300 lên 500 giường và hỗ trợ nguồn nhân lực để thực hiện… Bảo vệ an toàn các khu công nghiệp là vấn đề mấu chốt Phát biểu tại cuộc làm việc, lãnh đạo các bộ cơ bản đồng tình với các kiến nghị được tỉnh nêu ra. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho rằng, có thể tạm yên tâm với những biện pháp đã và đang triển khai trong chống dịch của Bắc Ninh. Nhưng tỉnh vẫn phải quyết liệt hơn, vì số khu công nghiệp và lượng công nhân nhiều hơn Bắc Giang. Bắc Ninh có đến 400.000 công nhân, trong đó hơn 200.000 người đến từ 63 tỉnh, thành phố. Trong lần làm việc trước đó với tỉnh, Bộ trưởng đã đề nghị Bắc Ninh thực hiện giãn cách xã hội mạnh hơn, trên quy mô lớn hơn để bảo vệ an toàn cho sản xuất. Cần bảo vệ công nhân trong suốt quá trình từ nơi ở, khi di chuyển và tại các nhà máy. Cục Quản lý môi trường y tế của Bộ Y tế đã có hướng dẫn cụ thể và đã tiến hành tập huấn cho địa phương, giám sát về nội dung này. Bảo vệ an toàn các khu công nghiệp là vấn đề mấu chốt để kiểm soát tình hình dịch, Bộ trưởng nhấn mạnh. Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cũng khuyến nghị: Đối với một số khu nhà lưu trú có tập trung đông công nhân, giảm mật độ ở những khu này theo hướng 50% đi làm, 50% ở nhà. Nếu có ca nhiễm thì lập tức áp dụng thiết chế cách ly tập trung, đảm bảo tối đa an toàn, không cho ra khỏi phòng và xử lý nghiêm vi phạm. Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, hiện nay các đơn vị sản xuất test nhanh đang nỗ lực nâng cao năng lực, hiện khoảng 150.000 test/ngày; Bộ Y tế khuyến khích tất cả các doanh nghiệp nhập khẩu test nhanh về Việt Nam. Bộ Y tế hoàn toàn ủng hộ các kiến nghị của Bắc Ninh. Bộ Y tế đã công khai giá các mặt hàng phục vụ chống dịch, tỉnh có thể tham khảo để thực hiện mua sắm. “Thường vụ tỉnh ủy Bắc Ninh cần quyết định vấn đề liên quan đến mua sắm test nhanh mới thực hiện ngay được. Nếu đấu thầu thì sẽ khó khăn và lâu. Bộ Y tế sẽ cấp thêm cho địa phương nhưng cũng khó đáp ứng đủ vì nhiều địa phương có nhu cầu” - Bộ trưởng Bộ Y tế nói. Liên quan đến vấn đề xét nghiệm, qua kiểm tra một số nhà máy trong các khu công nghiệp, Bộ Y tế khuyến khích các doanh nghiệp tự lấy mẫu. Bộ Y tế đã có video hướng dẫn cho nên chỉ cần làm 1 - 2 lần là thực hiện tốt. Về xét nghiệm PCR, Bộ trưởng nêu rõ không lo thiếu. Tuy nhiên, tỉnh cần kết hợp vừa xét nghiệm test kháng nguyên nhanh vừa xét nghiệm gộp mẫu mới làm nhanh được, bảo đảm hiệu quả và tiết kiệm hơn. Liên quan đến điều trị, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long thông tin, Bộ Y tế đã tiếp tục giao các bệnh viện trung ương đảm bảo tối đa nhân sự hồi sức tích cực (ICU) cho Bắc Ninh. Tỉnh cũng cần xây dựng phương án có 5.000 ca mắc để chủ động ứng phó. Bộ trưởng Bộ Y tế nêu rõ: Nếu Bắc Ninh liên hệ với các doanh nghiệp, đối tác để nhập khẩu được vaccine COVID-19 thì Bộ Y tế ủng hộ. Bộ Y tế sẽ chịu trách nhiệm kiểm định chất lượng. Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết them, ngoài 150.000 liều vaccine đã cấp cho tỉnh, thực hiện yêu cầu của Thủ tướng, sáng 29/5, Bộ Y tế phân bổ thêm 50.000 liều nữa. “Bộ Y tế đã giao 2 đồng chí Thứ trưởng - “tư lệnh” 2 bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế tại Bắc Ninh và Bắc Giang trong vòng 7 ngày phải tiêm xong 200.000 liều vaccine tại mỗi tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang. Bộ Y tế sẽ điều 1.000 nhân lực ở Trường Cao đẳng Y tế Bạch Mai và các lực lượng y tế khác hỗ trợ 2 địa phương” - Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long thông tin. Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung cho rằng, Bắc Ninh cần quan tâm đời sống của công nhân nơi cách ly và cả tại các khu trọ; rà soát lại, sàng lọc các lao động nước ngoài tại Bắc Ninh - chiếm 15.000 người trong tổng số 90.000 lao động nước ngoài trên cả nước. Bộ trưởng đã làm việc với tỉnh về hỗ trợ những người bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, tỉnh cần rà soát lại vì có thể còn bỏ sót nhiều đối tượng. Bộ sẽ dùng quỹ bảo trợ trẻ em để chi trả tiền ăn cho toàn bộ trẻ em trên cả nước bị cách ly từ nay đến 31/12/2021. Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cho rằng, tình hình hiện tại của Bắc Ninh tốt hơn Bắc Giang, nhưng với quy mô sản xuất công nghiệp lớn, tỉnh cần đánh giá kỹ hơn, cảnh giác, tập trung hơn, có phương án chuẩn bị ở mức độ cao hơn với cơ số trang thiết bị, vật tư y tế lớn hơn để sẵn sàng cho mọi trường hợp.
Lấy khó khăn, thách thức làm động lực vươn lên, khẳng định và trưởng thành Kết luận cuộc làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính biểu dương tỉnh Bắc Ninh đã làm tốt công tác chống dịch vừa qua, duy trì sản xuất, kinh doanh và dần ổn định đời sống người dân. Trong bối cảnh nguy cơ dịch rất cao, tỉnh đã nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, sáng tạo trong thực hiện các giải pháp kiềm chế dịch bệnh. Thủ tướng nhắc lại tinh thần chỉ đạo chung là phải lấy khó khăn, thách thức làm động lực vươn lên, khẳng định và trưởng thành, “thấy khó khăn mà chùn bước, hoang mang, dao động là không được”. Thủ tướng cũng hoan nghênh lãnh đạo các bộ đã lên Bắc Ninh, Bắc Giang chia sẻ, chung sức, đồng lòng với tỉnh, giải quyết các kiến nghị, cùng tỉnh quyết tâm ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh. Tuy nhiên, nguy cơ dịch bệnh tại Bắc Ninh vẫn rất cao do lượng công nhân rất lớn tại các khu công nghiệp, tỉnh là một trong những địa phương có mật độ dân số cao nhất cả nước. Tỉnh cần thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại hội nghị trực tuyến toàn quốc sáng ngày 29/5, kết hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa phòng ngự và tấn công, trong đó tấn công là chính, phòng là chiến lược, cơ bản, lâu dài, quyết định. Thủ tướng đề nghị tỉnh nghiên cứu giãn cách xã hội rộng hơn để đề phòng, ngăn chặn các nguy cơ, đặc biệt là tại các khu công nghiệp, những nơi giáp vùng dịch Bắc Giang; trong đó, lưu ý nghiên cứu mô hình giãn cách nhiều lớp của Đông Anh (Hà Nội) và Đà Nẵng. Thủ tướng yêu cầu xét nghiệm chủ động, thần tốc hơn, Bộ Y tế cung cấp tối đa test nhanh cho địa phương để phát hiện sớm, truy vết và cách ly nhanh, điều trị hiệu quả, xử lý dứt điểm, nhanh chóng ổn định tình hình. Đây là chìa khóa để phát hiện và ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh.
Tỉnh cần quản lý chặt chẽ công nhân, nắm vững dữ liệu về số công nhân được giữ lại và về các địa phương, Bộ Thông tin và Truyền thông hỗ trợ tỉnh xây dựng cơ sở dữ liệu về nội dung này. Ban Quản lý các khu công nghiệp, các chủ doanh nghiệp phải có trách nhiệm, phối hợp với chính quyền địa phương trong phòng chống dịch theo phương châm cùng chia sẻ lợi ích và rủi ro. Thủ tướng yêu cầu tổ chức lại tốt hơn việc sinh hoạt của công nhân tại các nhà máy bị cách ly, các trung tâm sản xuất, hiện tỉnh đã có những mô hình tốt, hiệu quả, cần tổng kết, rút kinh nghiệm, hoàn thiện và nhân rộng, với sự tham gia của doanh nghiệp. Tỉnh cần tập trung chỉ đạo, phát huy vai trò tại chỗ của hệ thống chính trị cơ sở mà cấp ủy, chính quyền là hạt nhân, cùng với phát huy vai trò của lực lượng công an cơ sở. Thủ tướng giao các bộ trưởng nhanh chóng xử lý các kiến nghị của địa phương theo thẩm quyền, nếu vượt thẩm quyền thì báo cáo Phó Thủ tướng Lê Văn Thành - được Thủ tướng Chính phủ phân công phụ trách trực tiếp, chỉ đạo công tác phòng chống dịch tại Bắc Giang, Bắc Ninh. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Xây dựng nghiên cứu, đề xuất sửa đổi quy định liên quan tới nhà ở cho công nhân, trong đó có Nghị định 82. Bộ Y tế chỉ đạo hệ thống các trường y huy động lực lượng sinh viên sẵn sàng chi viện cho những nơi trọng điểm chống dịch. Thủ tướng gửi lời thăm hỏi tới đồng bào, đồng chí của tỉnh Bắc Ninh, tin tưởng Bắc Ninh sẽ thành công trong việc ngăn chặn, kiềm chế và đẩy lùi dịch bệnh, phát triển kinh tế.
Ngay sau cuộc làm việc với tỉnh Bắc Ninh, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tới thăm nhà máy sản xuất của Samsung tại khu công nghiệp Yên Phong. Thăm hỏi, chia sẻ, động viên lãnh đạo doanh nghiệp và các công nhân tại đây, Thủ tướng đề nghị Samsung tiếp tục thực hiện tốt các quy định, giải pháp về phòng chống dịch để tiếp tục sản xuất kinh doanh hiệu quả. Quan điểm của Chính phủ Việt Nam là đặt tính mạng, sức khỏe của nhân dân lên trên hết, trước hết, Thủ tướng mong muốn Samsung tiếp tục bảo đảm sức khỏe, đời sống cho các công nhân, không để dịch xuất hiện và lây lan trong nhà máy, đề nghị phía Samsung cùng các cơ quan chức năng của Việt Nam tìm kiếm nguồn cung vaccine phòng COVID-19. Theo Chinhphu.vn |