Doanh nghiệp chưa hết khó khăn Đề cập đến những khó khăn của doanh nghiệp ngành dệt may, ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho biết, năm 2024 chưa phải là năm sáng sủa mà còn chịu dư âm ảnh hưởng của năm 2023, rất nhiều khó khăn vẫn phải đối mặt. Đặc biệt là việc tăng phí từ vận tải biển do tình trạng bất ổn ở Biển Đỏ, áp lực thời gian giao hàng lớn khi tàu phải đi qua Mũi Hảo Vọng. Bên cạnh những khó khăn trên, còn một áp lực lâu dài với ngành dệt may đó là những yêu cầu thay đổi lớn từ các thị trường. Đơn cử như thị trường EU, họ đưa ra yêu cầu về thời trang bền vững, chiến lược dệt may bền vững, bắt đầu từ thiết kế sinh thái, sản xuất và tiêu dùng sản phẩm dệt may bền vững, thậm chí thải bỏ cũng phải bền vững tức là phải tái chế lại được. Ngay cả với hàng tồn kho, các thị trường lớn cũng yêu cầu phải tái chế lại chứ không tự tiện sử dụng như trước đây. Nhiều nhãn hàng đưa ra yêu cầu từ nay đến năm 2030 phải sử dụng 30% năng lượng tái tạo trong sản xuất, đến năm 2050 con số này phải là 100%; đồng thời, yêu cầu các doanh nghiệp dệt may phải có lộ trình thực hiện đến năm 2050. Chẳng hạn như nếu doanh nghiệp không làm được điện áp mái thì phải mua tín chỉ carbon,… điều này làm tăng chi phí của doanh nghiệp. Cũng theo Phó Chủ tịch VITAS, vấn đề lao động cũng là khó khăn với ngành dệt may trong năm 2024. Đơn hàng hiện nay không thiếu nhưng thiếu lao động, bởi nửa đầu năm 2023, gần 80.000 lao động mất việc làm, lao động về quê tìm việc và không quay lại nữa. “Tôi cho rằng Nhà nước khi đưa ra chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng hỗ trợ nguồn vốn cho phát triển nhà ở xã hội thì cần đẩy nhanh để giúp lao động gắn bó với doanh nghiệp lâu dài, điều này cũng gián tiếp hỗ trợ cho doanh nghiệp. Với gói hỗ trợ lãi suất 40.000 tỷ đồng, cần chuyển sang quỹ khác như hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi xanh, vì việc chuyển đổi này cần rất nhiều tiền”, ông Trương Văn Cẩm đề xuất. Còn theo ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, ngành gỗ trước đây được ví như “con gà đẻ trứng vàng”, xuất khẩu nhiều, tạo ra nhiều công ăn việc làm, phần giá trị gia tăng người Việt Nam được hưởng cao hơn các ngành khác. Tuy nhiên đến nay, chúng tôi thấy khả năng tối đa hóa lợi nhuận của ngành gỗ xuống thấp, không còn là “con gà đẻ trứng vàng” nữa. Hiện doanh nghiệp gỗ đang gặp một số khó khăn, thách thức. Theo đó, doanh nghiệp ngành gỗ phải đối mặt với phòng vệ thương mại. Chúng ta đang dần thay thế Trung Quốc trở thành công xưởng chế biến và cung ứng sản phẩm gỗ cho các thị trường lớn. Chẳng hạn như Hoa Kỳ, trong tổng kim ngạch nhập khẩu đồ gỗ nội thất của nước này hiện nay, Việt Nam đóng góp tới 38,6%. Ghế ngồi là ví dụ, trong 10 chiếc ghế mà Hoa Kỳ nhập khẩu thì có đến 4 chiếc ghế là từ Việt Nam. Điều này cho thấy chúng ta gần như thay thế Trung Quốc tại thị trường Hoa Kỳ, cũng chính vì vậy mà Hoa Kỳ thường xuyên khởi xướng điều tra phòng vệ thương mại đối với sản phẩm gỗ từ Việt Nam. Bên cạnh đó, chuyển đổi xanh vừa là thách thức vừa là cơ hội cho ngành gỗ. Từ 10-15 năm nay, Việt Nam thực hiện rất nhiều việc để đảm bảo gỗ hợp pháp cũng như quy định không gây mất rừng và không gây suy thoái rừng. Trong khi nhiều nước có vẻ như “đầu hàng” hoặc phản đối quyết liệt thì với Việt Nam lại là cơ hội, nếu chúng ta làm tốt thì sẽ mở rộng được thị trường. Một thách thức khác đến từ những quy định trong nước, trong đó quy định về phòng cháy, chữa cháy đang làm khó các doanh nghiệp gỗ, thậm chí một số doanh nghiệp phải dừng hoạt động vì không đáp ứng được quy định. Tiếp sức cho doanh nghiệp Tuy GDP quý 1 tăng 5,66% so với cùng kỳ năm trước, vượt kịch bản đề ra và là mức tăng cao nhất trong quý đầu 4 năm liên tiếp, nhưng theo nhận định của các chuyên gia, nhiều dấu hiệu cho thấy đà phục hồi kinh tế chưa bền vững, chất lượng tăng trưởng chưa được cải thiện, trong khi đó, các động lực tăng trưởng đang có dấu hiệu “hụt hơi”. Bên cạnh đó, những tác động tiêu cực của các yếu tố bất lợi, bấp bênh từ tình hình kinh tế thế giới sẽ tiếp tục gây ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng cũng như sự phục hồi của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2024 và việc hoàn thành nhiều mục tiêu chiến lược những năm tiếp theo. Để đạt mục tiêu tăng trưởng từ 6-6,5% như mục tiêu đề ra, tăng trưởng kinh tế các quý cuối năm cần đạt từ 5,85 - 6,28% ở kịch bản tăng trưởng 6% và từ 6,32 - 7,08% ở kịch bản tăng trưởng 6,5%. Điều này đòi hỏi phải có những giải pháp thúc đẩy tăng trưởng và hỗ trợ doanh nghiệp hiệu quả, kịch bản ứng phó với các tình huống phát sinh khi Việt Nam là nền kinh tế có độ mở lớn và chịu tác động từ những biến động bất lợi từ tình hình kinh tế, chính trị toàn cầu gần đây. Đồng thời, cần những định hướng cải cách, giải pháp điều hành nhằm thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, gắn với duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn cần tiếp tục được thực hiện. Đáng chú ý, mới đây Chính phủ đã có Tờ trình số 177/TTr-CP trình Quốc hội về kết quả thực hiện việc giảm 2% thuế suất thuế GTGT theo Nghị quyết số 110/2023/QH15 của Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV. Trên cơ sở đánh giá kết quả đạt được của giải pháp giảm thuế GTGT 2% theo Nghị quyết số 110/2023/QH15, Chính phủ trình Quốc hội xem xét, cho phép tiếp tục thực hiện chính sách giảm 2% thuế suất thuế GTGT đối với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng thuế suất thuế GTGT 10% trong 6 tháng cuối năm 2024 (từ ngày 1/7/2024 đến hết ngày 31/12/2024) và giao Chính phủ tổ chức, thực hiện. Trao đổi với phóng viên Tạp chí Hải quan, GS. TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, trong bối cảnh nền kinh tế đang đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn, việc áp dụng giảm thuế GTGT là hết sức cần thiết cho người dân, doanh nghiệp. Theo đó, việc giảm thuế GTGT từ 10% xuống còn 8% đối với nhiều mặt hàng là động thái tích cực giúp kích thích chi tiêu, góp phần thúc đẩy tăng trưởng GDP. Bởi giảm thuế GTGT sẽ giúp giảm chi phí trực tiếp cho người mua hàng, việc được giảm thuế sẽ kích thích người tiêu dùng mua sắm nhiều hơn, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sẽ quay vòng vốn tốt hơn. Bên cạnh đó, việc được giảm 2% thuế GTGT đối với nguyên vật liệu, phụ tùng, thiết bị… cũng giúp chi phí đầu vào sản xuất giảm, doanh nghiệp có dư địa giảm giá sản phẩm, chia sẻ khó khăn với người tiêu dùng. “Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay cần tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp gặp khó khăn do đơn hàng xuất khẩu giảm, từ đó thúc đẩy giải quyết hàng tồn kho, tăng vòng quay của vốn. Do vậy, có thể khẳng định, chính sách này giúp doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh khá hiệu quả”, GS. TS Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh.
|