Tiếng trống khuyến học ban đêm Hàng chục năm nay, phong trào “Tiếng trống khuyến học ban đêm”, khởi nguồn từ thôn Trác Bút, thị trấn Chờ, huyện Yên Phong, đã trở thành phong trào nổi tiếng cả nước. Theo đó, cụ Nguyễn Văn Thúc, người thôn Trác Bút, nguyên Chủ tịch UBND huyện Yên Phong, là một trong những người đưa ra ý tưởng trên từ năm 1984, khi cụ về nghỉ hưu và làm Trưởng Ban Khuyến học thôn Trác Bút. Phong trào chính thức được triển khai và lan tỏa từ năm 2000. Mỗi ngày, cứ 19 giờ vào mùa Đông và 19 giờ 30 phút vào mùa Hè, tiếng loa truyền thanh “Đã đến giờ tự học của các cháu, Hội Khuyến học Trác Bút đề nghị các hộ gia đình vặn nhỏ đài, ti vi, đôn đốc con em ngồi vào bàn học tập. Tùng tùng tùng!… Tùng tùng tùng…” lại vang lên. Những âm thanh đó như lời thúc giục không chỉ học sinh mà toàn thể phụ huynh cùng thu xếp, tạo điều kiện cho con, em học bài. Tất cả học sinh trong thôn dù đang làm gì cũng dừng lại để ngồi vào bàn học. Đặc biệt, trong thôn đã cử ra ban đại diện gồm các ông, bà trong ban khuyến học, các hội, đoàn thể thay nhau đến kiểm tra việc chấp hành “tiếng trống” khuyến học của các gia đình. Từ thôn Trác Bút, tiếng trống khuyến học lan nhanh đến hầu khắp các thôn, khu phố của huyện Yên Phong, rồi tỏa đến nhiều địa phương ở trong và ngoài tỉnh, đến mỗi nơi lại có cách làm sáng tạo phù hợp. Em Nguyễn Hải My, khu phố Phúc Sơn, phường Vũ Ninh, thành phố Bắc Ninh chia sẻ: Nhiều năm nay, cứ vào 19 giờ là tiếng trống khuyến học lại được phát trên loa truyền thanh thôn. Cũng đến giờ đó chúng em lại ngồi vào bàn học bài. Cũng có những hôm gia đình bận việc, bố mẹ cho em ăn cơm trước để thu xếp học bài đúng giờ “trống giục”. Đến nay, như đã thành thói quen, ban ngày khi đi học về, em thường vui chơi, vệ sinh, cá nhân, ăn tối rồi học bài trước giờ loa truyền thanh phát đi tiếng trống. Cũng không để bố mẹ phải nhắc nhở, 3 anh chị em trong nhà đều nghiêm túc thực hiện. Cùng với phong trào khuyến học ở các địa phương, phong trào học tập trong các trường học cũng được tỉnh triển khai mạnh mẽ. Tuần lễ học tập suốt đời năm 2024 (từ ngày 1-7/10), được Bắc Ninh tổ chức lễ phát động tập trung, sâu rộng. Nhiều đơn vị, địa phương đã nhanh chóng tổ chức các hoạt động hưởng ứng. Điều này, khẳng định sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương, người dân và cộng đồng xã hội với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, tạo sức lan tỏa xây dựng phong trào học tập suốt đời đến đông đảo nhân dân. Tại Trường Trung học Cơ sở Ninh Xá, thành phố Bắc Ninh, địa phương phối hợp với nhà trường thực hiện “Tuần lễ học tập suốt đời”; trưng bày sách, tranh vẽ, phát động duy trì, phát triển văn hóa đọc, tạo sức lan tỏa đến đông đảo cán bộ, giáo viên và học sinh. Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Thị Hải Yến, Hiệu trưởng Trường Trung học Cơ sở Ninh Xá cho biết, không chỉ trong Tuần lễ học tập suốt đời, nhà trường thường xuyên xây dựng kế hoạch, phát huy hiệu quả hoạt động thư viện, duy trì tủ sách lớp học; luân chuyển sách trong trường, giữa các lớp với Trung tâm học tập cộng đồng, tạo dựng thói quen đọc sách cho học sinh. Cô Nguyễn Thị Nga, Hiệu trưởng Trường Tiểu học và Trung học Cơ sở Trần Quốc Toản, thành phố Bắc Ninh cho biết, việc khuyến khích học sinh đọc sách được tổ chức với nhiều hình thức đa dạng như: đọc sách tại thư viện, khuyến khích các lớp học tổ chức buổi đọc sách tại khuôn viên. Đặc biệt, nhà trường đã phát động phong trào học tập suốt đời không chỉ cho học sinh trên lớp mà còn đẩy mạnh đọc sách ở gia đình, khuyến khích học sinh tương tác, đọc sách cùng gia đình. Từ đó, học tập suốt đời sẽ lan tỏa ở phạm vi gia đình và xã hội. Nhà trường khuyến khích các lớp xây dựng video, chùm ảnh về phong trào đọc sách... Nhân lên xã hội học tập Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Thị Ngọc cho biết, hưởng ứng phong trào “Cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời và thực hiện Đề án “Xây dựng xã hội học tập”, những năm qua, Bắc Ninh đã ban hành nhiều chế độ chính sách khuyến học, khuyến tài. Phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập được lan tỏa sâu rộng, mạnh mẽ tới làng xã, từng gia đình, dòng họ, hình thành phong trào tự học, học tập suốt đời, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thông qua mô hình “Công dân học tập”. |