VHO - Một dạo,àtôingườithầyđầutiêviệt nam đá trực tiếp nhiều tác giả yêu văn hóa Hà Nội có nhiều bài viết than về tình trạng ngôn ngữ Hà Nội, ngôn ngữ Việt đang dần bị “mất dạng”, tôi cũng chạnh lòng nghĩ tới bà nội tôi, một người Hà Nội gốc. Bà mất cũng đã lâu rồi nhưng những ứng xử mẫu mực vẫn còn lưu lại dưới nếp nhà tôi đang sống.
Tranh minh họa Vũ Tuấn
Bà tôi, thời phong kiến xưa, không được cụ ngoại cho đi học. Cụ bảo: “Con gái ở nhà nội trợ thôi, học hành là việc của con giai”. Tức khí bà lặng lẽ theo các bạn giai đến trường, trèo lên cây phía sau lớp để học lén. Kiên trì theo đuổi, cuối cùng bà cũng tự học thành công, biết đọc, biết viết và biết các con tính.Tôi ngó trộm vào những lá thư bà viết cho ông cậu tôi ở trong Nam, nét chữ đẹp không kém học trò trường Bưởi. Sau này, mỗi lần kể lại chuyện cũ, bà đều ngậm ngùi tiếc là không được đi học để bằng bạn bằng bè.
Bà tự học và ở nhà giúp cha mẹ trông cửa hàng bán bát sứ, nuôi dạy con cái. Tất cả những hình bóng của người phụ nữ Hà Nội xưa: Nhẫn nhịn, tần tảo, hết lòng vì chồng con... có đầy đủ trong bà. Không bằng cấp, không học hành đến nơi đến chốn nhưng mọi việc trong nhà, ngoài ngõ, “đối nội, đối ngoại”, bà đều thực hiện chu toàn đâu ra đó. Tôi nhớ là hầu hết những lời dạy trong dân gian, bà không những thuộc mà còn hiểu rất “chân tơ kẽ tóc”. Những câu như: “Bán anh em xa mua láng giềng gần”, “Công cha như núi Thái Sơn/Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra...”, bà hay khéo léo nhắc trong mỗi bữa cơm gia đình.
Lại nói đến bữa cơm gia đình. Tôi coi đó là lớp học đầu tiên. Ở đó, tôi thấm được nhiều thứ mà sau này khi đi học, tôi không hề được dạy ở trường. Từ câu mời theo “thứ tự lớn - bé” cho đến cách ngồi, cách gắp thức ăn, cách đưa bát xin bố mẹ xới cơm, cách nhai thế nào cho đẹp, cho nhẹ, tránh phát ra những tiếng động thô, cách chan canh từ bát canh chung... đều có “lớp lang”, không “vô tư” như bọn trẻ bây giờ. Nhà có khách cũng vậy, không bao giờ được ăn trước khách, phải tiếp cho khách xong, mới được ăn...
Chúng tôi “lệch” đến đâu, bà “chỉnh” ngay đến đó, sau này thành nếp lúc nào không hay. Lúc đầu, tôi tự hỏi: có nhiều kiểu cách xem chừng khách sáo thế nào ấy, nhưng rồi lớn lên học nhiều, đi nhiều, tiếp xúc nhiều, mới thấy những chi tiết tưởng như rất “hình thức” đó lại giúp ích thật nhiều để mình “căn chỉnh” tâm tính.
Từ bàn ăn đến con đường tới lớp, tôi thấm dần những lời nhắc nhở nhẹ nhàng mà thấm thía của bà. Bà còn nhắc con cháu mỗi lần nghe ai đó gọi những người nông dân là “dân nhà quê”. Bà bảo, “gọi đó là xách mé, người nông dân là những người chịu thiệt thòi một nắng hai sương làm ra hạt lúa... người thành phố nợ người nông dân nhiều lắm”. Chào - hỏi, thưa - gửi, cảm ơn - xin lỗi; khi được điểm tốt thì không kiêu ngạo, lúc bị điểm kém thì biết tự nhận khuyết điểm..., đó là những trình tự mà bây giờ, tôi thấy nhiều gia đình đã bỏ qua, nhiều nhà trường đã không chú ý vun đắp.
Hiện nay, ngoài xã hội xuất hiện nhiều vụ án “trẻ em” rất đau lòng. Có nhiều nguyên nhân lý giải. Những vết trượt của tuổi nhỏ nhiều khi xuất phát từ những chi tiết rất nhỏ trong giáo dục gia đình, lại tiếp tục nối dài hơn khi không được ngăn lại trong các nhà trường, xã hội.
Mấy tháng trước, sang Nhật công tác, một hình ảnh luôn làm tôi suy nghĩ và thành tứ để tôi viết một bài báo nhỏ với nhan đề: Cái cúi đầu của người Nhật. Bất cứ nơi nào từ chỗ trang nghiêm lịch lãm cho đến nơi công cộng bình dân, tôi đều bắt gặp hình ảnh cúi gập đầu chào hỏi nhau, cảm ơn nhau, xin lỗi nhau... của người Nhật. Trẻ cúi đầu trước người già; nhân viên cúi đầu trước lãnh đạo đã đành, ở đây tôi còn thấy cả những cái cúi đầu lịch thiệp của người già dành cho giới trẻ. Mọi thứ cứ nhẹ như không, nhường nhịn, cảm thông, chu đáo...; cúi đầu, hạ thấp người mà vẫn rất đĩnh đạc. Tôi liên tưởng tới những dòng xe chen chúc, nhao nhao cướp đường ở xứ mình mà thèm cái không gian nhẹ nhõm đó...
Bây giờ mà bà tôi có sống lại thì tôi vẫn xin là học trò của bà trong những câu chuyện ngỡ như rất vụn vặt đó. Nhớ nhất là quanh hàng xóm có ai làm việc gì không tốt, bà đều nhỏ nhẹ: “Cháu đừng làm theo họ, như thế là không tốt”.
Từ chỗ học bà, tôi biết học thêm cả nhiều người xung quanh mình và xa hơn nữa...
TRẦN NHẬT MINH