Tôi còn nhớ câu chuyện 20 năm về trước (năm 1993) anh Nguyễn Văn Thiều,ịĐạitướngvĩđạimàbìnhdịpsv đấu với ajax Giám đốc Sở Tài chính Đồng Nai (nay là Phó chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Đồng Nai) gọi điện cho tôi thông báo: Mấy bữa nữa anh ra Hà Nội, chú “thiết kế” để anh và mấy anh em ở Sở được gặp Bác Giáp nhé. Việc này vô cùng quan trọng đối với anh em tôi đấy. Vì đây là mong ước được gặp vị tướng huyền thoại bằng xương bằng thịt khi ông vừa bước qua tuổi 82!
Nhận lời với anh Thiều, tôi vừa mừng, vừa lo. Mừng vì mình cũng từng mơ ước như vậy. Lo vì mình “chẳng là gì”, làm sao mà được gặp Bác đây. Nhưng rồi, tôi cũng tiến hành đăng ký kế hoạch để được gặp Bác Giáp. Tôi nghĩ, mình phải thực hiện bằng được lời hứa với anh Thiều và các anh cán bộ Sở Tài chính Đồng Nai. Không ngờ nguyện vọng “xin gặp Bác Giáp” của chúng tôi đã được chấp thuận.
Tôi thông báo ngay với anh Thiều, và từ hôm ấy, tôi cứ háo hức đợi chờ cái ngày được gặp Bác. Tôi chuẩn bị kỹ máy ảnh, ống kính, nạp pin, film (lúc ấy chụp ảnh bằng film chứ chưa có máy ảnh kỹ thuật số như bây giờ).
Đúng theo lịch hẹn, đến 10 giờ sáng ngày 23/12/1993, năm anh em chúng tôi gồm: Anh Phạm Mạnh Thiều, Giám đốc; anh Đào Văn Chiến, Trưởng phòng Ngân sách, (nay anh là Phó Tổng giám đốc Ngân hàng phát triển Việt Nam), anh Ân cán bộ, tôi và anh Lê Đức Quang là phóng viên TBTCVN, do anh Thiều làm Trưởng đoàn và chịu trách nhiệm “phát ngôn cho đoàn” vào thăm vị Tướng thiên tài của dân tộc và thế giới - Võ Nguyên Giáp.
Chúng tôi đến số nhà 30 phố Hoàng Diệu, Hà Nội từ rất sớm. Tất cả chúng tôi đều mừng rỡ khi nhìn thấy Đại tướng mặc bộ comple màu xanh giản dị, mái tóc bạc phơ, tươi cười bắt tay từng người và mời vào trong nhà.
Khi chúng tôi còn đang lúng túng, bồi hồi xúc động vì được gặp vị tướng thiên tài bằng xương bằng thịt, mà sao bình dị đến vô cùng, thì Bác đã ân cần đưa tay về phía tôi và hỏi bằng chất giọng của quê hương Quảng Bình ấm áp: “Cháu tên gì, công việc thế nào?”. Do phân công anh Thiều làm phát ngôn viên cho cả đoàn, nên khi “bị” hỏi đầu tiên, tôi lóng ngóng, nhưng cũng kịp trấn tĩnh thật nhanh và trả lời Bác: “Dạ, thưa Bác, cháu tên là Ngô Mạnh Sơn, làm phóng viên, đang công tác tại Thời báo Tài chính Việt Nam ạ”. Và cứ như thế, rất nhanh, Bác lần lượt hỏi thăm từng người chúng tôi.
Bác ngồi nói chuyện với chúng tôi như một vị cha già giản dị, gần gũi với cháu con. Chỉ có riêng tôi là cứ loay hoay, xoay đi, đổi lại cái máy ảnh mà anh Thiều giao cho là phải chụp được kiểu ảnh lưu niệm với vị tướng thiên tài Võ Nguyên Giáp.
Đoán được ý nghĩ của tôi, Bác nở nụ cười rạng rỡ như vầng thái dương và hỏi cả đoàn: “Các cháu có muốn chụp ảnh với Bác không ?”. Thế là tất cả chúng tôi đồng thanh: “Vâng ạ!”. Bác lại hỏi: “Các cháu muốn chụp như thế nào?” Chúng tôi chưa kịp trả lời, thì Bác lại nói tiếp: “Theo Bác, ta chụp ngay tại đây nhé !”. Chúng tôi lại đồng thanh: “Vâng ạ!”.
Thế là tôi mời anh Thiều ngồi cạnh Bác, các anh Quang, anh Chiến, anh Ân đứng quây quanh ngay phía sau Bác. Còn tôi, chớp lấy thời cơ ngàn năm có một, vội “bấm máy” lia lịa cho “chắc ăn”, rồi thật nhanh đặt chân máy chụp tự động và chạy vào ngồi ngay bên cạnh Bác. Trái tim tôi đang thổn thức đập thình thịch khi lần đầu tiên trong đời được ngồi bên cạnh vị tướng thiên tài thì máy ảnh đã chụp xong. Như hiểu nỗi lòng khát khao của chúng tôi, Bác lại quay sang tôi và bảo: “Cháu chụp lại lần nữa đi cho chắc chắn !”. Tôi sướng quá, chạy thật nhanh ra máy, kiểm tra chế độ chụp một lần nữa rồi bấm máy. Lần này, Bác và cả đoàn chúng tôi đều cười rạng rỡ và bức ảnh này là vật kỷ niệm vô giá của cuộc đời tôi và những anh em sau lần được gặp Bác.
Mặc dù đã hết giờ được thăm Bác, nhưng chúng tôi cứ nấn ná mãi. Bác tiễn chúng tôi ra cửa và giơ tay vẫy vẫy như tác phong quen thuộc của vị tướng quân sự. Khi ra về, trong mỗi chúng tôi vẫn chưa hết bồi hồi trước sự ân cần của Bác, dù chỉ có được ít phút ở bên Người. Chúng tôi không thể ngờ được rằng, một vị tướng lừng danh, lỗi lạc khiến cả đối thủ “khổng lồ” của ông cũng phải kính nể, lại giản dị, gần gũi với dân mình đến vậy!
Khi nhận được tấm ảnh, anh Thiều bảo: “Bức ảnh này vô giá, nó lưu giữ được cả sự ân cần, bình dị đời thường của một vĩ nhân huyền thoại”.
Tác giả (hàng đầu bên phải) chụp ảnh lưu niệm cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ảnh: Ngô Mạnh Sơn |
Hôm trước được tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp không còn nữa, chúng tôi lan truyền gọi điện báo tin cho nhau. Tất cả đều nhắc lại kỷ niệm về ông trong niềm tiếc thương vô hạn. Tôi nghe tiếng anh Thiều khóc…, dù âm thanh giọng nói của anh đang cố nén lại những tiếng nấc đau thương vô bờ bến. Và tất cả chúng tôi, ai cũng đớn đau, lặng lẽ cố lau nhanh những giọt nước mắt cứ lăn dài trên má.
Từ bây giờ, chúng tôi đã vĩnh viễn mất đi vị tướng thiên tài của nhân dân, mà tôi đã một lần duy nhất được gặp trong đời. Ông đã đi vào lịch sử đất nước, dân tộc Việt Nam và cả nhân loại./.
Ngô Mạnh Sơn