Trên thực tế, Iran đang đối mặt với 3 vấn đề lớn về mặt đối nội, kinh tế và quan hệ quốc tế. Trong 5 ngày công du châu Âu (từ ngày 25 đến 29-1), Tổng thống Iran Hassan Rowhani đã đem về cho Iran hàng chục hợp đồng và thỏa thuận trị giá nhiều chục tỉ euro và thu hút lượng lớn các nhà đầu tư Pháp và Italy quyết định làm ăn tại Iran. Chuyến công du cũng tạo tiền đề thuận lợi cho ông Rouhani và các nhà cải cách tại Iran với hy vọng thu được những kết quả tốt trong các cuộc bầu cử lập pháp cuối tháng 2.
Đây có thể coi là sự đặt cược lớn của Tổng thống Rowhani. Những người ủng hộ thỏa thuận hạt nhân nhấn mạnh những lợi ích của việc từ bỏ chương trình hạt nhân, như được dỡ bỏ cấm vận thương mại, từ đó kích thích kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng, giảm thất nghiệp (hiện lên đến 30%). Sự giải phóng về kinh tế sẽ kéo theo quyền tự do công cộng, khích lệ tầng lớp trung lưu có học thức, lực lượng sẵn sàng ủng hộ các ứng cử viên cải cách.
Tuy nhiên, ông Rowhani vẫn chưa giành chiến thắng hoàn toàn tại Iran. Ngày 19-1 vừa qua, Đại Giáo chủ Khamenei - người luôn phản đối việc mở cửa - đã gây chấn động dư luận khi tuyên bố: “Mở cửa là một ảo tưởng. Cộng hòa Hồi giáo không nên đặt niềm tin của mình vào Mỹ bởi Mỹ vẫn là kẻ thù ý thức hệ. Các thỏa thuận hạt nhân không phải là mãi mãi mà chỉ là tạm thời”. Dưới áp lực của Lực lượng Vệ binh Cách mạng (IRG), Ủy ban Giám sát Bầu cử đã vô hiệu hóa gần 60% số ứng cử viên cải cách trong các cuộc bầu cử lập pháp dự kiến diễn ra ngày 26-2 tới. Tổng thống Rowhani rất có thể phải viện đến các ứng cử viên độc lập, song nhiều nhà quan sát cho rằng ông Rowhani khó có thể giành chiến thắng trong cuộc bầu cử sắp tới, điều mà ông muốn đạt được để củng cố quyền lực của mình và theo đuổi con đường của tự do hóa chính trị và văn hóa tại Iran.
Tổng thống Rowhani đang đánh cược rằng việc mở cửa một thị trường với 80 triệu dân sẽ giúp thu hút các nhà đầu tư. Các nhà sản xuất Mỹ và châu Âu đang trong tư thế sẵn sàng, song các ngân hàng còn ngần ngại vì vẫn vướng phải những điều khoản mà Mỹ đưa ra trong khuôn khổ lệnh cấm vận nên sẽ chỉ tham gia sâu vào thị trường Iran khi các lệnh cấm vận được hoàn toàn dỡ bỏ. Trên giấy tờ, việc dỡ bỏ phong tỏa các tài khoản của Iran tại các ngân hàng phương Tây và châu Á có thể đem lại ít nhất 100 tỷ USD cho ngân khố Iran. Lượng tiền này là rất cần thiết để kích thích kinh tế, song tình trạng cơ sở hạ tầng yếu kém và sự lạc hậu của các nhà máy của Iran đòi hỏi một lượng vốn rất lớn và sự phục hồi có thể ít ngoạn mục hơn những gì Tổng thống Rowhani kỳ vọng.
Việc Iran khôi phục hoạt động xuất khẩu dầu cũng diễn ra tại thời điểm cũng không mấy thuận lợi. Lần đầu tiên kể từ năm 2003, giá dầu đã giảm xuống dưới 27 USD/ thùng. Nguồn thu từ xuất khẩu dầu vẫn đem lại cho ngân sách Iran từ 10-13 tỷ USD/năm, song việc Iran quay trở lại thị trường, đồng nghĩa với việc có thêm nguồn cung trong khi nhu cầu thế giới vẫn ở mức thấp. Điều này có thể tiếp tục làm suy giảm thị trường và khiến căng thẳng với các quốc gia sản xuất khác trong khu vực leo thang.
Sự bình thường hóa và sự trở lại trong quan hệ quốc tế sẽ giúp tăng cường ảnh hưởng của Iran. Tuy nhiên, Iran vẫn còn nằm dưới sự giám sát quốc tế thể hiện qua các lệnh cấm vận của Mỹ đối với chương trình tên lửa liên lục địa của nước này. Không chỉ vậy, cơ chế khôi phục trừng phạt tự động cũng sẽ được triển khai ngay trong trường hợp Iran vi phạm nghĩa vụ hạt nhân của mình.