Bổ nhiệm, miễn nhiệm thành viên hội đồng quản lý trong đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực tài chính Thông tư số 11/2023/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn về hội đồng quản lý và tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm, miễn nhiệm thành viên hội đồng quản lý trong đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực tài chính có hiệu lực từ ngày 31/3/2023. Theo Thông tư, cơ cấu hội đồng quản lý gồm: đại diện cơ quan quản lý cấp trên của đơn vị sự nghiệp công lập, gồm đại diện của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tổ chức do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập mà không phải là đơn vị sự nghiệp công lập, UBND cấp tỉnh và cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp (nếu có); người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập; viên chức của đơn vị sự nghiệp công lập; đại diện tổ chức, đơn vị liên quan. Số lượng thành viên hội đồng quản lý từ 5 - 11 người, gồm chủ tịch hội đồng quản lý, thư ký hội đồng quản lý và các thành viên hội đồng quản lý. Tùy theo yêu cầu nhiệm vụ, hội đồng quản lý có thể có phó chủ tịch hội đồng quản lý. Số lượng, cơ cấu thành viên hội đồng quản lý của từng đơn vị sự nghiệp công lập cụ thể do người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền phê duyệt đề án tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập quyết định. Chủ tịch hội đồng quản lý do người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền phê duyệt đề án tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập lựa chọn, bổ nhiệm từ đại diện lãnh đạo của đơn vị sự nghiệp công lập hoặc đại diện cơ quan quản lý cấp trên của đơn vị sự nghiệp công lập. Nhiệm kỳ của thành viên hội đồng quản lý không quá 5 năm. Chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của hội đồng quản lý thực hiện theo quy định tại Khoản 3 Điều 7 Nghị định số 120/2020/NĐ-CP. Từ 15/3, 7 vị trí công tác định kỳ chuyển đổi lĩnh vực khoa học và công nghệ tại địa phương Thông tư 20/2022/TT-BKHCN của Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) quy định Danh mục và thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác trong cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc lĩnh vực KH&CN tại chính quyền địa phương có hiệu lực từ ngày 15/3/2023. Thông tư nêu rõ, danh mục vị trí công tác định kỳ chuyển đổi lĩnh vực KH&CN tại địa phương bao gồm: 1- Quản lý các nhiệm vụ nghiên cứu KH&CN: + Tiếp nhận, xử lý hồ sơ xác định, đặt hàng, tuyển chọn, giao trực tiếp, đánh giá, nghiệm thu nhiệm vụ KH&CN; + Tiếp nhận, xử lý hồ sơ thẩm định kinh phí nhiệm vụ KH&CN; + Kiểm tra, đánh giá quá trình thực hiện và sau nghiệm thu các nhiệm vụ KH&CN có sử dụng ngân sách nhà nước; + Thẩm định cấp giấy chứng nhận đăng ký kết quả thực hiện nhiệm vụ KH&CN. 2- Thẩm định, giám định công nghệ dự án đầu tư và chuyển giao công nghệ: + Thẩm định, giám định công nghệ dự án đầu tư theo quy định pháp luật; + Thẩm định cấp giấy chứng nhận đăng ký chuyển giao công nghệ, cấp giấy chứng nhận đăng ký gia hạn, sửa đổi, bổ sung nội dung chuyển giao công nghệ. 3- Hoạt động an toàn bức xạ và hạt nhân: + Quản lý và thực hiện việc tiếp nhận khai báo, thẩm định an toàn, cấp giấy phép, sửa đổi, bổ sung, gia hạn, cấp lại giấy phép tiến hành công việc bức xạ sử dụng thiết bị X-quang chẩn đoán trong y tế; + Cấp chứng chỉ nhân viên bức xạ cho người phụ trách an toàn tại cơ sở X- quang chẩn đoán trong y tế. 4- Hoạt động sở hữu trí tuệ Thẩm định cấp, cấp lại, thu hồi Giấy chứng nhận tổ chức giám định sở hữu công nghiệp theo quy định pháp luật. 5- Hoạt động tiêu chuẩn đo lường chất lượng: + Thẩm định hồ sơ cấp giấy chứng nhận, giấy xác nhận, giấy phép trong lĩnh vực tiêu chuẩn đo lường chất lượng theo quy định; + Thẩm định cấp giấy xác nhận đăng ký lĩnh vực hoạt động xét tặng giải thưởng chất lượng sản phẩm, hàng hóa của tổ chức, cá nhân; thẩm định hồ sơ đăng ký tham dự giải thưởng chất lượng quốc gia của tổ chức, doanh nghiệp bước hội đồng sơ tuyển. 6- Thẩm định, cấp, gia hạn, sửa đổi, bổ sung, thu hồi, hủy bỏ giấy chứng nhận đăng ký hoạt động KH&CN; Giấy chứng nhận doanh nghiệp KH&CN. Thẩm định hồ sơ thành lập tổ chức KH&CN; cấp giấy chứng nhận hoạt động văn phòng đại diện, chi nhánh của tổ chức KH&CN. 7- Hợp tác, trao đổi KH&CN có yếu tố nước ngoài. Thông tư nêu rõ thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với công chức, viên chức trực tiếp tiếp xúc và giải quyết công việc nêu trên là từ đủ 2 năm đến 5 năm. Thời điểm tính thời hạn chuyển đổi vị trí công tác là thời điểm có văn bản điều động, bố trí, phân công nhiệm vụ của cấp có thẩm quyền theo quy định pháp luật. Danh mục, thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác trong lĩnh vực thông tin và truyền thông Thông tư 01/2023/TT-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) quy định danh mục và thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác trong lĩnh vực TT&TT tại chính quyền địa phương có hiệu lực từ 17/3/2023. Thông tư quy định, thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác quy định tại Điều 4 của Thông tư này là từ đủ 3 năm (36 tháng) đến 5 năm (đủ 60 tháng) không bao gồm thời gian tập sự, thử việc. Thời điểm tính thời hạn chuyển đổi vị trí công tác là thời điểm có văn bản điều động, bố trí, phân công nhiệm vụ của cấp có thẩm quyền theo quy định. Bên cạnh đó, Thông tư nêu rõ danh mục vị trí công tác định kỳ chuyển đổi lĩnh vực TT&TT tại chính quyền địa phương bao gồm:
10 vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý ngành Ngân hàng Thông tư 21/2022/TT-NHNN hướng dẫn vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý và chức danh nghề nghiệp chuyên ngành trong các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực ngân hàng có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/3/2023. Thông tư nêu rõ, vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý và chức danh nghề nghiệp chuyên ngành trong các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực ngân hàng được xác định trên cơ sở nguyên tắc quy định tại Điều 3 Nghị định số 62/2020/NĐ-CP ngày 1/6/2020 của Chính phủ về vị trí việc làm và biên chế công chức. Căn cứ xác định vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý và chức danh nghề nghiệp chuyên ngành trong các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực ngân hàng thực hiện theo quy định tại Khoản 1 Điều 4 Nghị định số 62/2020/NĐ-CP. Thông tư nêu rõ 10 vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý trong các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực ngân hàng gồm: - Chủ tịch Hội đồng quản lý; - Thành viên Hội đồng quản lý; - Tổng giám đốc; - Phó Tổng giám đốc; - Trường phòng và tương đương; - Phó Trưởng phòng và tương đương; - Giám đốc chi nhánh; - Phó giám đốc chi nhánh; - Trưởng phòng và tương đương trực thuộc chi nhánh; - Phó trưởng phòng và tương đương trực thuộc chi nhánh. Bên cạnh đó, Thông tư cũng nêu rõ nội dung của các bản mô tả công việc bao gồm: Mục tiêu vị trí việc làm; các công việc và tiêu chí đánh giá; các mối quan hệ công việc; phạm vi quyền hạn; yêu cầu về trình độ, năng lực...
Tiêu chuẩn đối với chấp hành viên trong quân đội Thông tư số 10/2023/TT-BQP sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 19/2018/TT-BQP của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định về chức danh cán bộ Ngành Thi hành án Quân đội có hiệu lực thi hành kể từ ngày 16/3/2023. Theo quy định cũ tại Thông tư số 19/2018/TT-BQP, chấp hành viên sơ cấp phải có chứng chỉ ngoại ngữ với trình độ tương đương bậc 2 khung năng lực ngoại ngữ Việt Nam theo quy định tại Thông tư số 01/2014/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và đào tạo ban hành khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam; có chứng chỉ tin học với trình độ đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản theo quy định tại Thông tư số 03/2014/TT-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin; có chứng chỉ đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ Chấp hành viên sơ cấp. Chấp hành viên trung cấp phải có chứng chỉ ngoại ngữ với trình độ tương đương bậc 3 khung năng lực ngoại ngữ Việt Nam theo quy định tại Thông tư số 01/2014/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và đào tạo ban hành khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam; có chứng chỉ tin học với trình độ đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản theo quy định tại Thông tư số 03/2014/TT-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin; có chứng chỉ đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ Chấp hành viên trung cấp. Chấp hành viên cao cấp là thủ trưởng, phó thủ trưởng cơ quan thi hành án cấp quân khu; có trình độ cao cấp lý luận chính trị; có chứng chỉ ngoại ngữ với trình độ tương đương bậc 4 khung năng lực ngoại ngữ Việt Nam theo quy định tại Thông tư số 01/2014/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và đào tạo ban hành khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam; có chứng chỉ tin học với trình độ đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản theo quy định tại Thông tư số 03/2014/TT-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin; có chứng chỉ đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ Chấp hành viên cao cấp. Không còn các tiêu chuẩn về ngoại ngữ, tin học Theo quy định mới tại Thông tư số 10/2023/TT-BQP, các tiêu chuẩn đối với chấp hành viên đã được rút gọn, không còn các tiêu chuẩn về ngoại ngữ, tin học. Cụ thể chấp hành viên sơ cấp phải có đủ tiêu chuẩn theo quy định tại Khoản 5 Điều 18 Luật Thi hành án dân sự và Điều 4 Thông tư này; có chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước và nghiệp vụ thi hành án dân sự theo nội dung, chương trình của Bộ Tư pháp. Chấp hành viên trung cấp phải có đủ tiêu chuẩn theo quy định tại Khoản 5 Điều 18 Luật Thi hành án dân sự và Điều 4 Thông tư này; có chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước và nghiệp vụ thi hành án dân sự chính theo nội dung, chương trình của Bộ Tư pháp. Chấp hành viên cao cấp phải có đủ tiêu chuẩn theo quy định tại Khoản 5 Điều 18 Luật Thi hành án dân sự và Điều 4 Thông tư này; có bằng tốt nghiệp cao cấp lý luận chính trị hoặc cao cấp lý luận chính trị - hành chính hoặc cử nhân chính trị hoặc có giấy xác nhận trình độ lý luận tương đương cao cấp lý luận chính trị theo quy định; có chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước và nghiệp vụ thi hành án dân sự cao cấp theo nội dung, chương trình của Bộ Tư pháp. |