Mặc dù được xác định là khâu đột phá trong năm 2016, nhưng công tác cải cách thủ tục hành chính hiện nay của các cơ quan, ban, ngành cấp tỉnh và một số huyện vẫn chưa có nhiều chuyển biến tích cực. Để thủ tục hành chính ngày càng tinh gọn, khoa học và thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp, cần sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của các địa phương.
Mặc dù được xác định là khâu đột phá trong năm 2016, nhưng công tác cải cách thủ tục hành chính hiện nay của các cơ quan, ban, ngành cấp tỉnh và một số huyện vẫn chưa có nhiều chuyển biến tích cực. Để thủ tục hành chính ngày càng tinh gọn, khoa học và thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp, cần sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của các địa phương.
Tính đến hết tháng 3/2016, toàn tỉnh có 27/29 cơ quan, đơn vị ban hành kế hoạch cải cách hành chính năm 2016. Đặc biệt, chỉ có 5/29 cơ quan, đơn vị ban hành kế hoạch thực hiện Đề án Cải cách hành chính năm 2016-2017.
Ông Lê Quang Hảo, Phó Giám đốc Sở Nội vụ, đánh giá: "Nhìn chung, đa số các cơ quan, đơn vị ban hành kế hoạch cải cách hành chính bảo đảm chất lượng về nội dung. Tuy nhiên, vẫn còn một số đơn vị chưa ban hành hoặc có ban hành kế hoạch nhưng chất lượng còn hạn chế".
Xây dựng cơ sở dự liệu đất đai chính xác sẽ tạo thuận lợi cho việc cấp, tách, cho thuê và cả giải quyết tranh chấp đất đai trong dân. |
Theo đó, các Sở: Giáo dục và Đào tạo, Tư pháp, Tài chính; Thanh tra tỉnh; UBND các huyện: Phú Tân, Cái Nước, Năm Căn được xem là chưa ban hành hay đã ban hành nhưng kế hoạch chưa đảm bảo chất lượng nội dung.
Ông Hảo nhận định, kế hoạch cải cách hành chính không đạt về chất lượng nội dung do các đơn vị chưa quy định trách nhiệm cụ thể của các phòng, ban chuyên môn, đơn vị trực thuộc. Chưa đặt ra chỉ tiêu ở từng nhiệm vụ hoặc chỉ tiêu đề ra thấp hơn so với kế hoạch chung của tỉnh; nội dung chưa phù hợp với kế hoạch cải cách hành chính của UBND tỉnh nhưng chậm sửa đổi, bổ sung; xác định nhiệm vụ chưa phù hợp với chức năng quản lý của cơ quan, đơn vị.
Cùng với Năm Căn và TP Cà Mau, huyện Cái Nước là 1 trong 3 đơn vị được chọn làm trung tâm cải cách hành chính của tỉnh năm 2016-2017. Tuy nhiên, ông Phạm Phúc Giang, Chủ tịch UBND huyện, Cái Nước thẳng thắn thừa nhận, thời gian qua, công tác chỉ đạo thực hiện cải cách hành chính còn nhiều hạn chế, đây là thiếu sót của huyện thời gian qua. Huyện sẽ tập trung rà soát xây dựng kế hoạch cụ thể hơn, sát với thực tế hơn. Tuy nhiên, ông Giang cho rằng, là một trong những trung tâm cải cách hành chính của tỉnh nên quy mô, cách thức, trang thiết bị và cả con người cần được đầu tư xây dựng với một mô hình mẫu để phát huy những cái làm được, những cái hay.
Cải cách thủ tục liên quan đến đất đai được xem là lĩnh vực quan trọng trong công tác cải cách thủ tục hành chính hiện nay và được UBND tỉnh chỉ đạo phải đẩy mạnh. Theo đó, ông Đặng Hữu Lạc, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, cho biết, hiện nay thủ tục hành chính liên quan đến đất đai đã được cắt giảm đến 30% thời gian. Tuy nhiên, một vấn đề liên quan đến đất đai là việc hồ sơ cấp lại, cấp đổi, thừa kế, tặng cho... phải đưa lên Sở Tài nguyên và Môi trường, huyện chỉ cấp đối với hồ sơ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu. Điều này gây ra khó khăn rất lớn trong công tác cải cách hành chính do mất khá nhiều thời gian.
Liên quan đến thủ tục đất đai, theo ông Giang, còn có một vấn đề cần đặc biệt quan tâm là đối với cơ sở dữ liệu về đất đai để phục vụ công tác cấp đất, chia tách thửa, hiện còn quá sai so với thực tế. Cụ thể, đối với hệ thống bản đồ sử dụng đất khu vực nào có đo đạc lại thì chính xác, còn những khu vực chỉnh lý lại từ bản đồ vệ tinh thì tỷ lệ sai sót còn rất lớn, rất mất thời gian và công sức.
Ông Lạc thừa nhận, sai sót ấy xuất phát từ chi phí đo đạc quá lớn, nếu tiến hành đồng bộ toàn tỉnh phải cần đến trên 600 tỷ đồng. Do đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo, nơi nào có biến động nhiều mới tiến hành đo đạc lại, còn nơi nào tập hợp được dữ liệu từ huyện thì sử dụng cơ sở dữ liệu đó. Về vấn đề này, sở sẽ tiến hành rà soát để có giải pháp điều chỉnh.
Hiện nay, sau khi ban hành mới 95 thủ tục; bãi bỏ, huỷ bỏ 67 thủ tục, toàn tỉnh còn 1.672 thủ tục hành chính. Trong đó, cấp tỉnh 1.302 thủ tục, cấp huyện 237 thủ tục, cấp xã 128 thủ tục. Việc rà soát, cắt giảm thời gian giải quyết thủ tục hành chính, lập danh mục thủ tục hành chính đơn giản theo cơ chế một cửa để có giải pháp giao công chức bộ phận một cửa giải quyết ngay còn chậm. Đến nay mới có 4 cơ quan tiến hành rà soát, cắt giảm thời gian giải quyết thủ tục hành chính. Các đơn vị còn lại chậm hoặc chưa thực hiện.
Để công tác cải cách thủ tục hành chính có nhiều chuyển biến tích cực hơn trong thời gian tới, ông Lê Quang Hảo cho rằng, nhất thiết phải nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị và năng lực công chức tham mưu về công tác cải cách hành chính. Đặc biệt, triển khai thực hiện khẩn trương, nghiêm túc quy định về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trên địa bàn tỉnh trên cơ sở đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin - truyền thông trong hoạt động của các cơ quan hành chính Nhà nước. Nâng cấp việc ứng dụng phần mềm VIC, thực hiện chữ ký số; triển khai thực hiện hiệu quả ứng dụng phần mềm một cửa, một cửa liên thông (ISO điện tử).
Mới đây, trong hội nghị đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội quý I/2016, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải khẳng định, sự vào cuộc của một số ngành, địa phương chưa quyết liệt nên chuyển biến của công tác này thời gian qua còn chậm, không như mong muốn. Đây là vấn đề cần nghiêm túc rút kinh nghiệm thời gian tới. Đồng thời, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải còn chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì tham mưu cho UBND ban hành bộ thủ tục hành chính liên quan đến đăng ký đất đai; tham mưu cho UBND tỉnh ban hành quy chế giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến đất đai; rà soát tham mưu để chỉ đạo xây dựng cơ sở dữ liệu về đất đai một cách chính xác./.
Bài và ảnh: Nguyễn Phú