Trước ngày diễn ra phiên đàm phán đầu tiên của Hội đồng tiền lương quốc gia, hiện cả phía Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đều đang giữ kín mức đề xuất. Theo các chuyên gia, việc điều chỉnh mức lương tối thiểu cần phù hợp với tình hình kinh tế, xã hội, đảm bảo quyền lợi của cả người lao động và chủ doanh nghiệp. Bàn về vấn đề này, nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Phạm Minh Huân cho rằng, trong đàm phán lương tối thiểu phải đáp ứng mức sống tối thiểu của người lao động. “Nghị quyết số 27-NQ/TW tiếp tục khẳng định, thực hiện điều chỉnh tăng mức lương tối thiểu vùng phù hợp tình hình phát triển kinh tế xã hội, khả năng chi trả của doanh nghiệp để đến năm 2020 mức lương tối thiểu bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động. Căn cứ vào Luật Lao động, tăng lương tối thiểu sẽ chịu ảnh hưởng của những yếu tố như: Nhu cầu sống tối thiểu, tình hình kinh tế xã hội, tăng trưởng kinh tế, việc làm, chỉ số GDP, năng suất lao động, sức chịu đựng của doanh nghiệp, chỉ số giá, mặt bằng tiền công trên thị trường… Các bên sẽ căn cứ vào những yếu tố này để đề xuất mức tăng lương tối thiểu”, ông Huân phân tích. Chuyên gia này cũng cho rằng, nhiều doanh nghiệp không muốn tăng lương tối thiểu vùng, tuy nhiên vẫn cần đảm bảo nhu cầu thực tế, chính đáng cho người lao động. Việc tăng lương sẽ là một trong những nhân tố làm tăng thu nhập của người lao động, tạo ra việc làm có chất lượng tốt hơn. Bên cạnh đó, ông Phạm Minh Huân cũng lưu ý rằng, tăng lương tối thiểu là để bảo vệ lao động yếu thế song vẫn cần chú ý đến khả năng chi trả của doanh nghiệp. Nhận định về mức điều chỉnh lương tối thiểu vùng 2019, vị nguyên Thứ trưởng cho rằng tăng lương là tất yếu. “Mức lương năm nay có thể tăng từ 5-6% so với mức lương tối thiểu năm 2018”, ông Huân dự đoán. Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Lan Hương - nguyên Chủ tịch Hội đồng tiền lương Quốc gia, nguyên thành viên Hội đồng tiền lương Quốc gia, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lao động xã hội (Bộ LĐ-TB-XH) - cho rằng mức tăng cũng nên duy trì từ 5-6 %. Bà Hương phân tích, về nguyên lý, tốc độ tăng lương tối thiểu nên thấp hơn và chỉ bằng 70% mức tăng năng suất lao động. Do đó, nếu GDP năm 2019 tăng 6,5-7%, thì mức tăng lương tối thiểu chỉ nên dừng lại ở mức 5-6%. Bên cạnh đó, chuyên gia này cũng cho rằng, việc điều chỉnh lương tối thiểu cần hạn chế theo hướng “cào bằng’ như hiện nay, mà cần quan tâm đến ý nghĩa ban đầu nhằm đảm bảo mức sàn thấp nhất cho người lao động. "Những tưởng việc tăng lương tối thiểu chỉ dành cho những lao động không có chuyên môn kỹ thuật, thì nay lại tăng cho tất cả lao động. Như vậy, những người có hệ số lương càng cao, vị trí việc làm càng cao thì càng có lợi”, bà Hương chỉ rõ. |