【lich thi đau ngoai hang anh hom nay】Quý I/2018: Thị trường chứng khoán phái sinh tăng mạnh trên nhiều chỉ tiêu
Hoạt động giao dịch tăng trưởng mạnh ở tất cả các chỉ tiêu và phần nào đã chứng tỏ vai trò phòng vệ rủi ro hiệu quả, có tác dụng ổn định tâm lý nhà đầu tư, đặc biệt khi thị trường cơ sở biến động đột ngột.
Thanh khoản tăng mạnh
Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) cho biết, trong quý I/2018, trên thị trường luôn duy trì 4 mã sản phẩm theo thông lệ quốc tế. Trong mỗi tháng đều có 1 mã sản phẩm đáo hạn vào ngày thứ Năm của tuần thứ ba trong tháng và HNX đã niêm yết bổ sung sản phẩm thay thế vào ngày giao dịch tiếp theo. Tại thời điểm cuối quý I/2018, có các hợp đồng đang giao dịch đáo hạn vào tháng 4, tháng 5, tháng 6 và tháng 9/2018.
Nhìn chung, hoạt động giao dịch tăng trưởng mạnh ở tất cả các chỉ tiêu. Tổng khối lượng giao dịch trên thị trường phái sinh đạt 1.350.182 hợp đồng, tương ứng giá trị giao dịch (theo quy mô danh nghĩa hợp đồng) đạt hơn 146.127,15 tỷ đồng. Tính bình quân, khối lượng giao dịch đạt 22.884 hợp đồng/phiên, tăng 63% so với quý IV/2017 và gấp 2,1 lần so với khối lượng giao dịch bình quân phiên của năm 2017.
TTCK phái sinh cũng đã chứng tỏ vai trò phòng vệ rủi ro hiệu quả, có tác dụng ổn định tâm lý nhà đầu tư, đặc biệt khi thị trường cơ sở biến động đột ngột. Cụ thể, trong tháng 2, trong hai ngày 5 và 6/2, khi VN-Index giảm tổng cộng hơn 93 điểm, giao dịch trên TTCK phái sinh lại diễn ra sôi động với khối lượng giao dịch vào ngày 6/2 đạt 39.311 hợp đồng, tương ứng 3.913,82 tỷ đồng giá trị giao dịch. Ngày 27/2, giá trị giao dịch (theo quy mô danh nghĩa hợp đồng) lần đầu tiên vượt mức 4.000 tỷ đồng, đạt 4.273,5 tỷ đồng, tương ứng 38.460 hợp đồng.
Cùng với đó, số lượng tài khoản giao dịch phái sinh liên tục được mở, trung bình mỗi ngày có 135 tài khoản mới. Tính đến ngày 31/3/2018, đã có 25.072 tài khoản giao dịch phái sinh được mở, gấp 1,5 lần so với thời điểm cuối năm 2017 và bằng 1,27% tổng số tài khoản giao dịch của cả TTCK nói chung. Trong đó, số tài khoản có giao dịch là 5.917 tài khoản.
Cũng theo HNX, các nhà đầu tư nước ngoài tham gia giao dịch phái sinh nhiều hơn với tổng khối lượng giao dịch trong quý đạt 4.981 hợp đồng, chiếm 0,18% tổng khối lượng giao dịch toàn thị trường, đặc biệt tăng mạnh trong tháng 3, gấp 3 lần so với tháng 1 và gấp 1,3 lần so với tháng 2.
Cơ hội lớn trong bối cảnh thị trường cơ sở nhiều biến động
Trao đổi với phóng viên TBTCVN, ông Nguyễn Đức Hùng Linh, Giám đốc Tư vấn và Đầu tư Khối khách hàng cá nhân, Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) cho rằng, diễn biến của thị trường phái sinh sẽ phụ thuộc gần như hoàn toàn vào thị trường cơ sở. Điều cần lưu ý là trong khi thị trường cơ sở tăng điểm sẽ mang lại niềm vui cho hầu hết mọi người thì với thị trường phái sinh, cụ thể là hợp đồng tương lai (HĐTL) VN30, việc tăng điểm chỉ mang đến niềm vui cho một nửa, là những người đã dự đoán đúng xu hướng. Thị trường phái sinh mang lại cơ hội có lãi trong cả xu hướng tăng và giảm. Mức sinh lời kỳ vọng khi đầu tư phái sinh càng tăng khi mức biến động của thị trường cơ sở càng lớn.
“Nếu quý II/2018 thị trường cơ sở có nhiều biến động, các nhà đầu tư sẽ tham gia tích cực hơn trên thị trường phái sinh, nhờ đó thanh khoản sẽ gia tăng. Thanh khoản cao là yếu tố hàng đầu để tạo ra tính hấp dẫn của thị trường phái sinh, từ đó thu hút thêm sự tham gia của các nhà đầu tư lớn và nhà đầu tư nước ngoài. Công năng phòng ngừa rủi ro của phái sinh nhờ vậy cũng sẽ được thể hiện rõ hơn”, ông Hùng Linh nhận định.
Ông Hùng Linh còn cho biết thêm, trong tương lai gần, sự ra mắt của sản phẩm chứng quyền có bảo đảm (CW) cũng đang được thị trường rất kỳ vọng. Mức sinh lời kỳ vọng cao hơn so với đầu tư chứng khoán cơ sở và ít bị hạn chế T+ là yếu tố kích thích với các nhà đầu tư ưa mạo hiểm. Xa hơn, HĐTL trái phiếu chính phủ sẽ là một kênh để lôi kéo sự tham gia các nhà đầu tư tổ chức vào thị trường phái sinh. Dựa trên thành công của VN30, HĐTL của các chỉ số khác có thể được lên niêm yết. Thanh khoản cùng với sự đa dạng về hàng hóa sẽ là hai nhân tố giúp hoàn chỉnh một thị trường phái sinh thực thụ.
Duy Thái