>>Room ngân hàng cho nhà đầu tư ngoại: Không quá 30%
Đối tác chiến lược phải có tài sản từ 20 tỷ USD
TheàđầutưngoạimuacổphầnngânhàngRàocảnlớnnhấtlànợxấbxh hạng 2 tbno Nghị định có hiệu lực từ ngày 20/2/2014 này, tỷ lệ sở hữu của một cổ đông nước ngoài tại ngân hàng Việt Nam tăng từ mức 15% lên tối đa 20%. Tuy nhiên, tổng mức sở hữu của các nhà đầu tư nước ngoài trong một ngân hàng vẫn là 30%.
Nghị định cũng quy định, trong trường hợp đặc biệt để thực hiện cơ cấu lại ngân hàng yếu kém, tỷ lệ sở hữu của một nhà đầu tư hoặc tổng mức sở hữu của các nhà đầu tư nước ngoài tại một ngân hàng có thể tăng vượt mức quy định, tùy theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ trong từng trường hợp.
Tháng 11 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước cho biết, hiện có 11 ngân hàng yếu kém, trong đó có 8 ngân hàng đã được tái cơ cấu.
Bên cạnh đó, Nghị định cũng đưa ra 7 tiêu chuẩn để xác định một ngân hàng là nhà đầu tư chiến lược, trong đó có điều kiện tài sản ít nhất 20 tỷ USD trong năm trước khi mua cổ phần. Theo hãng tin Reuters, quy định này cũng tương tự Thái Lan, nước đã có cuộc khủng hoảng nợ xấu cách đây hơn 10 năm, mặc dù tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam thấp hơn.
Theo quy định của Thái Lan, các nhà đầu tư nước ngoài được sở hữu đến 49% cổ phần ngân hàng nước này. Nhiều nhà đầu tư nước ngoài cũng được xem xét nâng mức sở hữu đối với những ngân hàng nhất định. Cụ thể như nhà đầu tư nước ngoài được sở hữu đến 72% tại ngân hàng Ayudhya, hay 94% tại ngân hàng CIMB Thai Bank, chủ yếu là để họ bơm thêm vốn.
Từ ngày 20/2/2014, tỷ lệ sở hữu của một cổ đông nước ngoài tại ngân hàng Việt Nam tăng từ mức 15% lên tối đa 20%. Ảnh minh họa: Đ.T |
Kỳ vọng tái cơ cấu ngân hàng
Theo ông Alan Phạm, kinh tế trưởng tại quỹ VinaCapital Group, “đây là một quyết định quan trọng và một bước tiến lớn. Quyết định này sẽ cho phép các nhà đầu tư nước ngoài đến và giúp các ngân hàng tái cơ cấu”.
Trong khi đó, ông Trần Minh Hoàng, chuyên gia phân tích của Công ty chứng khoán Vietcombank cho rằng, quy định mới không tác động nhiều đến các ngân hàng niêm yết nhưng sẽ hỗ trợ lĩnh vực ngân hàng trong dài hạn.
Mặc dù vậy, cũng có ý kiến cho rằng quy định này chưa đủ mạnh để tạo bước chuyển biến, nhằm giải quyết bài toán nợ xấu tại các ngân hàng.
Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành cho rằng, sự thay đổi này có thể chưa hấp dẫn với nhà đầu tư nước ngoài bởi mức sở hữu trong các ngân hàng “khỏe” vẫn ít và những vấn đề về nợ xấu chưa rõ ràng. “Với tỷ lệ này, nhà đầu tư nước ngoài vẫn đóng vai trò bị động trong một ngân hàng và không có quyền quyết định điều gì”.
“Cơ hội để mua 100% cổ phần ngân hàng yếu là khó bởi không ai muốn trả khoản tiền lớn mua một ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu cao. Rào cản lớn nhất hiện nay là nợ xấu”, trả lời phỏng vấn của Reuters, ông Thành nói.
Nhiều chuyên gia đánh giá tỷ lệ nợ xấu thực tế hiện nay cao hơn nhiều báo cáo chính thức và khoảng ở trên 10%. Vì vậy, cần phải có một giải pháp toàn diện hơn, bao gồm cả tăng cường minh bạch và tự do hóa lĩnh vực ngân hàng để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài.
Hiện nay, có 10 ngân hàng Việt đã bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có HSBC mua cổ phần Techcombank, Mizuho Financial mua Vietcombank, Commonwealth Bank (Úc) mua ngân hàng VIB, Sumitomo Mitsui Financial mua cổ phần Eximbank, Bank of Tokyo-Mitsubishi UFJ mua cổ phần VietinBank,United Overseas Bank mua ngân hàng Phương Nam, May Bank mua cổ phần Ngân hàng An Bình…
Tới đây, dự kiến Ngân hàng Đầu tư phát triển Việt Nam (BIDV) sẽ là ngân hàng tiếp theo bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài sau khi ký bản thỏa thuận ghi nhớ hợp tác chiến lược với ngân hàng Sumimoto Mitsui Trust Bank của Nhật Bản./.
Hoàng Yến