Những kết quả đạt được trong công tác ứng dụng CNTT, chuyển đổi số đã mang lại những thay đổi mang tính “bước ngoặt” trong mọi hoạt động của ngành BHXH Việt Nam. Những kết quả này đã tác động, đem tới lợi ích như thế nào cho người tham gia, thụ hưởng, thưa ông?
Với quan điểm xuyên suốt "Lấy người dân, DN làm chủ thể, trung tâm phục vụ", các lĩnh vực hoạt động của ngành đều được số hóa và ứng dụng CNTT với gần 30 hệ thống ứng dụng CNTT quản lý các quy trình nghiệp vụ, hơn 20 nghìn tài khoản trong ngành thường xuyên truy cập, khai thác và sử dụng để thực hiện các nghiệp vụ của ngành. Hệ thống thông tin giám định BHYT của ngành đang kết nối với gần 13.000 cơ sở khám chữa bệnh (KCB) BHYT trên toàn quốc. Đây là công cụ hiệu quả, góp phần giúp công tác KCB BHYT công khai, minh bạch, đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người tham gia BHYT. Hàng năm, hệ thống thông tin giám định BHYT cùng hệ thống giao dịch BHXH điện tử đã tiếp nhận khoảng 300 triệu hồ sơ giao dịch trực tuyến. Thực tế cho thấy, việc giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH không chỉ góp phần giảm tải áp lực giải quyết hồ sơ, thủ tục cho cơ quan BHXH, mà còn giúp các tổ chức, cá nhân tiết kiệm được nhiều thời gian, công sức và chi phí đi lại khi giao dịch với cơ quan BHXH. Đáng chú ý, 100% thủ tục của ngành đã được cung cấp dịch vụ công (DVC) trực tuyến toàn trình và tích hợp trên Cổng DVC BHXH Việt Nam; đồng thời từng bước tích hợp trên Cổng DVC quốc gia. Gần như tất cả các hoạt động của Ngành, cũng như các giao dịch của người người dân, doanh nghiệp (DN) với cơ quan BHXH đã được thực hiện trên môi trường số. Do đó, không chỉ giúp người dân, DN có thể giao dịch với cơ quan BHXH mọi lúc, mọi nơi mà còn có thể dễ dàng theo dõi tiến độ xử lý hồ sơ, kiểm tra đối chiếu dữ liệu tham gia, thụ hưởng chính sách. Nhờ đó, tính minh bạch của thông tin, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát quản lý, sử dụng quỹ BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) được nâng cao rõ rệt... BHXH Việt Nam cũng đã tích cực triển khai, đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào hoạt động thanh tra, kiểm tra của ngành theo phương thức điện tử kết hợp với phương pháp thanh tra, kiểm tra truyền thống giúp tăng chất lượng, giảm nhân lực, thời gian thanh tra, kiểm tra (giảm khoảng 48%, từ 20 giờ xuống còn 10,5 giờ). Đồng thời, đem lại hiệu quả rõ rệt trong công tác thu, phát triển người tham gia, giảm nợ đóng, nhất là giảm thiểu tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ BHXH, BHYT. Đặc biệt, ngành đã đưa vào triển khai ứng dụng “VssID - BHXH số” trên nền tảng thiết bị di động. Hiện đã có hơn 30 triệu tài khoản sử dụng ứng dụng, với hơn 4 triệu lượt sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng để đi KCB trên toàn quốc. Có thể thấy, ứng dụng VssID đã đem đến thành công bước đầu trong công tác chuyển đổi số của ngành BHXH Việt Nam theo lộ trình xây dựng Chính phủ số ở Việt Nam. Với ứng dụng này, người dùng có thể quản lý, kiểm soát các thông tin về quá trình tham gia - thụ hưởng các chính sách BHXH, BHYT, BHTN; thực hiện các giao dịch với cơ quan BHXH; sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng VssID để KCB BHYT… một cách tiện lợi, nhanh chóng, dễ dàng, tiết kiệm được thời gian và chi phí đi lại… Những dấu ấn trong kết quả triển khai công tác chuyển đổi số lĩnh vực BHXH, BHYT phải nói là rất đặc biệt. Vậy, theo ông đâu sẽ là những bài học, giải pháp trọng tâm để ngành BHXH Việt Nam tiếp tục phát huy kết quả trong thời gian tới? Ngày 15/6/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 942/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Qua đánh giá mục tiêu của Kế hoạch này đến năm 2025, BHXH Việt Nam cơ bản đã đạt được các mục tiêu đề ra. Tuy nhiên, không vì thế mà chúng ta chủ quan, hay thỏa mãn với những gì đã có. Công tác chuyển đổi số của ngành BHXH Việt Nam hiện nay là yêu cầu bắt buộc cần làm ngay, làm toàn diện, là hướng đi chiến lược nhằm giúp ngành phát triển bền vững trong kỷ nguyên 4.0. Ngay khi có chỉ đạo của Chính phủ, BHXH Việt Nam đã thành lập Ban Chỉ đạo cải cách hành chính và Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số, Tổ công tác triển khai Đề án 06; Ban cán sự đảng BHXH Việt Nam đã ban hành Nghị quyết số 362-NQ/BCSĐ về tăng cường thực hiện Đề án 06, theo đó, BHXH Việt Nam ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 362-NQ/BCSĐ, trong đó nêu rõ các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, phân công trách nhiệm đối với từng cơ quan, đơn vị trực thuộc, yêu cầu chất lượng (sản phẩm), tiến độ rõ ràng, nhằm đảm bảo hoàn thành tốt nhất các nhiệm vụ được giao của ngành BHXH Việt Nam tại Đề án 06. Đồng thời, BHXH Việt Nam cũng đang phối hợp với các bộ, ngành, các chuyên gia trong nước và quốc tế để xây dựng Đề án tổng thể về Chuyển đổi số của Ngành. Ở giai đoạn tiếp theo từ năm 2023 đến 2025 và định hướng đến năm 2030, BHXH Việt Nam quyết tâm thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ và toàn diện, lấy người tham gia, thụ hưởng chế độ, chính sách BHXH, BHYT làm trung tâm. Trong đó, tập trung củng cố, phát huy thế mạnh của cơ sở dữ liệu sẵn có luôn được làm giàu; tích cực phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xác thực, chia sẻ, liên thông dữ liệu phục vụ công tác quản lý và cung cấp DVC trực tuyến; phát triển ngành BHXH Việt Nam số với nguồn nhân lực số chất lượng cao; đưa vào thử nghiệm và áp dụng các công nghệ mới như Blockchain, Big Data, AI để mang lại hiệu quả trong quản lý, nâng cao trải nghiệm của tổ chức, cá nhân... Tiếp tục tạo ra ngày càng nhiều tiện ích, dịch vụ mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, DN với mục tiêu luôn được BHXH Việt Nam xác định “chuyển đổi số là nhiệm vụ quan trọng, then chốt để ngành phục vụ tốt nhất người tham gia, thụ hưởng chính sách”, xứng đáng với niềm tin của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và nhân dân. Xin cảm ơn ông! |