Tuy nhiên, một số khác còn chậm ban hành các văn bản hướng dẫn luật thuộc thẩm quyền, gây khó khăn trong thực hiện.
Bộ Tài chính, Quốc phòng, Công an tích cực triển khai
Qua tổng kết cho thấy, các bộ: Tài chính, Quốc phòng, Công an đã tích cực trong việc xây dựng, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành và ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật nhằm cụ thể hóa những nội dung được luật giao, tạo lập cơ sở pháp lý tương đối đầy đủ trong công tác quản lý, sử dụng TSC theo hướng quản lý chặt chẽ, sử dụng, khai thác có hiệu quả nguồn lực tài chính từ TSC.
Các cơ quan được giao nhiệm vụ quản lý TSC, như: Bộ Tài chính; Cục Tài chính - Bộ Quốc phòng; Cục Tài chính - Bộ Công an; sở tài chính, phòng tài chính - kế hoạch cấp huyện đã thực hiện mở tài khoản tạm giữ tại Kho bạc Nhà nước để quản lý số tiền thu được từ xử lý TSC theo quy định.
Bên cạnh đó, hầu hết các bộ, ngành, địa phương đã hoàn thành việc ban hành quy định về phân cấp trong quản lý TSC theo quy định tại Nghị định số 151/2017/NĐ-CP. Vì vậy, việc quyết định trong quản lý, sử dụng, xử lý TSC được thông suốt, tạo sự chủ động cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong thực hiện. Các bộ, ngành, địa phương cũng đã cập nhật, chuẩn hóa dữ liệu trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về TSC theo quy định. Đồng thời, để hỗ trợ cho việc quản lý tài sản cố định, nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị đã chủ động sử dụng các phần mềm khác (ngoài phần mềm quản lý đăng ký tài sản nhà nước) để quản lý tài sản cố định tại các đơn vị, trong đó bao gồm cả tài sản có nguyên giá dưới 500 triệu đồng/đơn vị tài sản.
Chậm hướng dẫn sẽ không thể mua sắm, bán tài sản công
Tuy nhiên, theo Bộ Tài chính, tiến độ ban hành tiêu chuẩn, định mức sử dụng diện tích trụ sở chuyên dùng, công trình sự nghiệp, máy móc, thiết bị chuyên dùng còn chậm. Theo báo cáo của các bộ, ngành, địa phương mới có khoảng 50% các đơn vị ban hành được tiêu chuẩn, định mức này. Đa số các bộ, ngành, địa phương chưa ban hành tiêu chuẩn, định mức diện tích chuyên dùng, diện tích công trình sự nghiệp trong cơ sở hoạt động sự nghiệp. Theo Bộ Tài chính, mới có 2 bộ, ngành (Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) và 5 địa phương (Hậu Giang, Lào Cai, Quảng Ngãi, Cà Mau, Hà Giang) ban hành tiêu chuẩn, định mức nêu trên.
Nguyên nhân chủ yếu là do một số bộ, như: Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội chưa ban hành quy định chi tiết hướng dẫn về tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản chuyên dùng thuộc lĩnh vực y tế, giáo dục và đào tạo nên các bộ, ngành, địa phương không có cơ sở để xây dựng, ban hành tiêu chuẩn, định mức cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý. Ngoài ra, do số lượng máy móc, thiết bị chuyên dùng, diện tích trụ sở chuyên dùng, diện tích công trình sự nghiệp nhiều, chủng loại đa dạng, mỗi cơ quan, tổ chức, đơn vị có nhu cầu khác nhau nên việc tổng hợp, xây dựng tiêu chuẩn, định mức chưa được kịp thời.
Theo ông Nguyễn Tân Thịnh - Phó Cục trưởng Cục Quản lý công sản Bộ Tài chính, việc chậm ban hành tiêu chuẩn, định mức sử dụng diện tích trụ sở chuyên dùng, công trình sự nghiệp, máy móc, thiết bị chuyên dùng ảnh hưởng tới việc đầu tư xây dựng, mua sắm, sửa chữa, nâng cấp, cải tạo và xử lý tài sản. Theo quy định, các bộ, ngành, địa phương phải ban hành quy định về tiêu chuẩn, định mức này trước ngày 31/7/2018. Việc chậm ban hành định mức sử dụng TSC chuyên dùng sẽ tác động mạnh tới công tác quản lý tài sản ở các đơn vị do không thực hiện được việc đầu tư, mua sắm, thuê, giao, điều chuyển, bán đối với TSC.
Để đảm bảo việc quản lý, sử dụng và khai thác TSC hiệu quả, theo đúng quy định của luật, Bộ Tài chính đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện một số nhiệm vụ và giải pháp cụ thể. Trong đó, Bộ Tài chính kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội khẩn trương ban hành các văn bản chi tiết hướng dẫn về tiêu chuẩn, định mức sử dụng TSC chuyên dùng để các địa phương làm cơ sở thực hiện. Trong một số trường hợp chưa ban hành quy định về phân cấp quản lý TSC; hoặc chưa ban hành quy định về tài sản có giá trị lớn để phân định thẩm quyền phê duyệt Đề án sử dụng TSC tại đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý vào mục đích kinh doanh, cho thuê, thì bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan trung ương, UBND cấp tỉnh phải chịu trách nhiệm phê duyệt./.
* TP. Hà Nội: Còn gặp một số khó khăn, vướng mắc
UBND thành phố đã chỉ đạo Sở Tài chính Hà Nội chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan tổ chức 33 hội nghị tập huấn, phổ biến luật và các văn bản hướng dẫn thi hành luật đối với 7.700 học viên tham dự, giúp các cơ quan, đơn vị cập nhật chính sách mới, giải đáp vướng mắc trong mua sắm, quản lý và sử dụng tài sản công.
Tuy nhiên, quá trình thực hiện, thành phố đã gặp một số khó khăn, vướng mắc trong việc xác định danh mục và giá trị tài sản sử dụng vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết, đặc biệt là những tài sản tham gia gián tiếp vào hoạt động kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết; đồng thời cần quy định rõ hơn trong việc ban hành tiêu chuẩn, định mức máy móc thiết bị chuyên dùng...
* Tỉnh Hậu Giang: Đưa vào quản lý hàng nghìn tài sản, giá trị hơn chục nghìn tỷ đồng
Tính đến ngày 31/10/2018, kết quả đăng nhập dữ liệu về tài sản vào Cơ sở dữ liệu quốc gia của các phần mềm của tỉnh Hậu Giang như sau:
Phần mềm Quản lý đăng ký tài sản nhà nước: số lượng đăng ký là 2.488 tài sản; nguyên giá là hơn 5.653 tỷ đồng; giá trị còn lại là hơn 4.460 tỷ đồng.
Tại Phần mềm Quản lý tài sản là công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung: có 239 tài sản; nguyên giá là hơn 109 tỷ đồng; giá trị còn lại là hơn 10 tỷ đồng.
Tại Phần mềm Tổng hợp số liệu kiểm kê tài sản hạ tầng đường bộ: có 30 tài sản; nguyên giá là hơn 8.577 tỷ đồng; giá trị còn lại là hơn 7.433 tỷ đồng.
* Bộ Tài chính: Sắp xếp, điều chuyển hàng trăm cơ sở nhà, đất
Bộ Tài chính là một trong số các bộ, ngành thực hiện tốt việc triển khai Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.
Về sắp xếp lại, xử lý nhà, đất, đến thời điểm tháng 8/2013, Bộ Tài chính (quản lý ngành) đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý nhà đất là trụ sở làm việc của các đơn vị hệ thống thuộc phạm vi quản lý trên địa bàn 63/63 tỉnh, thành phố theo quy định. Sau thời điểm cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất của các đơn vị thuộc bộ trên địa bàn các tỉnh, thành phố nêu trên, Bộ Tài chính thường xuyên chỉ đạo các đơn vị, hệ thống của mình rà soát để báo cáo cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án sắp xếp đối với các cơ sở nhà, đất chưa được phê duyệt phương án sắp xếp phát sinh trong một số trường hợp.
Bộ đã báo cáo phê duyệt phương án giữ lại tiếp tục sử dụng trụ sở làm việc của các đơn vị, hệ thống thuộc bộ đối với 19 cơ sở nhà, đất; điều chuyển sang UBND các tỉnh, thành phố để quản lý, sử dụng theo quy định đối với 98 cơ sở nhà, đất của các đơn vị không còn nhu cầu sử dụng.
Minh Anh