(CMO) Sinh hoạt đờn ca tài tử gắn liền với cuộc sống của phần đông người dân nông thôn. Họ hát ca giao lưu sau những giờ lao động mệt nhọc. Phần lớn các câu lạc bộ đều tổ chức sinh hoạt theo định kỳ mang tính giao lưu, trao đổi giữa những người có cùng đam mê.
Tuy không phải là cái nôi của đờn ca tài tử, thế nhưng, loại hình nghệ thuật này cũng đã gắn bó với đời sống của người dân Phú Tân và được duy trì, phát triển.
Hát để thoả đam mê
Huyện Phú Tân hiện có 72 câu lạc bộ (CLB) đờn ca tài tử từ huyện đến các ấp, khóm. Mỗi câu lạc bộ trung bình từ 10-20 thành viên, gồm nhiều thành phần từ nam, nữ thanh niên đến các bậc trung niên. Vào những ngày cuối tuần, về Phú Tân, đi đến đâu cũng bắt gặp từng tổ, từng nhóm tập hợp sinh hoạt đờn ca, giao lưu, học tập trao đổi kinh nghiệm. Câu lạc bộ như là mái ấm tinh thần để người dân thư giãn sau những giờ học tập, lao động, công tác mệt nhọc. Đây còn là sân chơi bổ ích cho các thành viên hát cho nhau nghe về truyền thống tốt đẹp của quê hương, ca ngợi đất nước, giáo dục tinh thần yêu nước cho các thế hệ trẻ của địa phương.
Câu lạc bộ Đờn ca tài tử huyện Phú Tân sinh hoạt định kỳ hàng tháng. |
Vợ chồng tài tử Nguyễn Tài Nguyên và Nguyễn Cẩm Màu trong một buổi giao lưu đờn ca tài tử ở huyện Phú Tân. |
Tài tử ca Tô Phi Hùng, thành viên CLB đờn ca tài tử huyện Phú Tân, chia sẻ: “Tôi xuất thân là một nông dân. Do nuôi tôm công nghiệp thất bại, gia đình chuyển qua nghề khác, lúc đó, tôi rảnh rỗi nên tham gia học ca tài tử. Mỗi lần câu lạc bộ sinh hoạt, tôi sắp xếp công việc và dành thời gian đến góp vui, vừa nâng cao tay nghề, vừa thoả niềm đam mê của chính mình. Đi đến đâu nghe đờn ca tài tử tôi đều tham gia ca một vài bản, không ca là chịu không nổi”.
Mỗi lần CLB tổ chức sinh hoạt đều có nhiều người dân địa phương và các địa phương khác đến thưởng thức. Có người đến chỉ để nghe, có người giao lưu một vài bài hoặc trình diễn nhạc cụ. Nhờ đó, hoạt động của câu lạc bộ càng sôi động và ý nghĩa hơn.
Vợ chồng cùng đam mê tài tử
Họ là cặp đôi cùng có chung niềm đam mê tài tử, cùng góp một phần công sức để chắp cánh cho bộ môn nghệ thuật độc đáo này bay xa... Đó là đôi vợ chồng tài tử Nguyễn Tài Nguyên và Nguyễn Cẩm Màu, thành viên Câu lạc bộ Đờn ca tài tử huyện Phú Tân.
Tài tử đờn Nguyễn Tài Nguyên cho biết: "Dù gia đình không có ai đờn ca tài tử, nhưng mình đam mê bộ môn này. Trước đây mình nghe cải lương, rồi tập đờn, sau này lên Cà Mau học thêm đờn, hát”. Nhờ đó, anh nắm rất vững cách đàn, cách hát và cũng từ đó, niềm đam mê này theo anh đến bây giờ.
Không chỉ đờn, anh còn có chất giọng mùi, ngọt lịm, nên có thể tự đờn và hát. Anh còn học thêm nhiều kinh nghiệm qua những đợt tập huấn, học từ nghệ nhân đàn anh để chăm bồi, vun đắp cho tình yêu nghệ thuật này.
Còn chị Nguyễn Cẩm Màu trước đây cũng không biết gì về đờn ca tài tử. Chị Màu cho biết, anh đàn cho chị hát, anh dạy chị về nhịp nhàng, dần dần chị yêu thích đờn ca tài tử khi nào không hay.
Chị Màu chia sẻ: “Dù công việc vất vả, nhưng đến kỳ sinh hoạt đờn ca tài tử là vợ chồng tôi tham gia đầy đủ. Bên cạnh đó, chúng tôi còn thường xuyên giao lưu với các CLB đờn ca tài tử ở các xã, thị trấn trong huyện để thoả lòng đam mê. Đây cũng là niềm vui, là động lực để vượt qua khó khăn, vươn lên trong phát triển kinh tế gia đình”.
Hiện nay, cuộc sống gia đình tài tử Nguyễn Tài Nguyên và Nguyễn Cẩm Màu khá giả, nuôi con cái học hành đầy đủ.
Nhắc đến cặp đôi này, nhiều người ngưỡng mộ, bởi họ đã làm tất cả, trải qua nhiều vất vả, thăng trầm của cuộc sống để được sống với niềm đam mê. Chính tình yêu, sự sẻ chia, trái tim đồng điệu đã giúp họ vượt qua những trở ngại của cuộc sống.
Cùng nhau giữ “lửa” đờn ca tài tử
Hiện CLB đờn ca tài tử của huyện có 25 thành viên, gồm 1 chủ nhiệm và 3 phó chủ nhiệm. CLB sinh hoạt định kỳ mỗi tháng một lần. Cái hay của "đờn ca tài tử" là giữa đờn và ca, phải tri âm hoà điệu để người nghe cảm nhận được chất mùi mẫn, du dương toát lên từ cung bậc thăng trầm hết sức đặc trưng mà ít loại hình nghệ thuật nào có được.
Lập nên một CLB đờn ca tài tử là chuyện dễ đối với các địa phương, nhưng gìn giữ và phát triển CLB thì rất khó khăn. Chủ nhiệm CLB Đờn ca tài tử huyện Phú Tân Nguyễn Hoàng Dũng cho biết: “Khó khăn mà câu lạc bộ gặp phải là anh em nhạc công (tài tử đờn) ở xa. Do đó, mỗi khi đi vào sinh hoạt thì anh em không có mặt đầy đủ. Khó khăn thứ hai là kinh phí sinh hoạt còn rất hạn chế, Trung tâm Văn hoá - Thể thao huyện Phú Tân có cấp kinh phí, nhưng chỉ đủ cho anh em sinh hoạt tại CLB đờn ca tài tử của huyện. Muốn giao lưu với các xã thì việc đi lại của anh em tài tử ca và tài tử đờn gặp khó khăn”.
Ông Nguyễn Hoàng Dũng mong mỏi: “Để CLB đờn ca tài tử của huyện ngày càng mạnh, tôi mong các ngành liên quan tạo điều kiện để các CLB đờn ca tài tử các xã, thị trấn, ấp, khóm sinh hoạt theo định kỳ. Bên cạnh đó, tạo điều kiện cho CLB đờn ca tài tử của huyện định kỳ hàng tháng giao lưu luân phiên với các câu lạc bộ các xã, thị trấn để học hỏi, trao đổi kinh nghiệm; Đồng thời, tìm ra những nhân tố mới để đào tạo, trẻ hoá đội ngũ thành viên”.
Hiện nay, dù chịu sự cạnh tranh của nhiều loại hình giải trí khác, nhưng đờn ca tài tử vẫn có sức sống mãnh liệt trong lòng người dân. Qua bao đời, đờn ca tài tử vẫn âm thầm lan toả. Hy vọng những người “giữ lửa” đờn ca tài tử tiếp tục duy trì và phát triển phong trào, góp phần tích cực gìn giữ giá trị nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ - Di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại./.
Anh Phan