Trả lời:
Về câu hỏi của quý bạn đọc, xin trả lời như sau:
Ngày 14/8/2024, TAND TC ban hành Chỉ thị 05/2024/CT-CA về yêu cầu tăng cường công tác thi hành án hình sự trong tòa án. Theo đó, Chỉ thị nêu:
Trong những năm qua, việc thực hiện pháp luật thi hành án hình sự của các Tòa án ngày càng đi vào nền nếp; bảo đảm thời hạn, căn cứ và quy trình thủ tục; góp phần quan trọng, đạt được nhiều kết quả tích cực trong công tác thi hành án hình sự nói chung. Tuy nhiên, cũng đã phát hiện một số sai sót, có trường hợp không ra quyết định thi hành án hoặc không gửi quyết định cho người phải thi hành án; cơ quan có trách nhiệm không thực hiện áp giải thi hành án; không theo dõi kết quả ủy thác thi hành án... Nguyên nhân của những hạn chế, thiếu sót có cả yếu tố khách quan và chủ quan. Trong đó, phần lớn sai sót là do chưa có quy trình chặt chẽ trong theo dõi, giám sát quá trình và kết quả thực hiện công tác thi hành án tại các Tòa án cấp sơ thẩm, đặc biệt là đối với những trường hợp ủy thác thi hành án trước thời điểm Luật Thi hành án hình sự năm 2010 được ban hành.
Để nâng cao chất lượng thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án trong thi hành án hình sự, Chánh án TAND TC yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị thuộc TAND TC, Chánh án Tòa án Nhân dân các cấp và Chánh án Tòa án quân sự các cấp, trong phạm vi quyền hạn và trách nhiệm của mình, thực hiện ngay các công việc sau đây:
1. Chỉ đạo rà soát, tổng kết việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án trong thi hành án hình sự tại cơ quan, đơn vị; chú trọng rà soát việc ra quyết định thi hành án hình sự, đặc biệt là những trường hợp phải ra quyết định thi hành án mà Tòa án chưa ban hành quyết định và trường hợp ủy thác thi hành án chưa có kết quả; bảo đảm việc ra quyết định thi hành án đúng pháp luật và kịp thời khắc phục những hạn chế, thiếu sót (nếu có); thống kê những trường hợp để xảy ra sai sót, xác định nguyên nhân, trách nhiệm của những người liên quan và xử lý theo quy định của pháp luật. Đồng thời, có các giải pháp để thực hiện tốt hơn.
2. Chỉ đạo, quán triệt đến toàn thể công chức trong đơn vị thực hiện nghiêm các quy định, hướng dẫn về thi hành án hình sự; tăng cường cán bộ có năng lực và trách nhiệm để tham mưu, giúp việc Chánh án trong công tác thi hành án hình sự, vào sổ thụ lý, theo dõi thi hành và thường xuyên kiểm tra; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, chỉ đạo điều hành và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án trong thi hành án hình sự.
3. Chỉ đạo, quán triệt các Thẩm phán, ngay khi kết thúc xét xử vụ án hình sự phải hoàn thiện và giao bản án đúng quy định. Các Tòa án đã xét xử phúc thẩm hoặc giám đốc thẩm, tái thẩm vụ án hình sự phải kịp thời gửi bản án, quyết định về Tòa án đã xét xử sơ thẩm để việc thi hành các bản án, quyết định được kịp thời, đúng pháp luật.
4. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có liên quan, nhất là CA và Viện kiểm sát để xác minh, cung cấp thông tin, tài liệu liên quan; theo dõi, giám sát việc ra quyết định và tống đạt, chuyển giao các quyết định về thi hành án hình sự; kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc phát sinh.
5. Tăng cường kỷ cương, kỷ luật công vụ; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra nghiệp vụ thi hành án hình sự, kịp thời phát hiện những sai sót, đề ra biện pháp khắc phục, phòng ngừa và xử lý vi phạm.
Thủ trưởng các đơn vị thuộc TAND TC, Chánh án Tòa án Nhân dân và Tòa án quân sự các cấp có trách nhiệm quán triệt và tổ chức thực hiện Chỉ thị này trong cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý; báo cáo Chánh án TAND TC về những hạn chế, vướng mắc để kịp thời giải quyết.
Giao Ban Thanh tra phối hợp Vụ Giám đốc kiểm tra I theo dõi, đôn đốc, thanh tra, kiểm tra kết quả thực hiện cho Chỉ thị này; định kỳ báo cáo hoặc khi có yêu cầu của Chánh án TAND TC.
Thu hồi đất đối với người sử dụng đất không thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước | |
Sử dụng bằng giả: hậu quả khôn lường, pháp luật sẽ xử lý ra sao? | |
Quy định phân loại tai nạn giao thông từ ngày 15/8/2024 |