Nhằm mục tiêu nâng cao hiệu quả sản xuất,ệuquảchuyểnđổicytrồngởLiHiếtỷ số spezia thời gian gần đây, người dân phường Lái Hiếu, thành phố Ngã Bảy, đang đẩy mạnh việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng và bước đầu mang lại những hiệu quả tích cực. Mô hình chuyển đổi từ đất mía kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái của nông dân phường Lái Hiếu bắt đầu mang lại hiệu quả. Sau nhiều năm gắn bó với cây mía nhưng không mang lại hiệu quả khi thường xuyên đối mặt với tình cảnh thua lỗ vì giá bán thấp. Vì vậy, ông Nguyễn Hoàng Dũng, ở khu vực 3, phường Lái Hiếu, đã mạnh dạn đắp mô lên liếp gần 3ha mía của gia đình để chuyển sang trồng bưởi da xanh ruột hồng và xoài cát Hòa Lộc. Bên cạnh đó, tận dụng diện tích mặt nước dưới ao, ông Dũng đã thả nuôi cá và trên mặt liếp thì nuôi gà, trồng rau vườn nhằm lấy ngắn nuôi dài, đồng thời cải thiện bữa ăn cho gia đình theo hình thức tự cung để giảm chi tiêu. Sau gần 3 năm chuyển đổi, hiện gia đình ông Dũng chuẩn bị thu về quả ngọt đầu tiên khi những cây bưởi xanh tốt đã bắt đầu cho trái chiếng và chuẩn bị thu hoạch. Ngoài ra, xen lẫn cây bưởi thì những cây xoài cũng đang trổ bông để có thể hái trái bán vào dịp tết sắp tới. Vui mừng bên vườn cây ăn trái của gia đình mình, ông Dũng chia sẻ: “Sau khi được chính quyền địa phương vận động và nhận thấy cần có sự thay đổi trong sản xuất để cải thiện cuộc sống gia đình nên tôi đã quyết định làm theo. Ban đầu cũng gặp những khó khăn nhưng nhờ sự quan tâm, động viên và hỗ trợ kỹ thuật canh tác của ngành chức năng địa phương; cũng như sự tích cực tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm từ bạn bè và trên mạng nên vườn cây ăn trái của gia đình mới được tươi tốt và sắp cho thu hoạch những quả ngọt đầu mùa như hôm nay. Dự kiến trong đợt thu hoạch bưởi lần đầu tới đây, gia đình tôi hái được vài trăm ký bưởi để bán cho thương lái, với giá bưởi hiện tại là hơn 40.000 đồng/kg sẽ kiếm được nguồn thu nhập hấp dẫn”. Ông Phạm Thành Phải, ở cùng khu vực 3, phường Lái Hiếu, cũng quyết định chuyển ban đầu 5/10 công mía của gia đình để trồng chanh không hạt. Hiện tại, vườn chanh của ông được gần 10 tháng tuổi và đang phát triển tốt. Ông Phải bộc bạch: “Tôi đã gắn bó với cây mía hơn 20 năm qua, nhưng hơn 3 vụ mía qua, tôi và người dân nơi đây luôn rơi vào tình cảnh thua lỗ nên bà con không còn mặn mà với cây mía và đang chuyển dần sang loại cây trồng khác để có nguồn thu nhập trang trải cuộc sống gia đình. Riêng tôi, do mới thực hiện nên chỉ chuyển 50% diện tích, với đà thuận lợi như hiện nay thì sau khi thu hoạch xong vụ mía đang trồng sẽ tiếp tục chuyển toàn bộ diện tích mía còn lại sang canh tác chanh không hạt như bà con xung quanh”. Cũng theo ông Phải, hiện có 70-80% diện tích đất mía và vườn tạp của người dân nơi đây đã được bà con chuyển sang trồng những cây có giá trị kinh tế cao như chanh, xoài, bưởi… và bước đầu những hộ chuyển đổi sớm đã mang lại những tín hiệu khả quan khi cho nguồn thu nhập cao. Mặt khác, điều mà bà con cảm thấy an tâm khi chuyển sang làm kinh tế vườn là toàn bộ khu vực 3 nơi đây đã được địa phương đầu tư hệ thống đê bao khép kín kiên cố nên nhà vườn chủ động được nguồn nước trong sản xuất, từ đó vườn cây ăn trái nào cũng đều phát triển tốt và sai trái trên cành. “Cơn bão số 2 vừa qua, do tình hình mưa dầm liên tục, nước dâng cao nên nhiều địa phương khác xảy ra tình trạng ngập nước vườn cây ăn trái và bà con phải tích cực bơm tác. Tuy nhiên, đối với nhà vườn nơi đây, bà con chỉ cần mở nắp cống để khai nước từ trong mương vườn ra ngoài khi thủy triều xuống chứ không cần phải bơm rút nước nên không tốn chi phí”, ông Phạm Thành Phải thông tin thêm. Ngoài chuyển đổi từ đất mía sang trồng cây ăn trái thì nhiều nông dân phường Lái Hiếu còn thành công với việc chuyển sang mô hình trồng rau màu, trong đó thế mạnh là rẫy dây. Điển hình như hộ ông Phạm Thành Nghĩa, ở khu vực 3, phường Lái Hiếu khi đang tạo nguồn thu nhập hấp dẫn cho gia đình từ gần 1ha rẫy dây. Ông Nghĩa cho hay: “Hơn 3 năm qua, từ khi chuyển sang trồng rẫy dây thì cuộc sống gia đình tôi khá hơn so với lúc trồng mía rất nhiều. Theo đó, với gần 1ha đất sản xuất, tôi luân phiên trồng những loại rẫy dây quen thuộc như: khổ qua, mướp, bầu, dưa leo… để bán cho thương lái đem đi tiêu thụ tại nhiều điểm chợ trong và ngoài thành phố Ngã Bảy. Bình quân mỗi tháng, gia đình tôi có nguồn lợi nhuận hơn 3 triệu đồng từ việc bán sản phẩm từ rẫy dây”. Qua ghi nhận của ngành chức năng phường Lái Hiếu, hiện tại diện tích vườn cây ăn trái trên địa bàn phường là 522ha, trong đó cây có múi là 202ha và diện tích đang cho trái là 160ha. Ông Trần Hoàng Hiệp, Bí thư Đảng ủy phường Lái Hiếu, cho biết: Xuất phát từ thực tế sản xuất nên trong những năm gần đây người dân trên địa bàn phường đã đẩy mạnh việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng tăng giá trị, trong đó chuyển đổi mạnh nhất là từ cây mía. Cụ thể, trong tổng số diện tích cây ăn trái hiện nay thì chỉ tính riêng từ đầu năm 2020 đến nay đã có 173ha được nông dân chuyển từ đất mía kém hiệu quả sang một số loại cây trồng như: sầu riêng, chanh không hạt, cam, xoài, bưởi, rau màu... và bước đầu những mô hình chuyển đổi đang mang lại hiệu quả thiết thực. Cùng với việc chuyển đổi của người dân thì địa phương cũng thường xuyên quan tâm hỗ trợ cho bà con về cây giống, kỹ thuật trồng và chăm sóc để giúp nông dân đạt hiệu quả trong canh tác. Đặc biệt, sau thời gian đầu tư, hiện hệ thống đê bao khép kín trên địa bàn phường đã cơ bản hoàn chỉnh, qua đây không chỉ tạo điều kiện cho nhà vườn chủ động trong sử sụng nguồn nước mà còn bảo vệ tốt vườn cây ăn trái trước mùa mưa, bão như hiện nay. Từ nhu cầu thực tế nên tới đây diện tích chuyển đổi cây trồng ở Lái Hiếu sẽ còn tăng, nhất là đối với diện tích mía còn lại. Vì vậy, địa phương sẽ có những định hướng cơ bản để bà con lựa chọn những loại cây trồng phù hợp nhằm mang lại hiệu quả khi chuyển đổi… Bài, ảnh: HỮU PHƯỚC |