a
Trong khuôn khổ các hoạt động chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Nhật Bản (21/9/1973-21/9/2023), ngày 16/2, Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng phối hợp cùng Công ty Phát triển khu công nghiệp Nhật Bản-Hải Phòng (trước đây là Công ty Phát triển khu công nghiệp Nomura-Hải Phòng) tổ chức Hội nghị gặp gỡ và đối thoại doanh nghiệp tại khu công nghiệp Nhật Bản-Hải Phòng. Hội nghị đã công bố Quyết định của UBND TP Hải Phòng về việc thay đổi tên gọi khu công nghiệp Nomura-Hải Phòng thành khu công nghiệp Nhật Bản-Hải Phòng. Theo đánh giá của Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng, khu công nghiệp Nhật Bản-Hải Phòng là một trong những khu công nghiệp kiểu mẫu với cơ sở hạ tầng kỹ thuật hiện đại, đồng bộ, tỷ lệ lấp đầy đạt 100%. Trải qua 30 năm hình thành và phát triển, thương hiệu và hình ảnh của khu công nghiệp Nhật Bản-Hải Phòng ngày càng được khẳng định và có hiệu ứng tích cực đối với quá trình phát triển các khu công nghiệp không chỉ tại Hải Phòng mà còn lan toả đến nhiều địa phương trên cả nước.
Ông Trịnh Văn Tuấn, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty phát triển khu công nghiệp Nhật Bản-Hải Phòng cho biết, thời gian tới, công ty sẽ tiếp tục duy trì các hạ tầng phục vụ và các dịch vụ tại khu công nghiệp một cách tốt nhất; đẩy nhanh tiến độ lắp hệ thống pin mặt trời trong khu công nghiệp; triển khai ứng dụng một số phần mềm thông minh trong Chuyển đổi số, giúp các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn. Liên quan các các thủ tục pháp lý khi đổi tên khu công nghiệp Nomura Hải Phòng thành khu công nghiệp Nhật Bản-Hải Phòng, ông Trịnh Văn Tuấn khẳng định: Công ty phát triển khu công nghiệp Nhật Bản-Hải Phòng (NHIZ) sẽ có trách nhiệm hỗ trợ các doanh nghiệp. Đây chỉ là thủ tục pháp lý bình thường, không làm ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. NHIZ đã cử cán bộ làm việc với Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng và Sở Kế hoạch và Đầu tư, sẽ có tương tác, hỗ trợ thuận tiện nhất cho các doanh nghiệp.
Tại Hội nghị, ông Lê Trung Kiên, Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng đã trao đổi, giải đáp, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của các nhà đầu tư trong quá trình thực hiện dự án tại Hải Phòng, tạo môi trường đầu tư thân thiện, minh bạch. Ông cho biết, Nhật Bản là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu của thành phố Hải Phòng, là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ hai với 146 dự án đầu tư còn hiệu lực, tổng vốn đầu tư đạt 3,9 tỷ đô la Mỹ. Tính riêng trong khu công nghiệp, khu kinh tế trên địa bàn thành phố, đến ngày 15/2/2023 có 88 dự án của các nhà đầu tư đến từ Nhật Bản, với tổng vốn đầu tư đạt gần 3,3 tỷ đô la Mỹ. Các dự án của Nhật Bản có mặt ở nhiều lĩnh vực của nền kinh tế thành phố Hải Phòng, như: sản xuất thiết bị điện-điện tử, sản xuất các linh kiện, phụ tùng ô tô, máy móc, thiết bị, logistics,… Các dự án hầu hết hiện đang hoạt động hiệu quả và có nhiều đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế-xã hội của thành phố. Trong thời gian tới, thành phố Hải Phòng sẽ tiếp tục mở rộng giai đoạn 2 của khu công nghiệp Nhật Bản-Hải Phòng với diện tích khoảng 200 ha tại địa bàn các xã An Hưng, An Hồng, Đại Bản (huyện An Dương) nhằm tạo mặt bằng để tiếp tục thu hút các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư Nhật Bản. |