【bóng đá anh mới nhất】Chuyện học ở điểm lẻ vùng sâu

时间:2025-01-10 07:40:43 来源:88Point

Báo Cà Mau(CMO) Hiện huyện Ngọc Hiển có 14 điểm trường mầm non với 7 điểm chính (nằm ở trung tâm xã) và 7 điểm lẻ. Đa số các điểm lẻ đều mượn lớp từ các trường tiểu học để dạy. Đường đi đến điểm lẻ của học sinh là đường thuỷ, xa với điểm chính nên chất lượng giáo dục bậc mần non chưa đảm bảo.

Khó khăn như thế nên việc huy động trẻ đến trường (trẻ dưới 5 tuổi) được ngành giáo dục huyện Ngọc Hiển ưu tiên hàng đầu. Các xã: Tân Ân, Tam Giang Tây, Đất Mũi, Viên An, mỗi khi năm học mới, đại diện Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) ưu tiên đến từng nhà để vận động trẻ đến trường.

Cô Nguyễn Thị Sáu, phụ trách mầm non, Phòng GD-ĐT huyện Ngọc Hiển, cho biết, thường phụ huynh đợi trẻ đến 6 tuổi mới cho đi học. Vì thế, đơn vị phải động viên cha mẹ cho trẻ 5 tuổi đến trường và đảm bảo trẻ học 2 buổi mỗi ngày.

Mỗi lần tan học, cô Quách Diễm My tình nguyện đưa các em về nhà.

Ông Bùi Thanh Minh, Phó trưởng phòng GD-ĐT huyện Ngọc Hiển, giải thích, do quy mô cấp học mầm non còn nhỏ nên mượn cơ sở vật chất của các trường tiểu học để giảng dạy cho gần nhà của trẻ. Việc này nhằm tạo điều kiện để trẻ mầm non được đi học, đặc biệt là huy động trẻ 5 tuổi.

Gian nan đường đến trường

Trường Mầm non xã Tam Giang Tây là trường mới hoàn thiện về cơ sở vật chất, phấn đấu đạt chuẩn quốc gia vào năm nay, nhưng hiện trường vẫn còn 2 điểm lẻ, 1 điểm nằm ở Trường Tiểu học 2 Tam Giang Tây và 1 điểm nằm ở Trường Tiểu học 3 Tam Giang Tây. Ở điểm lẻ mầm non Bà Của của Trường Tiểu học 3 Tam Giang Tây (ấp Cại Lá, xã Tam Giang Tây) có điều kiện khó khăn nhất.

Cô Phùng Thị Thuý, Hiệu trưởng Trường Mầm non Tam Giang Tây, cho biết, ở điểm lẻ do khó khăn về cơ sở vật chất nên chưa đảm bảo việc học 2 buổi/ngày. Đa số các em đi bằng đò hoặc cha mẹ đưa rước, đường quanh co sông nước…

Tại điểm lẻ của Trường Tiểu học 3 Tam Giang Tây có 20 cháu mẫu giáo, do cô Quách Diễm My đứng lớp. Mỗi ngày đến trường cô Diễm My phải đi bằng xuồng, không kể mưa gió hay nước ròng, cô vẫn đều đặn đến lớp cùng các em nhỏ. 

Nhà cô Diễm My cách xa điểm lẻ Bà Của khoảng 1 cây số, không có lộ, nơi đây cách xa điểm chính mầm non Tam Giang Tây khoảng 25 cây số. Có khi buổi sáng dạy xong, chiều phải lên điểm chính dạy; Hay những lần đi họp, có việc đột xuất là giờ nghỉ trưa, ăn uống dường như không có. Cô Diễm My tâm sự: “Hơn 4 năm về trường, nhìn thấy các em hàng ngày khó khăn đến trường, tôi cũng vui trong lòng mà tiếp tục phấn đấu, cống hiến”.

Phụ huynh đưa con em đến trường cũng không ngại mưa gió, ngày nào cũng cùng con đến trường, tay xách, tay mang nào là đồ ăn, thức uống. Bà Nguyễn Thị Hai, ấp Chính Biện, tâm sự: “Ngày nào tôi cũng đưa cháu đi học bằng vỏ lãi. Lớn tuổi không biết chạy xe, với lại đường khó đi nên phải đi bằng xuồng đến trường. Thấy điều kiện ở đây cũng tốt, cô giáo vui vẻ, nhiệt tình nên tôi cũng yên tâm”.

“Hổm rày trời nắng nên cũng đỡ hơn, chớ trời mưa là lấm lem. Đường xuồng khoảng 2 cây số, cực nhất là nước cạn phải “bườn” lên cầu, ghé bến để vào lớp. Có lúc nhịn đói cho cháu nội ăn rồi về nhà mình mới ăn", bà Nguyễn Thị Yến, ấp Dinh Cũ, trải lòng.
Ở điểm lẻ Bà Của này có quán nước, nhiều phụ huynh dành chỗ này để nghỉ ngơi, đợi con em mình. Đây là chỗ để các em ăn sáng, mua tập, viết… Bà chủ quán nước Trần Thị Sang cho biết, do hiến đất cất trường nên cũng mở quán nhỏ bán đồ ăn, nước uống cho học sinh, phụ huynh. Mấy chị em đưa rước con rồi cũng thành thân, có gì khó khăn cũng san sẻ cho nhau.

Trăn trở điểm lẻ

Cô Thuý trăn trở, ở điểm lẻ điều kiện sân chơi của các bé còn thiếu thốn, chưa hoàn thiện; Đồ chơi, đồ dùng của các em còn hạn chế. Đội ngũ giáo viên trẻ phải về vùng xa xôi cũng rất thiệt thòi, điều kiện tiếp xúc về công nghệ mới trong giảng dạy cũng hạn chế nên cô và trò phải cố gắng rất nhiều. Mặc dù vậy, các cô rất tâm huyết, nhiệt tình công tác, dù nắng, mưa cũng phải đón trẻ đúng giờ, thực hiện đúng nền nếp, nội quy của nhà trường.

Cô My tâm tình: “Mỗi đầu năm học, thấy điều kiện các em còn thiếu thốn về sách vở, mình cũng nhiệt tình hỗ trợ các em. Đồ dùng học tập thì mình phải ráng làm sao đảm bảo các em không thua thiệt ở điểm chính”.

Thầy Hồ Hoàn Kiếm, giáo viên Trường Tiểu học 3 Tam Giang Tây, thông tin, trường hiện chỉ đủ phòng cho lớp tiểu học thôi, nhưng cũng tạo điều kiện mở 1 lớp mẫu giáo. "Nhiều khi ồn ào, ảnh hưởng đến lớp khác nhưng mình cũng ráng khắc phục. Cũng mong sao tạo điều kiện thêm một lớp nữa riêng cho mẫu giáo để đảm bảo việc học cho các cháu; Cũng là bước nối tiếp để các cháu lên bậc tiểu học", thầy Hồ Hoàn Kiếm tâm tình.

“Cũng mừng một chuyện là các cô giáo ở điểm lẻ là con em của người dân trên địa bàn, trường gần nhà, cô nào cũng nhiệt tình trong công tác, cống hiến hết mình. Năm nào chủ trương của phòng cũng xoá điểm lẻ, nhưng vì điều kiện mà tôi xin giữ lại để cho các em đi học được thuận tiện, gần nhà”, cô Thuý thông tin thêm.

Mỗi ngày đến trường là một niềm vui, dù có khó khăn cách mấy, khoảng cách từ nhà đến trường dường như ngắn lại. Hết buổi sáng, điểm lẻ của cô Diễm My gần tan học, phía trước trường có khoảng 20 chiếc vỏ lãi của phụ huynh đang đậu sẵn để rước học sinh. Theo từng bước chân của học sinh, cô Diễm My dắt từng cháu xuống bến, dặn dò các em về buổi học ngày mai.

Vẫy tay kết thúc một ngày, cô Diễm My quẹt mồ hôi, cười: “Các cháu chính là động lực để mình phấn đấu”…

Phạm Nhật

推荐内容