Quang cảnh hội nghị. Thu đạt 46,5% dự toán
Báo cáo tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài chính Huỳnh Quang Hải cho biết: Đến hết tháng 6/2017, tổng thu NSNN ước đạt 563,5 nghìn tỷ đồng, bằng 46,5% dự toán, tăng 13,9% so cùng kỳ năm 2016. Trong đó: Thu nội địa đạt 45,6% dự toán, tăng 12,4%, không kể thu tiền sử dụng đất, thu xổ số kiến thiết, thu cổ tức, lợi nhuận còn lại và thu bán vốn cổ phần sở hữu nhà nước, thì đạt 45,5% dự toán, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm 2016, cơ bản sát với tăng trưởng kinh tế. Thu từ dầu thô đạt 60,1% dự toán, tăng 15,6% so cùng kỳ năm 2016, nhờ giá dầu cao hơn giá dự toán (bình quân 54,6 USD/thùng, cao hơn 4,6 USD/thùng); thu cân đối từ XNK đạt 49,2% dự toán, tăng 22,2% so cùng kỳ năm 2016, chủ yếu nhờ hoạt động XNK 6 tháng đầu năm tiếp tục đà tăng trưởng.
Trong tổng thu NSNN nêu trên, thu ngân sách Trung ương ước đạt 41,5% dự toán; thu ngân sách địa phương 54% dự toán. 45 địa phương thu đạt từ 48% dự toán trở lên (không kể tiền sử dụng đất thì có 11 địa phương đạt trên 52%); 54 địa phương thu cao hơn so với cùng kỳ năm 2016; vẫn còn 18 địa phương thu chưa đảm bảo tiến độ dự toán (dưới 48%) và 9 địa phương thu đạt thấp so với cùng kỳ, chủ yếu do một số ngành sản xuất công nghiệp có đóng góp số thu lớn cho ngân sách như khai khoáng (dầu thô, khí thiên nhiên, than,...), thủy điện, sản xuất, lắp ráp ô tô, sản xuất điện thoại di động, sản xuất, chế biến thực phẩm, tăng trưởng thấp, thậm chí giảm so với cùng kỳ năm trước.
Tổng chi NSNN ước đạt 582,96 nghìn tỷ đồng, bằng 41,9% dự toán, tăng 8,3% so cùng kỳ năm 2016. Chi NSNN được tổ chức điều hành chặt chẽ, đúng chính sách, chế độ, trong phạm vi dự toán được giao và phù hợp với tiến độ thực hiện. Các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương đã chủ động rà soát, sắp xếp các nhiệm vụ chi, thực hiện chi, mua sắm tài sản công theo đúng tiêu chuẩn, định mức, chế độ quy định, đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả và trong phạm vi dự toán được giao.
Bên cạnh đó, ngành đã tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát chi NSNN; qua đó, phát hiện, kịp thời chấn chỉnh và xử lý các sai phạm, góp phần nâng cao kỷ luật tài chính và hiệu quả sử dụng NSNN. Trong 6 tháng đầu năm, đã sử dụng khoảng 1,6 nghìn tỷ đồng nguồn dự phòng NSTW, chủ yếu để hỗ trợ các địa phương khắc phục hậu quả bão lũ, hạn hán và xâm nhập mặn, hỗ trợ giống khôi phục sản xuất sau thiên tai.
Riêng tiến độ giải ngân vốn đầu tư phát triển đạt thấp so với yêu cầu, trong đó vốn đầu tư xây dựng cơ bản nguồn NSNN giải ngân mới đạt 29,5% dự toán (xấp xỉ mức cùng kỳ năm 2016); nguyên nhân chủ yếu do công tác triển khai phân bổ dự toán muộn (đến hết tháng 4/2017 mới giao kế hoạch vốn đợt 2; tổng số kế hoạch vốn đã phân bổ đạt 99,65% kế hoạch, trong đó vốn ngoài nước đạt 98,8% kế hoạch; vẫn còn 3,6 nghìn tỷ đồng chưa giao kế hoạch), một số dự án chưa đảm bảo thủ tục đầu tư theo quy định, hoặc đang trong quá trình hoàn thiện các thủ tục đấu thầu, lựa chọn nhà thầu...
Vốn trái phiếu Chính phủ kế hoạch mới giao được 10,4% dự toán, nên giải ngân chỉ đạt khoảng 1,8% dự toán (cùng kỳ năm 2016 đạt 21,8%). Bộ Tài chính đang tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, địa phương rà soát, tháo gỡ khó khăn vướng mắc, thúc đẩy việc thực hiện và giải ngân vốn đầu tư.
Cân đối ngân sách Trung ương và ngân sách các cấp địa phương 6 tháng đầu năm được đảm bảo; trong đó bội chi ngân sách Trung ương khoảng 43,5% dự toán.
| Hội nghị được tổ chức tại 63 điểm cầu. |
9 giải pháp chủ yếu trong 6 tháng cuối năm
Theo Thứ trưởng Huỳnh Quang Hải, từ nay đến cuối năm 2017, tình hình trong nước, quốc tế còn có khó khăn, thách thức; để hoàn thành tốt nhiệm vụ tài chính - NSNN năm 2017, ngành Tài chính sẽ chú trọng tổ chức thực hiện các giải pháp quan trọng chủ yếu như sau:
Một là,tập trung hoàn thiện thể chế; đẩy mạnh cải cách hành chính trong lĩnh vực tài chính, trọng tâm là lĩnh vực thuế, hải quan, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, khuyến khích khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh.
Hai là,tổ chức thực hiện tốt các luật thuế và nhiệm vụ thu NSNN năm 2017; hạn chế tối đa việc đề xuất, ban hành các chính sách mới làm giảm thu ngân sách; quyết tâm thu đạt và vượt dự toán Quốc hội quyết định.
Ba là,quản lý, điều hành chi NSNN chặt chẽ, đúng quy định, đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả; chỉ đề xuất ban hành chính sách làm tăng chi ngân sách khi thật sự cần thiết và có nguồn đảm bảo.
Bốn là,tăng cường quản lý, kiểm soát chặt chẽ nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia, nợ của chính quyền địa phương.
Năm là,tăng cường và đẩy mạnh công tác quản lý, kiểm tra thị trường.
Sáu là,đổi mới cơ chế tài chính đơn vị sự nghiệp công, giá dịch vụ công.
Bảy là,siết chặt kỷ luật tài chính, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Tám là,chủ động hợp tác, hội nhập tài chính quốc tế.
Chín là, chuẩn bị tốt các điều kiện và tổ chức xây dựng kế hoạch phát triển KT-XH và dự toán NSNN năm 2018, kế hoạch tài chính - NSNN 3 năm 2018-2020 sát thực tiễn, khả thi. |