Hôm nay 28/8, dưới sự điều hành của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã tổ chức Hội nghị toàn quốc Tổng kết năm học 2020-2021 và Triển khai nhiệm vụ năm học 2021-2022. Tại hội nghị, nhiều địa phương đã chia sẻ những khó khăn, vướng mắc đang gặp phải và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ GD&ĐT có giải pháp hỗ trợ. Bà Nguyễn Thị Thanh Lịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai chia sẻ, ngành GD&ĐT tỉnh đang đứng trước nhiều khó khăn, như: Việc chuẩn hoá đội ngũ giáo viên theo Luật Giáo dục chưa có lộ trình đầy đủ; toàn tỉnh thiếu thiếu 3.721 giáo viên, tập trung chủ yếu vào bậc mầm non và tiểu học; khó tổ chức dạy học trực tuyến. Bên cạnh những thuận lợi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kom Tum cũng nêu một số khó khăn, vướng mắc tại địa phương. Cụ thể, cơ sở vật chất, trang thiết bị các trường học còn thiếu so với yêu cầu triển khai Chương trình GDPT 2018. Ngoài ra, thiếu biên chế giáo viên gây khó khăn trong triển khai chương trình giáo dục, đặc biệt là dạy học 2 buổi/ngày. Năm học 2021-2022, địa phương còn thiếu 1.696 người, nhất là giáo viên tiếng Anh, Tin học cho năm học 2022-2023 ở các địa bàn vùng sâu vùng xa. Tỉnh Kon Tum đề xuất với Chính phủ quan tâm bổ sung chỉ tiêu biên chế còn thiếu cho ngành GD&ĐT địa phương và hỗ trợ nguồn lực tăng cường cơ sở vật chất nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục; sớm xem xét, sửa đổi bổ sung quy định thiếu đồng bộ giữa cơ chế giao nhiệm vụ đặt hàng và chính sách tuyển dụng sinh viên sư phạm sau đào tạo. Tỉnh Kon Tum cũng kiến nghị Bộ GD&ĐT, tạo điều kiện tốt cho việc triển khai dạy học môn học tiếng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh theo Chương trình GDPT 2018. Ông Nguyễn Đức Trung, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cho biết, địa phương đang thiếu gần 8.000 giáo viên, tập trung chủ yếu ở bậc mầm non và tiểu học, gây khó khăn cho ngành Giáo dục trong đảm bảo các hoạt động tổ chức dạy học. Do đó, Nghệ An đề nghị Bộ GD&ĐT phối hợp với Bộ Nội vụ xem xét, tham mưu trình Chính phủ bổ sung biên chế giáo viên cho Nghệ An; hỗ trợ địa phương cơ sở vật chất, thiết bị dạy học để tổ chức thực hiện tốt Chương trình GDPT năm 2018; xem xét lộ trình thực hiện Chương trình sách giáo khoa lớp 10. Phát biểu tại Hội nghị, ông Trịnh Xuân Trường, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai cho biết, tại tỉnh Lào Cai vẫn còn nhiều phòng học chưa được kiên cố hóa, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học còn nhiều khó khăn; thiếu giáo viên so với định mức ở tất cả các cấp học, bậc học, nhất là giáo viên mầm non, giáo viên chuyên biệt (tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc), nhân viên y tế, bảo vệ, cấp dưỡng, thư viện, thiết bị… Ông Chu Ngọc Anh, Chủ tịch UBND TP Hà Nội cũng nêu một số vướng mắc như quy mô giáo dục lớn, mỗi năm tăng 44 trường với 69 nghìn học sinh nên biên chế giáo viên lớn, một số trường học quá tải. Việc quản lý học phí theo Nghị định 86/2015/NĐ-CP còn bất cập. Nhiều trường học khu vực nội thành khó công nhận đạt chuẩn quốc gia. Từ thực tế của các địa phương, Thủ tướng Phạm Minh Chính gợi ý, hiện nhiều địa phương thiếu giáo viên mầm non nhưng ở cấp Tiểu học và Trung học lại thừa giáo viên. Do đó, đối với những giáo viên cấp Tiểu học và Trung học có thể bồi dưỡng kiến thức về giáo dục mầm non để luân chuyển từ chỗ này sang chỗ kia. Với những đề xuất biên chế giáo viên, Thủ tướng cho hay, Bộ Nội vụ giao chỉ tiêu biên chế dựa trên đề xuất của các địa phương. Tuy nhiên cần xem xét, rà soát việc thiếu ở các địa phương có chính xác hay không. Do đó, Thủ tướng đề nghị Bộ GD&ĐT thành lập các đoàn kiểm tra đánh giá việc thiếu giáo viên ở các địa phương. “Cần nghiên cứu kỹ để cơ cấu lại hệ thống trường lớp, đội ngũ giáo viên làm phù hợp với từng địa phương, từng địa bàn, từng đối tượng.Chúng ta cũng không hy sinh an sinh xã hội để đổi lấy tăng trưởng”, Thủ tướng nhấn mạnh.
|