Kết nối nông sản chất lượng cao với kênh bán sỉ Gia tăng giá trị hạt gạo từ Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao Hợp tác ba bên phát triển vùng nguyên liệu lúa chất lượng cao |
Ảnh minh họa |
Đóng vai trò rất quan trọng của nền nông nghiệp đất nước, tuy nhiên vùng ĐBSCL hiện còn những hạn chế như chưa có vùng chuyên canh tập trung quy mô lớn, chưa có hợp tác bền chặt theo chuỗi giá trị, kỹ thuật canh tác còn thiếu bền vững.
Trước thực tế trên, mới đây Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án "Phát triển bền vững một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030". Đề án có mục tiêu chung là diện tích canh tác vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp của vùng đến năm 2030 sẽ đạt 1 triệu ha. Trong đó, một số mục tiêu cơ bản như giảm 30% chi phí đầu vào, tỷ suất lợi nhuận của người trồng lúa tăng 50%, góp phần giảm 10% lượng khí nhà kính phát thải...
Nhìn thẳng thực tế, Đề án là bước ngoặt lớn sẽ làm thay đổi ngành lúa gạo theo hướng sản xuất tập trung, liên kết chặt chẽ, chất lượng cao, phát thải thấp. Thực hiện Đề án sẽ dần cải thiện tình trạng canh tác manh mún; các kỹ thuật, công nghệ tiên tiến sẽ được áp dụng mạnh mẽ, trong đó đề cao các giải pháp về sản xuất hữu cơ, giảm phát thải. Đó cũng là quá trình thực hiện hiệu quả hơn hoạt động liên kết 4 nhà (nhà nông, nhà nước, nhà khoa học và doanh nghiệp) phù hợp với yêu cầu và tình hình mới. Mô hình sản xuất theo Đề án cũng chính là nhằm tạo ra dòng sản phẩm gạo chất lượng cao, gia tăng giá trị và thượng hiệu cho hạt gạo Việt Nam, Từng bước triển khai thành công của Đề án sẽ được lan tỏa và áp dụng cho cả nước và các ngành hàng nông sản khác.
Hiện Đề án đã được khởi động điểm ở một số địa phương. Nay là lúc các bộ, ngành, địa phương tích cực xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách, điều kiện cụ thể để triển khai trên thực tế. Trong đó, cụ thể hóa các tiêu chí, nâng cao kiến thức canh tác cho nông dân, thiết lập các gói tín dụng ưu đãi cho doanh nghiệp và nông dân... Đề án được thực hiện thành công chính là xây dựng ngành lúa gạo phát triển bền vững từ khía cạnh giá trị xuất khẩu, thương hiệu, môi trường đến nâng cao đời sống, an sinh xã hội cho hàng triệu nông dân.