Gần tết,keo ngay mai về thăm vợ chồng anh Võ Thành Nho, ở ấp Phương Thạnh, xã Phương Phú, huyện Phụng Hiệp, thấy anh chị thoát nghèo, đón xuân trong căn nhà mới trị giá khoảng 200 triệu đồng, tôi mừng !
Nhiều người nói, Hậu Giang sau khi thành lập (năm 2004), cấp ủy, chính quyền rất chủ động quan tâm đến sự phát triển, tận tâm chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho người dân, nên giờ tỉnh thay đổi nhiều lắm.
Đảng trong cuộc sống
Mười mấy năm trước, anh Nho lấy vợ, ra riêng với đôi bàn tay trắng, làm mướn là nghề chính. Khó khăn chồng chất khi anh Nho và con thay nhau nằm viện.
Năm 2008, gia đình anh được địa phương (Bí thư Chi bộ ấp Phương Thạnh Nguyễn Văn Múc giới thiệu) xét đề nghị cho vay 8 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách Xã hội. Có tiền, anh Nho lấy 4 triệu đồng mua vật liệu xây chuồng, còn lại mua heo nuôi. “Tôi chỉ dám mua heo đẹt về dưỡng làm heo nái đẻ chứ không dám mua heo trội trong đàn, sợ tốn tiền”, vợ anh Nho nói.
Vợ chồng anh Võ Thành Nho hoàn chỉnh căn nhà để ăn tết.
Rồi anh chị cũng đi làm mướn để lo cuộc sống, mua thức ăn nuôi heo. Nửa năm sau, anh Nho học được nghề nấu rượu nên làm nghề này lấy hèm cho heo ăn. Cuộc sống có dư từ việc bán rượu, làm mướn, gầy giống và xuất chuồng từng đàn heo…
Khi bệnh tình qua khỏi, vợ chồng anh Nho tập trung mở rộng quy mô chăn nuôi từ 4-5 heo nái, xuất chuồng 8-10 lứa heo con/năm, thu về khoảng 80 triệu đồng. “Từ năm 2014-2015 là gia đình tôi khỏe rồi do heo phát triển tốt, bán được giá. Tôi đã trả nợ xong, vay thêm 30 triệu đồng nữa. Vay số tiền lớn vậy mà tôi không lo như lúc vay 8 triệu đồng”, anh Nho nói.
Bên căn nhà tường sắp hoàn thiện những công đoạn cuối, vợ chồng anh Nho không giấu được nụ cười. Cười vì bao lo toan, cực khổ giờ có được thành quả; cười vì đã thoát nghèo, tích lũy được vốn cất nhà tường kiên cố. “Nói thật, không có sự giúp đỡ ban đầu thì gia đình tôi không được như hôm nay đâu. Giờ nằm đêm suy nghĩ thấy chính quyền này tốt thật!”, anh Nho tâm sự.
Khác với anh Nho, anh Trần Hoài Vũ, ở ấp Nhì, xã Thạnh Hòa, huyện Phụng Hiệp, là đảng viên, từng là dân quân tự vệ, bí thư chi đoàn ấp, vì nghèo mà tạm gác nhiệm vụ chính trị để tập trung lo cuộc sống.
Vẫn trên mảnh ruộng 5,5 công, nhưng bằng sự năng động, năm 2010, anh Vũ mạnh dạn chuyển sang trồng chanh không hạt 1,5 công. Gia đình anh Vũ lúc này có 6 nhân khẩu, khó khăn hơn khi trong nhà có người già yếu. Vợ chồng anh là lao động chính phải căng sức ra lo toan trong ngoài. Rồi cái nghèo dần đi qua khi chanh cho trái. “Cũng nhờ địa phương hỗ trợ 2 triệu đồng, sau đó xét cho vay 15 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách Xã hội mà tôi có tiền mua phân, thuốc, máy bơm chủ động việc cho chanh ra trái nghịch vụ để bán được giá cao”, anh Vũ nói.
May mắn đến khi khoảng năm 2013-2014, hai vụ chanh đầu của anh sai trái, giá cao (40.000 đồng/kg); loại chanh này chưa được trồng phổ biến nên anh trúng lớn. Có năm anh bán được 100 triệu đồng/1,5 công… Rồi anh trả dứt nợ, cải tạo 4 công đất còn lại lên trồng chanh, trái chiếng đầu vụ đang oằn sai…
Trong câu chuyện của mình, anh Vũ có chút đượm buồn khi nhớ lại trước đây mình nghèo, “thiệt khó ăn khó nói trong vận động bà con và đoàn viên”. Song ý thức của một đảng viên không cho phép anh buông xuôi. “Không có Đảng trong tâm trí thì tôi đã xin ra khỏi Đảng lâu rồi. Có lý tưởng, niềm tin vào Đảng đã giúp tôi vượt qua nghèo khó, trở thành hộ tương đối khá như bây giờ”, anh Vũ cười nói.
Dẫn chúng tôi xem vườn chanh, anh khoe tết này cũng có vài trăm kg chanh bán. Anh Vũ khẳng định: “Đây là cái tết dư dả, nhẹ lo, sum vầy thứ ba của gia đình tôi so với những năm trước”.
Anh Trần Hoài Vũ bên vườn cam sai trái.
Trong suy nghĩ của anh Vũ, anh Nho, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn trong từng chén cơm, manh áo, chỉ khác ở sự hiểu biết của mỗi người. Với các anh, suy cho cùng, Đảng lo cho dân là hành động của cán bộ, đảng viên cơ sở quan tâm tới những khó khăn của dân, đặt lợi ích của dân lên trên vì sự tiến bộ của quê hương.
Là cán bộ hưu trí, câu chuyện Đảng lo cho dân được ông Nguyễn Danh Cần, ở khu vực 5, phường Thuận An, thị xã Long Mỹ, hiểu rõ hơn khi an ninh trật tự được giữ vững, việc buôn bán của ông được thuận lợi, những chậu kiểng trước nhà không được rào chắn vẫn không bị mất trộm… “Nếu mất an ninh trật tự thì lo giữ của không sao buôn bán được? Chúng ta thấy ở đây là chính quyền địa phương đã cụ thể hóa chủ trương của Đảng về an ninh trật tự mới đem lại cuộc sống yên ổn cho dân sản xuất, kinh doanh”, ông Cần nói.
Chén cơm - ơn Đảng
Nhận thức về Đảng của từng người dân Hậu Giang tuy khác nhau nhưng họ cũng hiểu được rằng, ấp mình, xã mình muốn ổn định, có những hoạt động phát triển kinh tế, xã hội vì nhân dân, vì sự phát triển chung thì phải có chủ trương, chính sách, kế hoạch đúng và một bộ máy gồm những cán bộ, đảng viên triển khai thực hiện; tương tự, huyện, tỉnh cũng vậy.
Sau khi thành lập tỉnh 1 năm, Hậu Giang có một quyết sách hợp lòng dân là cất 3.000 căn nhà tình thương cho hộ nghèo; đến nay, cộng chung cất mới, sửa chữa đã lên trên 40.000 căn. Hàng chục ngàn căn nhà như vậy không phải tự dưng được xây cất, làm mới. Nó ra đời xuất phát từ chủ trương, quyết sách của Tỉnh ủy (cấp ủy đảng), sự cụ thể hóa của cấp ủy đảng cấp dưới (cấp huyện ủy, đảng ủy cấp xã) và kế hoạch triển khai của chính quyền (UBND các cấp)…
Hậu Giang chăm lo người nghèo, hộ khó khăn, yếu thế là sự chủ động của một chính quyền năng động. Sự năng động ấy không dừng lại khi còn tiếp tục hành động tích cực cho sự phát triển bứt phá ở nhiều lĩnh vực công nghiệp, giáo dục, y tế, quốc phòng,… làm cho tỉnh phát triển đều, bền vững. “Từ một tỉnh nghèo vươn lên thành tỉnh có mức phát triển trung bình thì Đại hội XIII của Đảng bộ tỉnh xác định đến năm 2020 vươn lên thành tỉnh khá trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Chúng tôi đã xây dựng được lòng tin trong dân, nền tảng kinh tế - xã hội vững thì mới đề ra quyết sách ấy. Tôi tin rằng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hậu Giang sẽ đạt được mục tiêu đề ra”, ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, nhấn mạnh.
Trên từng nấc thang phát triển mười mấy năm qua của tỉnh, các mặt kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh đều có sự cộng hưởng, tác động để hình thành bước đi vững chắc, có chất lượng và người dân là đối tượng thụ hưởng chính. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo ở Hậu Giang còn 12,55%, thu nhập bình quân đầu người năm 2016 là 31,02 triệu đồng/người/năm...
Cũng như nhiều người dân khác, anh Nho đâu hiểu rành rẽ cấp ủy đảng là gì, cũng đâu nghĩ Đảng gần dân đến trong từng chén cơm, manh áo, mà chỉ biết chính quyền nơi mình ở rất quan tâm đến đời sống của dân. Nhiều người ở Hậu Giang trước đây cật lực lo làm để có cơm ăn, áo mặc thì nay đã có cơm no, áo ấm, nghĩ đến chuyện có cơm ngon, áo đẹp...
Tết này ai về Hậu Giang sẽ thấy một lần nữa Đảng trong từng chén cơm đầy, trong áo đẹp ngày xuân!
NGỌC BÍCH