Dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm là số tiền mà DN kinh doanh bảo hiểm, DN tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài phải trích lập nhằm mục đích thanh toán cho những trách nhiệm bảo hiểm đã được xác định trước và phát sinh từ các hợp đồng bảo hiểm, hợp đồng tái bảo hiểm đã giao kết.
Đối với DNBH phi nhân thọ, DN chuyên kinh doanh bảo hiểm sức khoẻ, chi nhánh nước ngoài phải lập các loại dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm theo quy định tại Điều 8 Nghị định số 46/2007/NĐ-CP và phải được chuyên gia tính toán dự phòng nghiệp vụ và khả năng thanh toán của DNBH phi nhân thọ, chi nhánh nước ngoài xác nhận.
DNBH phi nhân thọ, chi nhánh nước ngoài được phép lựa chọn và đề nghị Bộ Tài chính phê chuẩn phương pháp trích lập dự phòng nghiệp vụ theo hướng dẫn trước khi áp dụng. Đối với việc trích lập dự phòng phí chưa được hưởng và dự phòng bồi thường, nếu DN, chi nhánh áp dụng phương pháp trích lập khác thì phải bảo đảm cho kết quả dự phòng nghiệp vụ cao hơn và được Bộ Tài chính chấp thuận bằng văn bản trước khi áp dụng.
Đặc biệt, DNBH phi nhân thọ, chi nhánh nước ngoài không được thay đổi phương pháp trích lập dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm trong năm tài chính. Trường hợp thay đổi phương pháp trích lập dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm cho năm tài chính kế tiếp, DN phải đề nghị và được Bộ Tài chính chấp thuận bằng văn bản trước khi áp dụng.
Phương pháp trích lập theo tỷ lệ phần trăm của tổng phí bảo hiểm. Thông tư quy định: Đối với nghiệp vụ bảo hiểm hàng hoá vận chuyển bằng đường bộ, đường biển, đường sông, đường sắt và đường hàng không bằng 25% của tổng phí bảo hiểm giữ lại thuộc năm tài chính của các nghiệp vụ bảo hiểm này. Đối với các nghiệp vụ bảo hiểm khác bằng 50% của tổng phí bảo hiểm giữ lại thuộc năm tài chính của các nghiệp vụ bảo hiểm này.
Đối với trích lập dự phòng bồi thường cho các dao động lớn về tổn thất, hàng năm, DNBH phi nhân thọ, chi nhánh nước ngoài phải trích lập dự phòng bồi thường cho các dao động lớn về tổn thất, kể cả trường hợp doanh nghiệp, chi nhánh có sử dụng (hoặc không sử dụng) dự phòng này để bồi thường cho các dao động lớn về tổn thất trong năm tài chính.
Mức trích lập tối đa hàng năm được áp dụng theo tỷ lệ từ 1% đến 3% phí bảo hiểm giữ lại theo từng nghiệp vụ bảo hiểm. Việc trích lập được thực hiện đến khi khoản dự phòng này bằng 100% phí giữ lại trong năm tài chính của DNBH phi nhân thọ, chi nhánh nước ngoài.
T.Th