Những kỷ vật vô giá Sau khi người cha - Anh hùng biệt động Trần Văn Lai ra đi, từ những tư liệu của cha, ông Trần Vũ Bình đã phát hiện, ngoài các cơ sở biệt động, nhà cửa cha đã kể, tại các căn nhà khác ông cũng đã xây dựng hầm trú ém cán bộ, cất giấu vũ khí gắn liền với chiến công huyền thoại của Biệt động Sài Gòn. Và sau mấy chục năm qua như ong xây tổ, ông Trần Vũ Bình và gia đình đã bỏ bao thời gian, công sức, tiền của tìm kiếm phục dựng hàng chục cơ sở của Biệt động Sài Gòn - một khối lượng công việc và hiện vật vô giá. Đó là Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định tại số nhà 287/72, Nguyễn Đình Chiểu để trưng bày hiện vật, lịch sử chiến đấu của Biệt động Sài Gòn trong 2 cuộc kháng chiến. Đó là Quán phở bà Phở 758, Nguyễn Kiệm (Phú Nhuận) - một cơ sở biệt động đổi đô-la Mỹ phục vụ cách mạng. Đó là Hầm Tư lệnh Quân khu Sài Gòn - Gia Định tại ấp Tháp, Củ Chi. Đó là nơi làm nội thất Dinh Độc Lập, Toà Đại sứ, USOM Mỹ... tại 145 Trần Quang Khải, Quận 1, 113A Đặng Dung và 2 biệt thự 6 – 8 Nguyễn Thị Huỳnh. Đó là Nhà Nệm và Hiệu Vàng Phú Xuân 296 – 298, Hai Bà Trưng, Quận 1. Đó là Khu căn cứ Hội đồng Sầm, Đức Huệ, Long An nơi thành lập Tiểu đoàn Quyết tử 950, tiền thân của Biệt động Sài Gòn. Đặc biệt, ông Bình đã sưu tầm được gần 10.000 hiện vật, trong đó có cả máy bay trực thăng, xe ô tô, xe máy cùng nhiều vũ khí quân dụng... Mà theo ông chia sẻ, chỉ cần tìm được một chiếc xe ô tô, một khẩu súng... đã là một câu chuyện trường kỳ đầy gian khó. Chuyện mua lại những chiếc ô tô Ông Bình kể, sau mỗi chuyến xe bí mật chở vũ khí, tài liệu và cán bộ ra vào hoạt động nội thành nhằm tránh việc bị lộ, cha anh - ông Trần Văn Lai phải liên tục chuyển đổi các xe ô tô, vì khi đó, xe đã bị ghi số, ghi hình ở các trạm gác cửa ngõ Sài Gòn... Vì vậy, khi đi tìm lại, ông phải lặn lội tới các địa phương, các tỉnh, thành phố, quận, huyện, phường, xã trong rất nhiều năm, nhiều lần để tìm ra những người đang sở hữu những chiếc xe ô tô của cha ngày xưa. Không ít người lần đầu không tiếp, có người còn mắng là khùng, là điên, làm chuyện không tưởng, có người lại ra giá rất cao để người mua bỏ cuộc. “Vì họ chưa hiểu, nên tôi kiên trì tới nhiều lần, trình bày nguồn gốc lịch sử của chiếc xe. Mọi người dần nhận ra, đã đổi từ ghét sang quý, hiểu được ý nghĩa lịch sử của chiếc xe, đã bán cho tôi với giá rẻ hơn, thậm chí có người còn tặng lại. Cũng có người trở thành anh em hỗ trợ tôi đi tìm kỷ vật của Biệt động Sài Gòn. Cứ thế, tôi đã mua lại mấy chục chiếc xe cổ của cha để tặng lại bảo tàng trong cả nước”, ông Bình kể lại. Khó nhất vẫn là chuyện mua lại những căn nhà biệt động, để mua được căn nhà từng chứa hầm vũ khí, cơ sở cách mạng, tôi phải kiên trì thương lượng, làm việc với nhiều đối tượng do căn nhà đã bị đem bán đi bán lại hoặc cầm cố, có nơi, nếu tôi không xử lý kịp chỉ chậm một chút di tích đã bị san bằng rồi. Chuyện mua 2 căn biệt thự số 6 - 8 Hai căn nhà biệt thự số 6 -8 Nguyễn Thị Huỳnh (phường 8, quận Phú Nhuận), trước có địa chỉ là 33/5, Lăng Phú Thành, sau nữa đổi thành 6-8, Tự Đức. Thời kỳ chính quyền Sài Gòn, nhà và đất là của bố mẹ ông. Với danh nghĩa là nhà thầukhoán Dinh Độc Lập dùng làm nơi sản xuất tranh kiệt, bàn ghế, nệm, các loại màn trang trí nội thất… phục vụ trong Dinh. Nhưng đằng sau một công xưởng rộn ràng là căn cứ bí mật để cất giấu, vận chuyển tài liệu, quân lương và cả các chiến sỹ của ta, những cán bộ cao cấp và chiến sỹ Biệt động Sài Gòn. Đặc biệt, năm 1964, Anh hùng Trần Văn Lai cùng vợ là bà Phạm Thị Phan Chính đã đứng ra bảo lãnh cho đồng chí Phan Trọng Bình và Phạm Quốc Sắc, là 2 trong 6 cán bộ tù chính trị, kiên trung với Đảng, cách mạng được tôn vinh là “6 ngôi sao sáng” trong “địa ngục trần gian”, được trả về từ nhà tù Côn Đảo. Với danh nghĩa là bà con của bà Phạm Thị Phan Chính, 2 cán bộ tù chính trị của ta được đưa về Sài Gòn an toàn và đăng ký tạm trú tại 2 căn biệt thự số 6 - 8, Tự Đức trên. Song chỉ một thời gian ngắn, Quân khu Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định đã ra lệnh rút 2 cán bộ cựu tù cấp cao ra chiến khu. Đây cũng chính là cơ hội để chính quyền Mỹ - ngụy phát hiện sự “biến mất” của 2 tù nhân “đặc biệt” vừa được bảo lãnh và ngay lập tức chúng bắt bà Phạm Thị Phan Chính để tra khảo. Bọn địch dùng nhiều thủ đoạn tra tấn dã man, nhưng má Chính kiên quyết không khai, mà chỉ một mực là đã bảo lãnh cho 2 người anh họ, một mang họ Phạm (Phạm Quốc Sắc) và một mang họ Phan (Phan Trọng Bình) đúng như trong họ tên của má Phạm Thị Phan Chính. Không khai thác được gì, địch buộc phải thả bà Chính. Song với di chứng nặng nề của những trận đòn tra tấn dã man, một thời gian ngắn sau đó, ngày 30/9/1964, bà Phạm Thị Phan Chính đã hy sinh (bà được công nhận liệt sỹ năm 1984 và đang tiếp tục được đề nghị danh hiệu Anh hùng). Đây cũng là giá trị lịch sử hiếm có của ngôi nhà trong hệ thống Bảo tàng Biệt động Sài Gòn. Đặc biệt nữa, năm 1965, Quân khu đã chỉ thị gia đình ông Bình bán 2 căn biệt thự trên cùng một số tài sản khác của gia đình để gửi 800.000 đồng vào nhà băng nước ngoài để cho cán bộ rút dần ra khi cần phục vụ công cuộc chiến đấu của biệt động. Từ đó 2 căn biệt thự 6-8 Nguyễn Thị Huỳnh đã được chuyển qua nhiều đời chủ, nhưng vẫn không sửa chữa hay xây cất mới, tất cả đều được giữ nguyên hiện trạng. Ông Trần Vũ Bình cho biết, cách đây hơn 20 năm, ông đã tìm được 2 căn biệt thự trên của gia đình. Với ước nguyện gìn giữ 2 ngôi biệt thự gắn liền với một giai đoạn hào hùng của dân tộc, của Anh hùng Trần Văn Lai cũng như của lực lượng Biệt động Sài Gòn, ông Bình đã đặt vấn đề được mua lại căn nhà huyền thoại trên. Nhưng chủ căn nhà đã bán cho 1 người khác mà không phải là anh. Thế rồi, cuối tháng 3/2020, căn nhà bị đập bỏ, đồ vật trong biệt thự đã được đem đi bán. Nghe tin dữ, ông Bình tức tốc chạy đến, ông như chết lặng trước mất mát mà với ông là quá lớn. Không từ bỏ ý định, bằng mọi cách ông Bình liên lạc với chủ mới của 2 căn biệt thự. Một lần nữa, lịch sử lại thách thức lòng quyết tâm của người con Biệt động Sài Gòn. Khi người chủ thực sự của 2 căn biệt thự đang sinh sống ở nước ngoài nên việc chuyển nhượng càng phức tạp, khó khăn hơn. Nhưng như linh cảm của ông sau khi nghe câu chuyện cảm động về lịch sử hai căn biệt thự và mục đích mua lại, chủ mới căn nhà đã lập tức bay về Việt Nam và đã nhất trí chuyển nhượng để ông Bình bổ sung vào hệ thống tour du lịch Biệt động Sài Gòn. Để có tiền mua lại 2 ngôi biệt thự trên, ông Bình đã phải vay mượn cầm cố nhà cửa, tài sản của bản thân cùng gia đình. Giữa những ngày tháng 4 rực lửa chuẩn bị 45 năm Ngày Giải phóng niềm Nam thống nhất đất nước, ông Trần Vũ Bình vui mừng cho biết: “Không bao lâu nữa, ngôi nhà biệt thự số 6-8, Nguyễn Thị Huỳnh (phường 8, quận Phú Nhuận, TP.HCM), “nhà xưởng” chuyên sản xuất tất cả các vật dụng, trang thiết bị để bày trí tại Dinh sẽ được phục dựng lại toàn bộ với hiện trạng như vốn có trước đây hơn nửa thế kỷ, để trường tồn cùng Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Dinh Độc Lập, trường tồn cùng hình ảnh người cha - Anh hùng Biệt động huyền thoại, trường tồn cùng mối tình sâu nặng của 2 chiến sĩ biệt động anh hùng”. “Biệt động Sài Gòn là một lực lượng vũ trang đặc biệt không chỉ trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của dân tộc, mà còn so với các lực lượng vũ trang trên thế giới. Biệt động Sài Gòn hoạt động bí mật âm thầm ngay giữa sào huyệt địch và đã tạo ra những trận đánh sấm sét làm khiếp đảm quân thù, điển hình như cuộc Tổng tiến công nổi dậy Mậu Thân 1968. Có những câu chuyện về quá trình hoạt động mà cha cũng như các cô, chú biệt động đã “sống để bụng, chết mang theo”, nên để hiểu rõ, hiểu đúng những sự hy sinh, cống hiến của Biệt động Sài Gòn là điều không dễ. Chính vì thế mà cần phải tiếp tục sưu tầm, bảo quản, gìn giữ, nghiên cứu, tìm hiểu, để Biệt động Sài Gòn sống mãi trong lịch sử oai hùng của dân tộc Việt Nam”, ông Trần Vũ Bình khẳng định. |