Ngày 24-3 hàng năm được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chọn là Ngày Thế giới phòng chống lao. Năm nay là năm thứ hai chủ đề “Đoàn kết để chấm dứt bệnh lao” được chọn và WHO sẽ tập trung vào các nỗ lực đoàn kết nhằm “không để một ai bị bỏ lại phía sau” bao gồm các hành động để giải quyết tình trạng kỳ thị, phân biệt đối xử, cách ly xã hội và vượt qua những rào cản để tiếp cận chăm sóc. Hưởng ứng Ngày Thế giới phòng chống lao, tại Bình Dương cũng diễn ra nhiều hoạt động truyền thông nhằm nâng cao kiến thức của cộng đồng về bệnh lao để cùng nhau chung tay đẩy lùi… Theo số liệu thống kê, Việt Nam hiện đứng thứ 14 trong tổng số 30 nước có số bệnh nhân lao cao nhất trên thế giới và đứng thứ 11 trong 30 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất thế giới. Mỗi năm, có khoảng 130.000 người mắc bệnh lao mới, trong đó có 7.000 người đồng nhiễm lao/HIV, 5.000 người mắc lao kháng đa thuốc. Số mắc lao phổi chiếm hơn một nửa và đây là nguồn lây chính. Theo báo cáo của WHO, điều đáng quan tâm là chỉ có 79% số người mắc được phát hiện, tư vấn, điều trị và quản lý, còn 21% vẫn tồn tại trong cộng đồng mà không được điều trị, khống chế nguồn lây. Bệnh lao phải được điều trị đúng phác đồ và đúng lịch. Trong ảnh: Bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh thăm khám cho bệnh nhân Trong những năm qua, chương trình phòng chống lao tại Bình Dương luôn được quan tâm với nhiều hoạt động sàng lọc phát hiện, chẩn đoán, điều trị bệnh lao miễn phí cho mọi đối tượng. Bác sĩ (BS) Lê Thị Tồn, Trưởng khoa lao, Trung tâm Phòng chống bệnh xã hội tỉnh cho biết, năm 2016 toàn tỉnh phát hiện 2.690 bệnh nhân lao, có 1.878 người mắc lao phổi mới (tăng 3% so với cùng kỳ), 265 mắc lao tái trị, 80 bệnh nhân đồng nhiễm lao/HIV, đặc biệt có 60 bệnh nhân được phát hiện là lao kháng đa thuốc. Để phát hiện một người có mắc bệnh lao hay không chỉ cần xét nghiệm đàm. Tuy nhiên, số người có dấu hiệu nghi lao xét nghiệm đàm còn thấp, chỉ chiếm 0,7% dân số; trong khi đó, mục tiêu chương trình chống lao quốc gia đặt ra là 1% dân số. BS Tồn cho rằng, điều này là do hiểu biết của người dân về bệnh lao và cách phòng chống lao còn hạn chế, xã hội còn kỳ thị người bệnh lao dẫn đến người bị bệnh thường giấu bệnh. Mặt khác, đa số bệnh nhân lao đều là người nghèo, điều kiện kinh tế khó khăn, ít được tiếp cận kiến thức về sự nguy hiểm của bệnh lao nên chưa ý thức phòng chống để hạn chế lây lan bệnh ra cộng đồng.Lao là một bệnh lây nhiễm. Việc điều trị bệnh lao rất tốn kém. Đặc biệt với lao kháng thuốc, thời gian điều trị bệnh nhiều gấp 3 lần, kinh phí điều trị cao gấp 10 lần. Do đó, BS Tồn khuyên rằng, những người nghi ngờ mắc bệnh lao hãy đến cơ sở y tế gần nhất để xét nghiệm đàm nhằm phát hiện và điều trị kịp thời, tránh lây lan trong cộng đồng. Đối với những người mắc bệnh, việc tuân thủ nguyên tắc “đúng - đủ - đều” rất quan trọng. Bệnh nhân phải được điều trị đúng phác đồ, đủ liều và đều đặn theo lịch mà BS chỉ định. Bởi nếu không sẽ rất khó lành bệnh và dễ mắc lao kháng thuốc, lúc đó việc điều trị sẽ trở nên khó khăn hơn rất nhiều.
“Chiến dịch truyền thông trong đợt này được tổ chức đồng bộ, gồm xe truyền thông khắp 9 huyện, thị, thành phố; treo băng rôn; phát thanh trên loa đài; tổ chức hội thảo truyền thông về phòng chống lao; nhân viên y tế thôn bản vãng gia; phối hợp cùng các đơn vị truyền thông tuyên truyền kiến thức về phòng chống lao. Hy vọng, với sự chung tay, góp sức của toàn xã hội, bệnh lao sẽ dần dần được đẩy lùi tại tỉnh Bình Dương”.(BS Lê Thị Tồn, Trưởng khoa lao, Trung tâm Phòng chống bệnh xã hội tỉnh) |