Đêm 31/12, tại khu vực Quảng trường Trung tâm Hội nghị tỉnh, Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 20 năm tái lập tỉnh (1/1/1997-1/1/2017). Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, nguyên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cùng các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo địa phương trong khu vực và hơn 2.000 người dân tham dự.
Ngày 6/11/1996, tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khoá IX đã ban hành Quyết định về việc phân định ranh giới hành chính, tỉnh Minh Hải được tách thành 2 tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu. Kể từ ngày 1/1/1997, tỉnh Cà Mau chính thức được tái lập, hoạt động theo đơn vị hành chính cấp tỉnh. Đến 14/4/1999, thị xã Cà Mau được nâng lên thành phố trực thuộc tỉnh.
Sau 20 năm tái lập tỉnh, cùng với sự cố gắng, nỗ lực trên tinh thần đoàn kết, sáng tạo, nắm bắt thời cơ, vượt qua khó khăn, thách thức, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Cà Mau đã đạt nhiều thành tựu nổi bật trên các lĩnh vực.
Kinh tế của Cà Mau tăng trưởng nhanh, tổng sản phẩm trong tỉnh tăng 4,93 lần, tốc độ tăng trưởng bình quân 8,3%/năm. Thu nhập bình quân đầu người năm 2016 đạt 37,7 triệu đồng, tăng gần 10 lần so với năm 1997.
Một tiết mục trong chương trình văn nghệ tại buổi lễ kỷ niệm 20 năm tái lập tỉnh Cà Mau. Ảnh Khánh Phương
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch nhanh, đúng hướng. Từ cơ cấu nông nghiệp trên 63%, công nghiệp 17%, dịch vụ 19% (năm 1997), đến cuối năm 2016 cơ cấu nông nghiệp chỉ còn 28,4%, công nghiệp tăng lên 29,3%, dịch vụ tăng lên 38,4% và thuế nhập khẩu, thuế sản phẩm 3,9% (chỉ tiêu này mới tách ra từ năm 2016).
Thu ngân sách năm 2016 đạt hơn 4.300 tỷ đồng, tăng gần 11 lần so với năm 1997. Thị trường xuất khẩu được mở rộng, đến nay sản phẩm thủy sản của tỉnh đã xuất khẩu sang 40 nước và quan hệ thường xuyên với trên 100 khách hàng thuộc các nước trên thế giới.
Kim ngạch xuất khẩu năm 2016 đạt trên 1 tỷ USD, tăng 7,7 lần so với năm 1997. Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau, Vườn Quốc gia U Minh Hạ và rừng phòng hộ biển Tây đã được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển của thế giới, trong đó Vườn quốc gia Mũi Cà Mau đã được công nhận là khu Ramsar của thế giới vào năm 2013.
Năng lực sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh có sự phát triển vượt bậc, nhiều dự án công nghiệp lớn đã và đang được đầu tư, đặc biệt là cụm công nghiệp khí - điện - đạm Cà Mau. Từ địa phương có nền kinh tế chủ yếu là nông nghiệp, tỉnh Cà Mau đã vươn lên trở thành một trong những tỉnh có giá trị sản xuất công nghiệp cao.
Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được tập trung đầu tư, có bước tiến rất quan trọng, nhất là hạ tầng giao thông, thuỷ lợi, điện, trường học, y tế, hạ tầng đô thị... Đến nay, Cà Mau đã và đang hình thành 4 tuyến giao thông đối ngoại và đã có sân bay nội địa.
Từ chỗ đường giao thông đường bộ chỉ tập trung trong nội ô TP Cà Mau, nay có 12.473 km đường mở rộng ra toàn tỉnh (78/82 xã có đường ô-tô về đến trung tâm); trong đó gần 11.000 km đường bê-tông nông thôn.
Đặc biệt, năm 2009, tỉnh chủ trương đầu tư, xây dựng 1.588 cây cầu giao thông nông thôn bằng nguồn vốn vận động xã hội hóa, tạo điều kiện thuận lợi trong việc đi lại, mua bán, trao đổi, vận chuyển hàng hoá của Nhân dân.
“Cà Mau ngày nay không còn cách trở như 20 năm trước, mà đã được nối liền với các tỉnh trong khu vực và cả nước bằng đường bộ, đường không, đường sông, đường biển”, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải khẳng định.
Chương trình xây dựng nông thôn mới được Nhân dân tích cực hưởng ứng. Đến nay, bình quân các xã đạt khoảng 12,5/19 tiêu chí; đến cuối năm 2016 có 20 xã đạt chuẩn nông thôn mới, bằng 24% số xã trong tỉnh. Các chính sách về an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, chăm lo cho người có công, người nghèo... được thực hiện kịp thời, đạt kết quả. Giảm nghèo hằng năm đạt 1,5%, nếu như năm 1999 toàn tỉnh có 28% hộ nghèo thì nay chỉ còn 7,94% (theo chuẩn nghèo đa chiều).
TP Cà Mau, từ 1 thị xã nhỏ của những năm đầu chia tách, đến nay đã trở thành thành phố loại 2; đang phấn đấu được công nhận là TP đô thị loại 1 vào năm 2020.
Ghi nhận và biểu dương sự nỗ lực phấn đấu, những kết quả đóng góp to lớn của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Cà Mau vào thành tựu chung của cả nước trong 20 năm qua, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh: "Là một tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm của ĐBSCL và các tỉnh ven biển phía Nam, Cà Mau cần phát huy tinh thần năng động, sáng tạo, phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực trong và ngoài tỉnh để tạo ra những đột phá nhằm phát triển kinh tế nhanh, toàn diện và bền vững".
Trên tinh thần đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị trong thời gian tới Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Cà Mau cần tập trung một số nội dung: tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách tư pháp nhằm xây dựng bộ máy chính quyền hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế. Tăng cường cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp phát triển.
Cần có giải pháp nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); từng bước cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng phát triển các lĩnh vực có giá trị gia tăng cao, gắn với đảm bảo môi trường và phát triển bền vững. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với xây dựng nông thôn mới.
Tăng cường liên kết vùng, phát huy lợi thế nhằm tối ưu hoá nguồn lực trong phát triển, tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất, chuỗi giá trị. Cùng với đó, Cà Mau hợp tác với các địa phương trong tứ giác trọng điểm (Cà Mau – Kiên Giang – An Giang – Cần Thơ) phát triển chuỗi đô thị, công nghiệp và dịch vụ trên cơ sở khai thác lợi thế các tuyến vành đai và hành lang ven biển phía Nam; lộ xuyên Á; đê biển Tây.
Tập trung làm tốt công tác xây dựng Đảng, chính quyền và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh theo tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng và triển khai thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết của Hội nghị Trung ương 4 (khoá XII), nhất là về xây dựng chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, trong nội bộ và thực hiện tốt Chỉ thị số 05 của Bộ chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Trước đó, sáng ngày 31/12, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã có chuyến thăm dân cư khu vực xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển. Tại đây, ngoài thăm, tặng quà cho người dân, gia đình cách mạng và học sinh có hoàn cảnh khó khăn, Chủ tịch Quốc hội còn thăm hỏi, động viên cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Rạch Gốc.
Cùng ngày, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đến thăm và tặng quà Mẹ Việt Nam anh hùng Hồng Thị Trà, Phường 2 và Mẹ Việt Nam Anh hùng Võ Thị Tường, Phường 8, TP Cà Mau.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thăm và tặng quà Mẹ Việt Nam anh hùng Hồng Thị Trà, phường 2, TP Cà Mau. Ảnh Khánh Phương
Cũng trong sáng ngày 31/12, Chủ tịch Quốc hội cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đến dâng hương Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Khu tưởng niệm Bác./.