发布时间:2025-01-10 11:02:53 来源:88Point 作者:Cúp C1
Thức thật sớm, bà Cao Thị Dung (73 tuổi, Ấp 5, xã Khánh Bình Đông, huyện Trần Văn Thời) chuẩn bị tươm tất để đón đoàn cựu học sinh miền Nam đến khánh thành cầu giao thông mang tên “Học sinh miền Nam - Vĩnh Phú 3”. Cây cầu được xây dựng từ sự sẻ chia của những cựu học sinh miền Nam với mong muốn góp phần xoá cầu khỉ ở vùng nông thôn.
Cựu học sinh miền Nam cắt băng khánh thành cầu “Học sinh miền Nam - Vĩnh Phú 3” tại Ấp 5, xã Khánh Bình Đông, huyện Trần Văn Thời. |
“Tôi sống ở đây hơn 60 năm rồi, xóm không lộ, không cầu nên tụi tôi hay gọi tên “xóm vắng”, kêu riết thành danh luôn. Nhà tôi là căn nhà tình đồng đội, bên kia sông, mỗi lần muốn qua bên này phải bơi xuồng. Giờ được hỗ trợ xây dựng cây cầu, có cả bóng đèn năng lượng, tối đến thì sáng trưng, bà con trong xóm ai cũng nức lòng. Ngày thông cầu không chỉ có mình tui vui vậy đâu nghen cô, cả xóm với mấy chục con người từ già tới trẻ đều cười thiệt là tươi luôn”, bà Dung chia sẻ.
Cây cầu mang tên “Học sinh miền Nam - Vĩnh Phú 3” trở thành tài sản lớn của 6 nóc nhà trong "xóm vắng", tài sản chung mà họ đã được các thành viên cựu học sinh miền Nam trao tặng với cả tình cảm trân quý, yêu thương. “Có cầu, bà con qua lại thăm nhau cũng dễ, tụi nhỏ đến trường cũng nhanh, tình làng nghĩa xóm càng thêm thắt chặt”, ông Nguyễn Văn Cứng, Trưởng Ấp 5, phấn khởi.
Hầu hết các cô chú cựu học sinh miền Nam đều đã cao tuổi, sức khoẻ giảm sút, những bước chân không còn nhanh nhẹn, khi bước xuống xuồng hay lên bờ, lên cầu đều phải nắm tay nhau, đỡ nâng nhau. Ấy vậy mà mỗi khi có cây cầu giao thông nào hoàn thành, các cô, chú lại cùng nhau về thăm, sẻ chia niềm vui với bà con địa phương.
Ngoài đóng góp xây dựng cầu nông thôn, cựu học sinh miền Nam còn hỗ trợ xe đạp cho học sinh bớt khó khăn khi đến trường. |
Chú Phan Trọng Nghĩa phân trần, những chuyến đi như thế này là dịp để các cô, các chú “ôn nghèo nhớ khổ”. Bởi chính các cô, chú là những người đã trải qua nhiều khó khăn, gian khổ nên sau khi về hưu, mỗi người đều muốn đóng góp để cùng với các địa phương chung tay thực hiện phong trào “xoá cầu khỉ”. Những cây cầu được xây dựng từ tiền lương hưu, trị giá không nhiều nhưng khi nhìn người dân, nhất là các cháu học sinh bớt khó khăn khi đến trường, càng làm động lực để cựu học sinh miền Nam tiếp tục đi, tiếp tục vận động “nối nhịp đường quê”.
Ông Trần Xuân Quýt, 72 tuổi, ấp Kinh Dớn, xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời, chia sẻ, trước đây, khi chưa có cầu, mỗi lần đi đâu phải đưa rước, vất vả lắm. Giờ có cây cầu bê-tông bắc ngang sông do cựu học sinh miền Nam xây tặng, bà con vui mừng biết bao, bởi giao thông thuận tiện, tình làng nghĩa xóm thêm gần gũi.
Vừa là cựu học sinh miền Nam, vừa là người con Cà Mau, với bà Châu Nhật Sinh, việc vận động các cựu học sinh miền Nam, các mạnh thường quân giúp địa phương xây dựng cầu nông thôn, tặng xe đạp cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn như là việc làm tri ân của người con xa quê. Bà bảo, bản thân bà và các cựu học sinh miền Nam đi thực tế, cũng như qua các phương tiện thông tin đại chúng thấy người dân Cà Mau vẫn còn rất nhiều khó khăn. Thiếu cầu, lộ nên việc đi lại, làm ăn, học hành của người dân còn nhiều khó khăn, vất vả. Thời gian qua, cựu học sinh miền Nam đã hỗ trợ xây dựng được 7 cây cầu nông thôn. Thế nhưng, thực tế nhiều nơi người dân vẫn còn chia cắt bởi thiếu cầu, thiếu lộ.
“Nhiều bàn tay vỗ sẽ có tiếng kêu lớn, cựu học sinh miền Nam mong muốn nhận thêm nhiều sự hỗ trợ, chung tay đóng góp của những mạnh thường quân, các nhà hảo tâm để cùng nhau xây nên những nhịp cầu mơ ước, chung nhau nối nhịp đường quê”, bà Châu Nhật Sinh chia sẻ.
Mỗi cây cầu được khánh thành, cựu học sinh miền Nam lại có mặt, dắt tay nhau đi qua, vừa như cảm nhận niềm vui của cả người cho và người nhận. Với họ, khi yêu thương đong đầy thì khó khăn nào, trở ngại nào tình thương cũng sẽ đến được với tình thương./.
Thanh Phương
相关文章
随便看看