BP - Chưa năm nào người trồng quýt đường lại gặp khó khăn như hiện nay: Giá sụt giảm liên tục,đạihạca huracan vs sâu bệnh hoành hành, giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tăng cao… Các vườn quýt ở huyện Đồng Phú đang vào vụ thu hoạch chính, tuy nhiên thương lái đến thu mua chỉ từ 8-10 ngàn đồng/kg. Một số hộ giữ lại trái trên cây chờ được giá mới thu hoạch, trong khi nhiều hộ chấp nhận bán với giá thua lỗ.
Quýt liên tục rớt giá
Mấy ngày qua, anh Nguyễn Văn Sạn ở ấp Bàu Cây Me, xã Thuận Phú (Đồng Phú) đứng ngồi không yên vì hơn 2,5 ha quýt của gia đình với khoảng 25 tấn trái đã đến ngày thu hoạch, nhưng việc bán gặp nhiều khó khăn là do thương lái trả giá quá thấp. Anh Sạn cho biết, thương lái đã vào vườn xem quýt và chỉ đưa ra giá 10 ngàn đồng/kg. Với giá này thì người trồng thua lỗ. Hiện gia đình anh chỉ bán một ít, còn lại cố giữ trái trên cây chờ giá nhích lên. “Nếu chờ một thời gian mà không được giá cũng phải bán thôi, vì đến lúc đó quýt chín quá rồi. Chi phí đầu tư cho cây quýt rất lớn, nếu giá như thế này tiếp tục kéo dài thì người trồng quýt không biết có thể gắn bó với cây trồng này được nữa không? Trước dịch bệnh bùng phát trên cây quýt như hiện nay, để có được sản phẩm, nhà vườn phải đổ nhiều mồ hôi, công sức. Đến ngày thu hoạch, mong bán được giá để phần nào bù đắp, nhưng ai ngờ giá quá thấp” - anh Sạn cho biết.
Vườn quýt của hộ chị Nguyễn Thị Thành, ấp Đồng Chắc, xã Tân Hòa đã chín vàng và bị rụng quá nửa vì cố neo trái trên cây chờ giá tăng
Điều mà nông dân lo lắng là dù giá quýt đã xuống rất thấp nhưng rất ít thương lái đến mua. Trong khi quýt đang vào chính vụ, chín đồng loạt, nếu bán không kịp trái sẽ hỏng. Trong lúc chờ giá bình ổn trở lại với hy vọng không bị thua lỗ, nhiều nhà vườn chọn cách neo trái chín trên cây như gia đình anh Sạn. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tình thế, vì loại trái này chậm thu hoạch chỉ 5-10 ngày thì rụng.
Như nhiều vườn quýt đường trên địa bàn, 1 ha quýt của hộ chị Nguyễn Thị Thanh ở ấp Đồng Chắc, xã Tân Hòa (Đồng Phú) bị rụng quá nửa, do neo trái chờ giá tăng. Đến nay, giá không tăng mà trái chín vàng rụng đầy gốc, chị Thanh đành bấm bụng gọi thương lái đến thu mua với giá 10 ngàn đồng/kg. Chị Thanh nói: “Gắn bó với cây quýt nhiều năm nay nhưng chưa vụ nào giá giảm chóng mặt và khó bán như vụ này. Chúng tôi đã tìm mọi cách khắc phục nhưng vẫn rất khó khăn, vì hằng năm đầu mối tiêu thụ vẫn chủ yếu dựa vào thương lái, chưa có doanh nghiệp nào đứng ra bao tiêu sản phẩm cho nông dân nên người trồng luôn thấp thỏm mỗi khi quýt vào vụ. Mặc dù giá xuống thấp nhưng thương lái thu mua số lượng cũng hạn chế, mỗi ngày chỉ lấy khoảng 3 tạ. Với sức mua và giá bán như thế này, chúng tôi chỉ biết ngậm đắng bán để vớt vát phần nào”.
Theo nhận định của thương lái, giá quýt đường năm nay khó tăng, bởi nhiều nơi đang vào cao điểm vụ thu hoạch, trúng mùa, sản lượng lớn, trong khi sức mua, tiêu thụ tại các chợ giảm. Từ đó dẫn đến tình trạng cung vượt cầu, hơn nữa quýt đường trong tỉnh gặp sự cạnh tranh của quýt từ miền Tây, tỉnh Đồng Nai lên. Chị Nguyễn Thị Kim Hồng, thương lái thu mua quýt cho hay: Từ tháng 5 đến nay, giá thu mua quýt đường giảm liên tục. Trước đây mỗi ngày, tôi mua 1-2 tấn nhưng hiện chỉ khoảng 5 tạ/ngày mà còn khó tiêu thụ. Mặc dù nhiều nhà vườn là khách quen gọi đến nhưng tôi cũng chỉ thu mua “nhỏ giọt” vì sợ ôm hàng mà không bán được.
Sâu bệnh và đầu ra sản phẩm
Thời gian gần đây, cây quýt đường liên tục bị nhiễm bệnh rồi chết, nay lại mất giá khiến nông dân gặp không ít khó khăn. Nhiều hộ trồng quýt do thu không đủ chi phí đã không tiếp tục đầu tư, chăm sóc nữa. Vì vậy, nhiều vườn quýt bị nhiễm bệnh, thối rễ, chết khô, có vườn đã chặt hạ để thay thế cây trồng khác.
Ông Lương Văn Toàn ở ấp 8, xã Tân Thành (Đồng Xoài) giới thiệu mô hình trồng quýt đường với lãnh đạo Hội Nông dân thị xã - Ảnh: K.Phụng
Dẫn chúng tôi ra vườn quýt hơn 2 ha 6 năm của gia đình, anh Hà Nam ở ấp Đồng Búa, xã Thuận Phú than thở: “Chẳng bù cho mấy năm trước, vườn quýt của gia đình tôi đẹp nhất nhì trong xã, cây nào cũng lên đều xanh tốt, ra trái bói đã thu được bạc triệu. Vài năm nay giá xuống thấp, gia đình không đủ chi phí để mua phân bón, xịt thuốc phòng bệnh đầy đủ nên dịch bệnh “nuốt” vườn quýt đến tan hoang thế này, chẳng còn thu được đồng nào”. Gia đình anh Nam cũng như các hộ dân ở Thuận Phú chủ yếu tập trung trồng tiêu, điều, nhãn, cà phê... nhưng khi thấy một vài hộ trong xã đưa giống quýt đường về trồng thử cho năng suất và hiệu quả cao thì cũng trồng theo. Từ đó gây khan hiếm cây giống, bà con phải mua cây giống trôi nổi ghép từ cây đã nhiễm bệnh nên vườn quýt bị phát bệnh từ giống mới mua về. Cùng chung tình trạng như hộ anh Nam, nhiều nhà vườn tại xã Tân Lập vừa phải chặt bỏ vườn quýt vì nhiễm bệnh và không còn đem lại giá trị kinh tế cao như trước nữa.
Hiện chi phí đầu tư cho 1 ha quýt dao động từ 60-80 triệu đồng, với giá bán hiện nay, nhiều nông dân bị thua lỗ, đặc biệt là những vườn quýt mới cho trái năm đầu tiên. Những năm trước, quýt đường là loại cây mang lại lợi nhuận cao cho người nông dân, được nhiều hộ chọn là cây trồng bền vững. Vấn đề hiện nay là cần quy hoạch lại diện tích hợp lý, áp dụng đồng bộ khoa học - kỹ thuật để nâng cao chất lượng sản phẩm cũng như tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm quýt đường để giúp nông dân tiếp tục sản xuất và phát triển cây quýt bền vững.
M. Hiền - C. Nhung