发布时间:2025-01-10 10:11:21 来源:88Point 作者:World Cup
Hộ nghèo chủ yếu tập trung tại cửa biển Công Nghiệp, không chỉ cách trở về đường đi, trăn trở về mưu sinh, học hành của con cái, bà con nơi đây còn đang loay hoay về tiền điện chia hơi đắt đỏ hằng tháng.
Nhiều trăn trở
Hiếm khi thấy người lạ ra xóm biển này, đang cặm cụi cho mấy con vịt ăn ngoài hiên nhưng bà Cương (Lê Kim Cương, ấp Tân Hải, thị trấn Cái Đôi Vàm, huyện Phú Tân) tranh thủ vào nhà để tiếp chuyện với khách. Nhà ở đầu ngã tư, hễ ra mé đầu sông là bà nhìn thấy biển. Đã gắn bó hơn chục năm vậy mà cuộc sống xem ra chẳng mấy gì khấm khá.
Ngư dân ấp Tân Hải, thị trấn Cái Đôi Vàm chuẩn bị cho chuyến ra khơi. |
Mấy năm trước, bà Cương được Nhà nước hỗ trợ 20 triệu đồng để cất nhà. Vì không có điều kiện làm ăn bài bản nên theo thời gian, ngôi nhà cũng xuống cấp, vách lá chỗ nguyên, chỗ hở để lọt từng vạt nắng. Gia đình bà Cương có 3 người con trai nhưng cả ba đều đã nghỉ học theo gia đình làm biển hay làm nghề phụ hồ.
Khi hỏi đến chuyện học hành của con em ở xóm này, bà cười và nói: “Ở ấp này kiếm đứa học cao thì hiếm chớ cỡ lớp 4, lớp 5 thì nhiều. Ấp không có trường, muốn học thì sang ấp Thanh Đạm 2. Lên cấp 2 thì phải ra thị trấn học, cách nhà gần 5 cây số. Xe cộ không có, nhà nghèo học cho biết chữ là được rồi. Nếu có vốn, vợ chồng tôi sẽ đi làm ăn, buôn bán chứ không bám víu cái nghề sống nhờ lộc biển vất vả và nguy hiểm này”.
Khác với gia đình bà Cương, dù gắn bó với cửa biển Công Nghiệp hơn 20 năm nay nhưng ông Trần Văn Be lại không biết đi ghe, đi biển vì cái bệnh say sóng. Căn nhà nằm gần cuối cùng cửa biển của ông Be đang sống còn tệ hơn nhiều nếu đem so với căn nhà của bà Cương.
Ông Be là dân phiêu bạc từ Bạc Liêu xuống đây lập nghiệp, buôn bán đồ biển, nhưng làm ăn bấp bênh. Ông bộc bạch: “Căn nhà này đúng nghĩa là nhà "Đại đoàn kết", vì nó được dựng lên từ tấm lòng của bà con chòm xóm, người thì cho tấm tol, cái cây, tàu lá. Ở đây tôi sống nhờ vào sự đùm bọc, giúp đỡ của bà con. Bây giờ hơn 80 tuổi, sức lao động không còn nên phải chịu cảnh nghèo. Chỉ mong trời đừng có dông gió lớn để cái nhà yên ổn”.
Đa số người sống ở ấp Tân Hải, thị trấn Cái Đôi Vàm là dân nơi khác xuống lập nghiệp nên đất sản xuất không nhiều, thậm chí có người đã gắn bó với vùng đất này trên 20 năm cũng chỉ mua được cái nền nhà. Tất cả trông chờ vào lộc của thiên nhiên, thế nhưng, khi sự hào phóng của thiên nhiên ngày càng có giới hạn, đời sống của họ càng khó khăn hơn. Điều đáng lo ngại chính là trong vòng mưu sinh luẩn quẩn mà nhiều thế hệ bỏ quên con chữ.
Mong mỏi nguồn điện
Cuộc sống của người dân ở cửa biển Công Nghiệp vốn đã hết sức khó khăn, nhà cửa tạm bợ lại thêm thiếu điện.
Anh Đinh Tấn Phát, ấp Tân Hải, thị trấn Cái Đôi Vàm, bộc bạch: “Để tiết kiệm được chi phí tiền điện, gia đình tôi không dám sử dụng nhiều thiết bị điện, chỉ có bóng đèn thắp sáng, cái ti-vi nhỏ, vậy mà mỗi tháng phải trả hơn 300.000 đồng. Dân ở đây đã vất vả với cuộc sống bám biển mà còn phải lo thêm nhiều chi phí, thật khổ. Có lẽ không riêng tôi mà đối với bà con ở xóm này, điều mong mỏi nhất chính là có một đường điện chính để sử dụng, giảm bớt chi phí dùng điện chia hơi”.
Theo ông Trần Văn Tuấn, Trưởng ấp Tân Hải, trước đây ấp có 207 hộ dân, nhưng thời gian gần đây do cuộc sống khó khăn, một số hộ bỏ đi nơi khác làm ăn, chỉ còn lại 189 hộ. Trong đó, chỉ có 70 hộ đang sử dụng đường điện chính, còn lại những hộ dân sống gần cửa biển sử dụng điện chia hơi. Đường điện kéo ngang sông, gần cửa biển lại hay có gió dông nên rất nguy hiểm. Nhiều lần tiếp xúc cử tri, bà con cũng đã đề xuất, xin kéo điện chính đảm bảo an toàn và giảm chi phí nhưng đến nay vẫn chưa có./.
Kim Chi
Ông Nguyễn Văn Kha, Phó chủ tịch thị trấn Cái Đôi Vàm, cho biết: “Người dân ấp Tân Hải chủ yếu sống dựa vào đánh bắt hải sản, đời sống còn rất khó khăn, có khu dân cư tập trung đông đồng bào dân tộc Khmer. Ngoài đánh bắt, ấp hiện có hơn 10 hộ nuôi ốc len trong rừng. Điều trăn trở nhất là tình trạng sử dụng điện chia hơi. Mong ngành chức năng sớm có giải pháp để bà con được sử dụng nguồn điện an toàn, giảm bớt chi phí”. |
相关文章
随便看看