Những thước phim quay chậm
Năm nay 95 tuổi,m ntỷ số bilbao hôm nay nhưng cụ Lê Văn Tân ở thôn 4, xã Minh Hưng, huyện Bù Đăng vẫn minh mẫn. Trò chuyện với chúng tôi về những năm tháng trực tiếp tham gia chiến đấu chống thực dân Pháp tại chiến trường Điện Biên Phủ, lật giở từng trang ký ức như những thước phim quay chậm, cụ Tân kể: Ngày 21-12-1952, khi đơn vị cụ - Trung đoàn 148, Quân khu Tây Bắc đang chiến đấu tại tỉnh Phongsaly (Lào) thì được lệnh rút về tăng cường cho Chiến dịch Điện Biên Phủ. Đơn vị mới về được hơn 1 tuần, thì tại bản Noong Nhai (xã Thanh Xương, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên), quân Pháp triển khai chuẩn bị cho cuộc chiến. Ban đầu chúng dùng máy bay thả những cuộn rơm xuống cánh đồng Mường Thanh để nghi binh, thăm dò quân ta, đồng thời dùng máy bay trực thăng lượn nhiều vòng quan sát, sau đó mới thả lương thực, vũ khí, lô cốt và cho quân nhảy dù xuống cánh đồng.
Cụ Lê Văn Tân (bên phải)
“Khoảng 7 giờ sáng hôm đó, đơn vị tôi nhận được lệnh của cấp trên là chuẩn bị bắn địch nhảy dù. Khi đó, tôi là Tiểu đội trưởng trinh sát nên đeo bộ đàm và nghe được lệnh chỉ huy trực tiếp của Trung đoàn trưởng. Theo lệnh của chỉ huy, cứ tên địch nào nhảy dù tiếp đất là bắn ngay. Do quân địch nhảy dù quá đông nên chúng tôi được lệnh rút ra hướng Bản Kéo ở phía Tây Bắc của tập đoàn cứ điểm, thuộc thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên, cách Noong Nhai khoảng 10km. Vì là đường rừng nên đơn vị được một cô gái dân tộc Thái dẫn đường” - cụ Tân hào hứng nhớ lại.
Thời điểm đó, cánh đồng Mường Thanh đã thu hoạch xong. Bà con dân bản đã quây lúa tròn thành từng cót lớn. Tuy nhiên, khi lính Pháp nhảy dù xuống thì cả bản phải rút chạy, bỏ lại tất cả. Sau khi ổn định tại bản Kéo, đơn vị cụ Tân nhận được lệnh phải đi lấy lương thực nhằm tránh bị quân Pháp đốt cháy. Một bộ phận ra bắn phá quấy rối địch, để một bộ phận khác cùng dân bản thu gom lúa.
“Tôi trực tiếp chỉ huy đội bắn quấy rối địch. Sau khi dùng ống nhòm quan sát và tính khoảng cách, chúng tôi tháo bớt thuốc trong quả đạn cối 81mm, nhắm vào nhiều vị trí khác nhau để không cho địch phát hiện vị trí của ta. Vì chỉ cần biết hướng bắn và bắn đạn gì thì địch cũng sẽ tính toán lại được khoảng cách và bắn trả” - cụ Tân kể. Sau thời gian đó, cuộc chiến đấu tại Điện Biên Phủ diễn ra ác liệt. Đơn vị của cụ được lệnh trở lại Phongsaly đánh chặn quân chi viện Pháp sang Việt Nam cho đến ngày Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng.
Chồng là lính thông tin, vợ là dân công hỏa tuyến
Tháng 10-1951, chàng thanh niên 22 tuổi Nguyễn Văn Sự (xã Trường Sơn, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa, hiện trú thôn 2, xã Minh Hưng, huyện Bù Đăng) được biên chế vào Cục Thông tin liên lạc, Bộ Tổng tham mưu. “Là chiến sĩ thông tin, nên công việc hằng ngày của tôi là chuyển điện, công văn, tài liệu... Quá trình đi công tác tại mặt trận Điện Biên Phủ, tôi thường xuyên phải đi bộ theo lối mòn, đường rừng, dốc đá. Một vai đeo tài liệu, vai khác đeo gạo và quân tư trang. Ban ngày, đi đường nếu gặp địch thì tìm cách tránh, tối đến phải leo lên cây ngủ. Tôi còn nhớ như in cái tết đầu tiên trong quân ngũ, tôi và 3 đồng chí cùng ăn 1 chiếc bánh chưng và mấy củ sắn luộc. Có thời gian công tác 6 tháng ròng rã trong rừng mới được ra đồng bằng. Ngày đó, thiếu thốn vô cùng nhưng ý chí chiến đấu không hề nao núng” - cụ Sự tự hào kể lại.
Cụ Nguyễn Văn Sự cùng vợ là cụ Lê Thị Xoang
Cụ Lê Thị Xoang (vợ cụ Sự) năm nay 86 tuổi, còn khỏe và minh mẫn. Nhớ lại quãng thời gian làm dân công hỏa tuyến tại chiến trường Điện Biên Phủ, cụ Xoang xúc động nói: “Ngày đó, xóm tôi (xóm 1, xã Quảng Trung, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa) có 3 chị em bằng tuổi nhau, cùng 20 tuổi, đi dân công hỏa tuyến, gồm tôi, chị Chát và chị Trước. Nhiệm vụ là mỗi người gánh 18kg gạo chuyển từ đơn vị này sang đơn vị khác. Gạo đựng trong bồ, bên ngoài bọc lá ngụy trang. Ban đêm cũng vẫn gánh để tiếp tế cho bộ đội. 3 chị em tôi luôn đi cùng nhau. Người ở giữa thì xách đèn dầu (đèn làm bằng chai) để cho cả người đi trước và người đi sau đều thấy đường. Khi bọn địch bắn pháo sáng thì chúng tôi núp xuống chiến hào, xong rồi lại gánh tiếp. Trong một lần đang gánh, chúng tôi bị trúng bom, tất cả đều bị đất đá đè lên người và chị Chát đã hy sinh. Một người mẹ đi dân công hỏa tuyến thay con gái ở tổ sát bên cũng bị thương. Khi Điện Biên Phủ được giải phóng, chúng tôi được xe ôtô chở về xã. Bà con dân làng đổ ra chào đón xúc động lắm”.
Nuôi tù binh làm công tác địch vận
Năm nay 83 tuổi nhưng cụ Phạm Xuân Bách ở thôn 4, xã Minh Hưng, huyện Bù Đăng vẫn nhớ rất rõ những năm tháng tuổi trẻ của mình, bởi chỉ trong 2 năm tham gia quân đội nhưng vào thời điểm rất đặc biệt. “Tháng 7-1953, khi nghe Huyện đội Duy Tiên, tỉnh Hà Nam (quê cụ Bách) thông báo tuyển quân chủ lực để bổ sung cho Chiến dịch Điện Biên Phủ thì tôi xung phong đi ngay.
Đã 66 năm trôi qua nhưng cụ Phạm Xuân Bách (ngoài cùng bên phải) vẫn nhớ rất rõ những năm tháng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ
Khi đó tôi mới 16 tuổi, người nhỏ thó. Đơn vị tôi được huấn luyện tại Thanh Hóa. Nhưng vừa huấn luyện xong thì Điện Biên Phủ giải phóng. Chúng tôi được biên chế sang Cục Địch vận cũng tại tỉnh Thanh Hóa. Đơn vị chuyên tiếp nhận tù binh Pháp và quân đồng minh. Nhiệm vụ hằng ngày của tôi là giúp việc cho chỉ huy khai thác thông tin địch, ghi chép sổ sách và làm công tác hậu cần. Sau Hiệp định Giơnevơ, ta trả tù binh cho Pháp tại Sầm Sơn. Đồng thời, ta cũng nhận lại cán bộ, chiến sĩ bị địch bắt để chăm sóc phục hồi sức khỏe. Không lâu sau đó thì tôi được xuất ngũ theo chủ trương của Đảng và Nhà nước giảm 8 vạn quân về quê làm kinh tế. Ngày đó, khí thế của cả dân tộc sôi sục, ai cũng mong muốn được góp sức để chiến đấu và chiến thắng kẻ thù”.
Toàn huyện Bù Đăng còn 21 hội viên cựu chiến binh tham gia kháng chiến chống Pháp. Hầu hết các cụ nay đã tuổi cao, sức yếu nhưng luôn là tấm gương sáng về lòng yêu nước. Hằng năm, chúng tôi đều tổ chức hội thi “Ông kể cháu nghe” và những câu chuyện về chiến thắng Điện Biên Phủ vẫn được các cụ kể lại cho học sinh một cách sinh động, hấp dẫn. Qua đó, góp phần tiếp tục bồi đắp, giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ sau. Ông Lê Xuân Hải, |