Ảnh minh họa. Trước đó, Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam cho biết, đơn vị này tồn khá nhiều bưu gửi chuyển đến các nước không phát được phải chuyển hoàn về Việt Nam và đối tác từ chối nhận lại bưu gửi. Bên cạnh đó, một số bưu gửi chứa hàng hóa nguy hiểm, cấm vận chuyển qua đường hàng không nên bị các hãng hàng không trả lại. Theo quy định tại Luật Bưu chính thì bưu gửi này được xem làm bưu gửi không có người nhận. Theo quy định tại Thông tư 49/2015/TT-BTC, việc xử lý hàng tồn đọng sẽ được thực hiện theo Thông tư 203/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính.
Tuy nhiên, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam đề nghị xử lý hàng hóa tồn đọng như theo quy định tại Thông tư liên tịch 18/2015/TTLT-BTTTT-BTC của Bộ Thông tin và truyền thông và Bộ Tài chính hướng dẫn xử lý bưu gửi không có người nhận thay vì Thông tư 203/2014/TT-BTC sẽ do Hội đồng xử lý.
Lý do được đơn vị này đưa ra là nếu xử lý theo Thông tư 203/2014/TT-BTC thì Hội đồng xử lý do cục hải quan tỉnh, thành phố làm chủ tịch và gồm nhiều thành viên khác như Sở Tài chính, bộ phận quản lý giá… nhưng theo Thông tư liên tịch 18/2015/TTLT-BTTTT-BTC thì Hội đồng xử lý do lãnh đạo DN làm chủ tịch và trường hợp cần thiết mời thàng viên như Sở Thông tin và Truyền thông, cơ quan có thẩm quyền như Hải quan….
Tuy nhiên, trước đề xuất của DN, Tổng cục Hải quan cho biết, tại điểm e khoản 2 Điều 9 Thông tư 49/2015/TT-BTC quy định thủ tục hải quan đối với thư, gói, kiện hàng hóa XK, NK gửi qua dịch vị bưu chính được chỉ định quy định: Trường hợp phát sinh hàng thu gom tồn đọng (nếu có): Thực hiện quy định tại Thông tư 203/2014/TT-BTC ngày 22/12/2014/của Bộ Tài chính hướng dẫn xử lý hàng tồn đọng thuộc địa bàn hoạt động hải quan.
Thông tư liên tịch 18/2015/TTLT-BTTTT-BTC của Bộ Thông tin và truyền thông và Bộ Tài chính hướng dẫn xử lý bưu gửi trong nước và quốc tế không có người nhận tại các DN cung ứng dịch vụ bưu chính.
Khoản 2 Điều 106 Luật quản lý, sử dụng tài sản công 2017 và khoản 2 Điều 3 Nghị định 29/2018/NĐ-CP quy định hàng hóa tồn đọng được lưu giữ tại khu vực cảng, kho, bãi thuộc địa bàn hoạt động hải quan theo quy định của pháp luật về hải quan là tài sản thuộc đối tượng được xác lập quyền sở hữu toàn dân.
Như vậy, việc xử lý các bưu gửi không có người nhận tại các DN cung ứng dịch vụ bưu chính hiện nay được điều chỉnh bởi Thông tư 203/2014/TT-BTC, Thông tư 18/2015/TTLT-BTTTT-BTC và Luật quản lý, sử dụng tài sản công 2017, Nghị 29/2018/NĐ-CP.
Tuy nhiên, theo quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 thì trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn.
Vì vậy, việc xử lý bưu gửi thu gom ngoài lãnh thổ đi quốc tế tồn đọng của Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam phải thực hiện theo đúng quy định của Luật quản lý, sử dụng tài sản công, Nghị 29/2018/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn. |