Lỗi thời quản lý tập trung kinh tế bằng thị phần? Tại Hội thảo 10 năm thực thi Luật Cạnh tranh do Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) tổ chức, bà Lê Thu Hương, Công ty Luật YKVM Việt Nam cho biết, trong quá trình thực thi Luật Cạnh tranh, doanh nghiệp này gặp không ít khó khăn, bất cập. “Một số quy định không được quy định rõ ràng nên việc thực hiện phụ thuộc vào những giải thích khác nhau của các luật sư dẫn đến một số rủi ro không lường trước”, bà Hương chia sẻ.
Cùng chung quan điểm trên, bà Nguyễn Bích Ngọc, Luật sư Công ty Luật Freshfields (chuyên tư vấn doanh nghiệp nước ngoài mua bán sáp nhập tại Việt Nam) cho hay, Luật Cạnh tranh quản lý về tập trung kinh tế thông qua thị phần nên đã nảy sinh nhiều vấn đề. Thị trường Việt Nam rất thiếu thông tin nên việc xác định thị phần của doanh nghiệp tham gia thị trường rất khó khăn. Theo quy định, nghĩa vụ xác định thị phần là của doanh nghiệp nên trước khi giao dịch xảy ra doanh nghiệp phải đi tìm hiểu thông tin và xác định thị phần các đối thủ tham gia cạnh tranh. Tuy nhiên, việc có được thông tin này rất khó khăn. “Về vấn đề thống kê, hiện chúng ta có Tổng cục Thống kê nhưng thống kê của đơn vị này không đi sát vào các thị trường”, bà Ngọc nói. Một khó khăn khác là, quy định hàng hóa thay thế trong Luật Cạnh tranh cũng là quy định gây khó khăn cho doanh nghiệp khi xác định thị phần, như thế nào là hàng hóa có thể thay thế được. Bà Ngọc cho hay: “Chúng ta có một số tiêu chí nhất định trong Luật Cạnh tranh để định nghĩa thế nào là hàng hóa thay thế được nhưng trên thực tế có nhiều cách nhìn về hàng hóa thay thế được giữa doanh nghiệp, cơ quan quản lý. Việc này dẫn tới quá trình thực thi gặp khó khăn cho cả doanh nghiệp và cơ quan quản lý”. Khó khăn thứ 3 được bà Ngọc nêu ra trong quá trình tư vấn doanh nghiệp là trước khi làm hồ sơ báo cáo tập trung kinh tế Công ty này gặp khó khăn tìm kiếm công ty nghiên cứu thị trường có đủ kinh nghiệm để hỗ trợ doanh nghiệp trong việc soạn thảo bản báo cáo tập trung kinh tế theo yêu cầu của Cục Quản lý cạnh tranh. Cơ hội để điều chỉnh Với 3 khó khăn trên, bà Ngọc đề xuất, nên chăng đi theo xu thế chung của các nước trên thế giới là các nước ngày càng không thích quản lý tập trung kinh tế bằng thị phần mà quản lý bằng doanh thu của doanh nghiệp sau tập trung kinh tế. Theo đó, sẽ đưa ra mức cụ thể như giá trị tài sản, doanh thu để quản lý nếu trên mức đó, phải có nghĩa vụ báo cáo tập trung kinh tế. Nếu quản lý bằng cách đó, doanh nghiệp sẽ dễ dàng hơn. “Các quốc gia đã làm như: Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Trung Quốc đều quản lý tập trung kinh tế bằng doanh thu và tài sản của doanh nghiệp”, bà Ngọc dẫn chứng. Còn theo ông Đoàn Tử Tích Phước, Giám đốc pháp lý và chính sách, Văn phòng đại diện Công ty Bower Group Asia tại Việt Nam, Luật Cạnh tranh có vai trò điều chỉnh quan trọng với doanh nghiệp trong suốt quá trình tồn tại hoạt động kinh doanh. Do đó việc hoàn thiện hệ thống pháp luật cạnh tranh tại Việt Nam là yêu cầu luôn phải quan tâm. Do đó, việc chưa thực thi pháp luật cạnh tranh đúng như mong muốn theo ông Phước không phải là vấn đề quá tiêu cực. Tuy nhiên, sau 10 năm thực thi Luật Cạnh tranh đã có những ý tưởng đề xuất xây dựng, sửa đổi Luật Cạnh tranh. Đây là cơ hội nhìn lại quá trình thực thi Luật và là thời điểm thuận lợi bởi đây là lúc Nhà nước nói nhiều đến cải cách, tái cơ cấu. Theo đó, cần hoàn thiện Luật Cạnh tranh cụ thể với quy định lạm dụng vị trí thống lĩnh, hoàn thiện một số quy định không phù hợp với thực tế như áp đặt giá bất hợp lý, bán hàng hoá với mức giá đủ để đối thủ cạnh tranh mới không thể gia nhập thị trường... Thêm nữa, ông Phước đề xuất, phần tập trung kinh tế cần được soạn thảo lại, cạnh tranh không lành mạnh cần tách khỏi Luật Cạnh tranh thành văn bản riêng hoặc đưa về lĩnh vực pháp luật có liên quan… |