7-8 tháng tuổi đã mắc sởi Ôm cậu con trai 8 tháng tuổi trong khu vực cách ly tại khoa Nhiễm - Thần kinh,ưađếntuổitiêmvắcxinđãmắcbệnhsởilongạichukỳdịchđếnhạnnăxhbd duc Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM, chị Đỗ Thị Lanh (24 tuổi, ngụ Trà Vinh) chia sẻ, bé bị tiêu chảy từ giữa tháng 5, điều trị nội trú 2 tuần tại khoa Tiêu hoá. Sau đó, bé được bác sĩ cho ra viện, về nhà chưa được 1 tuần, ngày 7/6 lên tái khám thì bé sốt nóng, sau đó nổi ban đỏ khắp người. Lập tức, bé được chuyển lên khoa Nhiễm - Thần kinh với chẩn đoán mắc sởi, biến chứng viêm phổi. Đáng lo ngại, bé chưa đủ 9 tháng tuổi để tiêm mũi 1 vắc xin ngừa sởi. Theo bác sĩ Dư Tuấn Quy, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, khoảng 1 tháng nay, khoa đã tiếp nhận 5 ca mắc sởi, chủ yếu đều biến chứng viêm phổi, trong đó có nhiều trẻ bị nặng trên nền bệnh teo đường mật bẩm sinh, xuất huyết giảm tiểu cầu. Ngoài bé 8 tháng tuổi, khoa cũng đã điều trị cho một trẻ 7 tháng tuổi mắc sởi biến chứng nặng có tiền căn viêm phổi nhiều lần. “Chúng tôi rất lo ngại vì các bệnh nhi chưa được tiêm ngừa vắc xin sởi do chưa đến tuổi hoặc phụ huynh chưa cho đi tiêm. Các bé rất dễ gặp nguy hiểm khi bị sởi tấn công” - bác sĩ Quy nói. Những tuần gần đây, Bệnh viện Nhi đồng TP tiếp nhận 25 ca sốt phát ban nghi sởi, tập trung ở trẻ từ 5 tháng đến 5 tuổi, chủ yếu từ các tỉnh khác chuyển đến. Cá biệt, có một trẻ bị bệnh lý tim bẩm sinh, mắc sốt phát ban nghi sởi đã tử vong. Còn tại Bệnh viện Nhi đồng 2, từ đầu tháng 6 đến nay ghi nhận 2 trường hợp nhập viện do sởi. Trong cộng đồng cũng đã xuất hiện 4 ca mắc sởi tại quận Bình Tân và huyện Hóc Môn. Các chuyên gia y tế lo ngại nguy cơ sởi lây lan rộng, nhất là 2024 là thời điểm của chu kỳ dịch sởi 5 năm/lần. Cần tiêm chủng cho cả trẻ em và người lớn Tính đến hết tháng 4, tỷ lệ tiêm đủ 2 mũi vắc xin ngừa sởi đối với trẻ trong độ tuổi tiêm chủng ở TPHCM chưa đạt 95% để có thể tạo miễn dịch cộng đồng. Nguyên nhân là do tình trạng gián đoạn cung ứng nhiều loại vắc xin thuộc Chương trình tiêm chủng mở rộng trong các năm 2022-2023. Bên cạnh đó, nhiều phụ huynh vẫn lơ là việc tiêm phòng cho trẻ. Hầu hết các ca mắc sởi đều chưa được tiêm vắc xin hoặc chưa tiêm đủ 2 mũi. Bà Lê Hồng Nga, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM cho biết, ngành y tế đang tích cực phối hợp với ngành giáo dục chủ động rà soát tình trạng tiêm chủng của trẻ, tập trung vào các nhóm trẻ gia đình để không bỏ sót trẻ chưa được tiêm chủng, hạn chế dịch bệnh lây lan. Bác sĩ Dư Tuấn Quy khuyến cáo, gia đình có trẻ mắc bệnh nền như tim bẩm sinh, suy dinh dưỡng, tiểu đường, bệnh huyết học… cần được tiêm phòng đầy đủ vì đây là nhóm nguy hiểm nếu bị sởi. Những trẻ dưới 9 tháng tuổi có thể mắc bệnh do lây từ người lớn hoặc không nhận được kháng thể từ mẹ. Vì thế, bác sĩ Quy khuyên các bà mẹ mang thai nên tiêm vắc xin ngừa sởi. Bên cạnh đó, người dân cần phòng bệnh bằng biện pháp đeo khẩu trang, vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, giữ môi trường thông thoáng, không tiếp xúc với người nghi mắc bệnh. Đến nay, sởi vẫn là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi, có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm như viêm phổi, mù lòa, tiêu chảy cấp, viêm não...
|