Nobel Hòa bình tôn vinh nỗ lực chống bạo lực tình dục chiến tranh | |
Chiến dịch quốc tế về bãi bỏ vũ khí hạt nhân đoạt Nobel Hòa bình | |
Giải Nobel Hòa bình 2016 cổ vũ tiến trình hòa đàm tại Colombia | |
Ai sẽ giành giải Nobel Hòa bình 2015?ảiNobelHòabìnhBấtngờđếnphútchólịch đấu |
Số người bị ảnh hưởng bởi nạn đói gia tăng do sự bùng phát dịch Covid-19. Ảnh: WFP. |
Bất ngờ đến phút chót
Theo đại diện Ủy ban Nobel Na Uy, Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) xứng đáng được vinh danh Giải Nobel Hòa bình vì những nỗ lực không mệt mỏi của tổ chức quốc tế này nhằm chống lại nạn đói và tạo điều kiện thúc đẩy hòa bình tại các khu vực xung đột.
Chủ tịch Ủy ban Nobel Na Uy Reiss-Andersen cho biết, cơ quan này lựa chọn WFP vì muốn “hướng sự chú ý của toàn thế giới vào hàng triệu con người đang chịu nạn đói hoặc đối mặt với mối đe dọa của nạn đói”. Bên cạnh đó, quyết định nói trên cũng là lời kêu gọi cộng đồng quốc tế gia tăng tài trợ cho Chương trình Lương thực thế giới để đảm bảo người dân không phải chịu nạn đói.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về tác động của dịch Covid-19 đến quyết định trao giải, bà Reiss-Andersen cho biết, ngay cả khi dịch bệnh không xảy ra thì WFP vẫn xứng đáng nhận giải thưởng vì những đóng góp to lớn của họ.
“Sự xuất hiện của Covid-19 cùng những thách thức mà dịch bệnh gây ra đã củng cố lý do để Ủy ban Nobel Na Uy lựa chọn WFP. Đại dịch đã khiến nhu cầu cần hỗ trợ lương thực gia tăng. Cho đến khi chúng ta có vaccine y tế, lương thực vẫn là liều vaccine hữu hiệu nhất chống lại mọi cuộc khủng hoảng”.
Theo quan chức này, đại dịch cũng nêu bật sự cần thiết phải thúc đẩy hợp tác đa phương khi khủng hoảng y tế đang diễn ra trên toàn cầu. Bà Reiss-Andersen khẳng định: “WFP đóng vai trò quan trọng trong hợp tác đa phương, giúp việc đảm bảo an ninh lương thực trở thành một công cụ của hòa bình. WFP cũng góp phần thúc đẩy tình đoàn kết giữa các quốc gia theo di nguyện của Alfred Nobel”.
“WFP là một tổ chức quan trọng của Liên Hợp Quốc – cơ quan có vai trò thiết yếu trong việc bảo vệ nhân quyền”, bà Reiss-Andersen nhấn mạnh. Ủy ban Nobel Na Uy cũng đánh giá cao nỗ lực của WFP ngăn việc “sử dụng nạn đói như một loại vũ khí của chiến tranh và xung đột”.
Sau khi giải thưởng được công bố, người đứng đầu Chương trình Lương thực thế giới David Beasley chia sẻ, ông vô cùng xúc động khi vinh dự này được trao cho WFP: “Đây là lần đầu tiên trong cuộc đời tôi cảm thấy xúc động không nói thành lời. Tôi rất bất ngờ và ngạc nhiên”.
“Đây là khoảnh khắc đáng tự hào. Năm nay chúng tôi đã hoàn thành vượt mức nhiệm vụ đề ra. Có thời điểm chúng tôi là “hãng hàng không lớn nhất thế giới” khi hầu hết các chuyến bay thương mại phải dừng hoạt động. Giải thưởng là thông điệp mạnh mẽ gửi đến thế giới rằng hòa bình và xóa sổ nạn đói luôn song hành cùng nhau”, người phát ngôn của WFP, ông Tomson Phiri bày tỏ trên trang Twitter cá nhân.
Đây là lần thứ 25, giải Nobel hòa bình được trao cho một tổ chức thay vì một cá nhân. Trước đó Ủy ban Nobel Na Uy đã xem xét 318 ứng viên, gồm 211 cá nhân và 107 tổ chức.
Trong số những nhân vật được cân nhắc trong cuộc trao giải năm nay có nhà hoạt động khí hậu Greta Thunberg, 17 tuổi người Thụy Điển, chính trị gia đối lập Nga Alexei Navalny – người đang hồi phục sức khỏe sau khi bị nghi trúng chất độc thần kinh và Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern – nhà lãnh đạo được khen ngợi vì có phản ứng sớm với dịch bệnh Covid-19, giúp hạn chế số ca tử vong và ca mắc tại quốc gia này. Tổ chức Y tế Thế giới (WTO) cũng nằm trong danh sách ứng cử viên với vai trò trong đối phó dịch bệnh Covid-19.
Đóng góp to lớn của WFP
WFP được thành lập vào năm 1961. Mỗi năm, tổ chức này cung cấp lương thực cho hơn 90 triệu người dân trên thế giới. Năm 2019, WFP đã cung cấp sự hỗ trợ cho gần 100 triệu người tại 88 quốc gia là nạn nhân của đói nghèo và tình trạng mất an ninh lương thực. Con số thống kê này tuy lớn nhưng cũng chỉ là một phần nhỏ so với nhu cầu thực tế của người dân trên thế giới.
WFP mới đây cảnh báo dịch Covid-19 có thể khiến số người bị mất an ninh lương thực khẩn cấp tăng gấp đôi từ 135 triệu người năm 2019 đến 265 triệu người năm 2020. Mặc dù xung đột và mất an ninh lương thực là hai yếu tố chính dẫn đến nạn đói, nhưng sự xuất hiện của Covid-19 đang làm giảm khả năng chống chịu của các cộng đồng bị ảnh hưởng.
Tại các quốc gia như Yemen, Nam Sudan và Nigeria, dịch Covid-19 cùng với tình trạng bạo lực và biến đổi khí hậu là nguyên nhân chính gây ra nạn đói. Ở Mỹ Latinh, Covid-19 đã gây ra cuộc suy thoái tồi tệ nhất trong một thế kỷ. Theo đánh giá của WFP, số lượng người bị ảnh hưởng do mất an ninh lương thực đã tăng 400%, từ 4,3 triệu người vào tháng 1/2020 lên đến hơn 17 triệu người vào tháng 8/2020. Con số này cho thấy những thách thức to lớn trong giải quyết hậu quả của dịch Covid-19 và nêu bật nhiệm vụ của WFO cũng như các đối tác trong việc tiếp tục gia tăng phản ứng ở quy mô lớn.
WFP đã hỗ trợ các chính phủ của 50 quốc gia thực hiện biện pháp bảo trợ xã hội để đối phó với cuộc khủng hoảng Covid-19, cung cấp dữ liệu quan trọng, hỗ trợ phân tích và hỗ trợ kỹ thuật để đánh giá nhu cầu, xác định mục tiêu, giám sát các chương trình phân phối lương thực. Với sự giúp đỡ của các nhà tài trợ, WFP đang mở rộng quy mô cung cấp tài chính để giảm thiểu tác động về kinh tế, xã hội của dịch Covid-19, trong đó có việc chuyển giao 1,15 tỷ USD cho các công dân và những cộng đồng dễ bị tổn thương tại 64 quốc gia có văn phòng của WFP tính từ tháng 1 đến tháng 8/2020. Các biện pháp khác mà tổ chức này đang triển khai bao gồm thúc đẩy thu mua hàng hóa tại các địa phương và điều chỉnh chương trình cung cấp bữa ăn học đường dành cho học sinh.