(CMO) Cụm từ “thực phẩm di động” không còn xa lạ với người dân Cà Mau. Đó là những xe hàng rong bán đủ loại thực phẩm cả ban ngày lẫn ban đêm. Các “hàng quán” di động này thu hút rất đông thực khách.
Trên nhiều tuyến đường đông dân cư ở địa bàn TP. Cà Mau vào buổi chiều tối không khó bắt gặp các món ăn vặt tại những "quán ăn" di động như bò viên chiên, bắp xào, khoai nướng, các loại thịt, hải sản nướng… Khách có thể ngồi "dã chiến" với vài chiếc ghế nhựa xung quanh hoặc mua mang về. Không chỉ lấn chiếm lòng lề đường, vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm là điều đáng quan tâm nhất đối với những "quán ăn" di động này, bởi thực phẩm tiếp xúc trực tiếp với khói bụi, nguồn gốc không đảm bảo.
Nuôi mầm bệnh mỗi ngày
Thực phẩm di động phong phú, ngon, giá rẻ... là những yếu tố khiến người tiêu dùng khó cầm lòng, nhất là với học sinh, sinh viên, công nhân, nhân viên văn phòng... Em Nguyễn Phước T, học sinh trường THPT Cà Mau, nói: “Sau giờ học thêm buổi tối, em và các bạn thường ăn cá viên, xúc xích chiên của mấy xe đẩy ở Quảng trường Phường 9 vì vừa ngon, chỗ ngồi thoải mái và giá cả hợp túi tiền”. T chẳng lo lắng vì trước giờ chưa gặp vấn đề gì sau khi ăn những thực phẩm trên.
Xe bán thức ăn “di động” dù không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn được khách hàng ưa chuộng.
Khi ngồi nhâm nhi với bạn bè ở những quán vỉa hè, dù mùi hăng hắc của dầu chiên đi chiên lại nhiều lần bốc lên, thịt nướng dưới vỉa hè đầy khói bụi, người bán dùng tay không để chế biến, hay có bao tay nhưng vẫn thản nhiên cầm tiền thối, cầm vật dụng khác rồi lại cầm thực phẩm... vẫn không làm giảm sức hút của thực phẩm lưu động. Có lẽ, người tiêu dùng quá dễ dãi với sức khoẻ bản thân mình chăng? Phó chủ tịch UBND Phường 9, TP. Cà Mau Diệp Tấn Lưu cho biết: “Qua những đợt kiểm tra từ đầu năm đến nay, các cơ sở thường mắc những lỗi vi phạm cơ bản như: giấy khám sức khoẻ, chứng nhận tập huấn kiến thức về an toàn vệ sinh thực phẩm hết hạn; dụng cụ chế biến, nguồn nước, nguồn gốc nguyên liệu chưa bảo đảm. Trong quá trình kiểm tra, một vài chủ cơ sở có thái độ chưa hợp tác, chúng tôi phải liên tục nhắc nhở, vận động, xử lý theo đúng chức năng chứ không bao che. Thời gian tới, mong rằng cơ quan chức năng các cấp tích cực phối hợp kiểm tra nhằm bảo đảm tính răn đe để bảo vệ sức khoẻ người tiêu dùng”.
Nhiều câu hỏi đặt ra?
Nhiều người tiêu dùng khá dễ tính và xuề xoà trong chuyện ăn uống, chỉ quan tâm đến sự tiện lợi, “hợp miệng”, còn vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm thường bị bỏ qua. Đó là chưa kể đến tâm lý ưa chuộng giá rẻ của thực phẩm ngoài đường phố, vỉa hè. Về phía những người bán hàng, khi được hỏi, ai cũng trả lời rất rõ ràng, rành mạch về chuyện đảm bảo vệ sinh đồ ăn, thức uống; ai cũng tự tin quảng cáo thực phẩm sạch, rõ nguồn gốc xuất xứ. Nhưng với phương châm “nhiều, nhanh, rẻ” như thường thấy ở các quán vỉa hè, thật khó có thể chắc chắn những lời đảm bảo của chủ hàng là đáng tin tưởng. Liệu họ có sẵn sàng chạy theo lợi nhuận mà gạt lương tâm sang một bên, bán thực phẩm bẩn, chế biến đồ ăn không hợp vệ sinh cho khách hàng?
Trên địa bàn Phường 9, TP. Cà Mau, khu Quảng trường có rất nhiều "quán lưu động" kinh doanh đồ nướng, xiên que, chả chiên. Đi ngang khu vực này vào buổi chiều tối, mùi khói nướng bay ngợp cả đường, không kể đến mỹ quan đô thị, các loại thực phẩm chế biến sẵn này tồn tại nhiều nguy cơ ảnh hưởng sức khoẻ. Tuy nhiên, việc kiểm tra còn nhiều khó khăn vì người bán tự mua nguyên liệu, tự chế biến nên khó kiểm soát được nguồn thực phẩm từ đầu vào đến lúc bán ra. Trạm y tế phường thường xuyên tổ chức tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm, nhưng việc huy động các đối tượng đến dự rất khó.
"Thẩm quyền của đoàn kiểm tra liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm cấp phường chủ yếu kiểm tra hành chính chứ chưa thể lấy mẫu kiểm nghiệm. Ngoài ra, những người bán hàng rong khi bị kiểm tra đột xuất liền di chuyển sang địa bàn khác nên việc kiểm soát vô cùng khó khăn”, ông Diệp Tấn Lưu cho biết./.