(CMO) Khai bút đầu xuân là nét đẹp văn hoá đậm chất Á Ðông, gắn với truyền thống hiếu học của người Việt. Với những người làm nghề “viết lách”, khai bút đầu xuân chính là “mở hàng” cho một năm mới với ước mong chữ nghĩa dồi dào, mọi sự hanh thông, tìm kiếm những thành tựu lớn trong nghề nghiệp. Khai bút đầu xuân gắn liền với Nho học. Ở Việt Nam, các tài liệu chính thống ghi lại tập tục này khởi đầu bởi thầy giáo Chu Văn An, sống qua 2 thế kỷ XIII và XIV, người thầy được vinh danh là “vạn thế sư biểu” của dân tộc Việt Nam.
Ngược về quá khứ, những kẻ sĩ Nho học thường lấy ngọn bút, câu thơ văn để tỏ rõ chí khí, tài năng. “Nét chữ nết người”, từ đó mới hình thành và lan toả nghệ thuật thư pháp, tức nghệ thuật viết chữ. Qua con chữ, tài năng, tính cách, khí phách của mỗi người được biểu hiện. Dịp đầu xuân, đất trời giao hoà, khí thiêng lan toả, vạn vật sinh sôi, cũng là lúc phù hợp nhất để những kẻ sĩ Nho học khởi đầu ước vọng qua con chữ khai bút đầu xuân. Ðó có thể là một chữ, một câu đối, một câu thơ hoặc bức hoạ. Tuỳ địa vị, tài năng, tâm thế, thời cuộc mà mỗi người lựa chọn cho mình một lối khai bút riêng. Có thể lấy ví dụ về Chủ tịch Hồ Chí Minh qua những bài thơ chúc Tết. Cứ mỗi năm, những bài thơ chúc Tết của Bác trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của dân tộc. Từng bài thơ đều kết tinh trí tuệ, tình cảm và nhãn quan thiên tài của vị lãnh tụ vĩ đại. Qua những vần thơ ấy, tin chiến thắng báo về dồn dập, ngày hoà bình thống nhất càng cận kề.
Hiện nay, người Việt Nam vẫn giữ thói quen cho - xin chữ đầu xuân, cũng là hình thức khai bút đầu xuân. Người người cầu mong sức khoẻ, tài lộc thông qua tài nghệ của các ông đồ. Dân gian thông dụng câu: “Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ/ Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh” để nói về Tết Nguyên đán, cho thấy vị trí quan trọng của việc khai bút đầu xuân.
Xin - cho chữ ngày Tết là nét đẹp văn hoá vẫn được duy trì tại Cà Mau. Ảnh: NHẬT MINH
Ở miền Nam, những lưu dân mở đất vẫn mang theo truyền thống ngàn đời của cha ông về miền đất mới. Tết đến, những nhà khá giả, có điều kiện thì dán liễn đỏ viết chữ Nho (Hán hoặc Nôm), thường là các câu đối có ý nghĩa cát tường, may mắn ở gian thờ tổ tiên hoặc trước cửa. Kể cả mâm ngũ quả chưng Tết cũng được dán các chữ Nho một cách trang trọng.
Nét đẹp khai bút đầu xuân của người Việt Nam nay có một số biến đổi, song ý nghĩa vẫn vẹn nguyên. Thay vì viết chữ Nho, các ông đồ hiện đại dùng chữ Việt cách điệu để dễ hiểu, theo thời, theo mốt. Dần dà, ít nhà treo liễn đỏ, dán chữ trên mâm ngũ quả. Với nhiều người, xin chữ đầu xuân chỉ là thú vui theo xu hướng (trend) mà chưa thật sự tìm hiểu ý nghĩa sâu xa của nét đẹp tao nhã này. Hình ảnh các ông đồ cũng khác hẳn, không còn áo the, khăn xếp, tóc bạc, râu dài, phố ông đồ xuất hiện ngày càng nhiều người trẻ, ăn vận veston, thắt cà vạt sang trọng. Nhưng nói gì đi chăng nữa, hình ảnh xin - cho chữ đầu xuân vẫn hiện hữu, tức là nét văn hoá truyền thống của ông cha ta vẫn được giữ gìn, truyền lửa, đó mới là cái đáng quý nhất.
Chữ nghĩa đầu xuân với người miền Nam quan trọng. Thay vì chú trọng những triết lý cao xa, người miền Nam lấy cách phát âm để cầu may mắn, tốt lành cho năm mới. Chẳng thế mà mâm ngũ quả thông dụng là “cầu, vừa, đủ (dư), xài” bằng các loại trái cây tương ứng là mãng cầu, dừa, đu đủ, trái dư, xoài để chưng Tết. Chưa hết, chọn tên người đi chúc Tết cũng có một số quy định bất thành văn. Những cái tên như Tài, Lộc, Phước, Ðức… thường được chuộng. Người ta kiêng kị những cái tên đi kèm nhau mà ra nghĩa không may mắn đi chúc Tết, ví dụ như Quang đi với Tài… Những điều tưởng chừng như hài hước, nhưng đều có lý do, nguyên nhân sâu xa từ trong cội nguồn truyền thống văn hoá.
Ảnh: NHẬT MINH
Nhà văn Sơn Nam sinh thời khi mô tả về không khí Tết Nam Bộ vẫn nhắc tới giấy liễn đỏ như đặc điểm văn hoá độc đáo. Ông gọi đó là “nỗi nhớ” của miền đất mới để hướng về nguồn cội ngoài Bắc, ngoài Trung. Thật may mắn, sau bao vật đổi, sao dời, nét văn hoá ấy dù có ít nhiều phôi phai nhưng người Nam Bộ vẫn gìn giữ, hiện tồn. Ðối với những người “viết lách”, công việc liên quan trực tiếp đến chữ nghĩa, khai bút đầu xuân là việc hệ trọng. Nhiều người còn coi ngày, coi buổi, lựa chữ để bắt đầu một năm mới với thật nhiều ước vọng tốt đẹp.
Ðầu năm con trâu - Tân Sửu, 2021, xin góp ít “lời quê” bàn về nét văn hoá đẹp đầu xuân, tạm gọi là khai bút./.