Chuyến biến tích cực Bà Nguyễn Thị Lâm Giang - Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Tiết kiệm năng lượng (Bộ Công Thương) - cho biết, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, trong thời gian qua, Bộ Công Thương đã đảm nhận trọng trách điều hành, cung ứng đủ năng lượng, đáp ứng nhu cầu cho phát triển đất nước. Đồng thời làm tốt Chương trình mục tiêu quốc gia sử dụng NLTK&HQ giai đoạn 2006 - 2015 theo quyết định số 79/2006/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ với mục tiêu dỡ bỏ các rào cản, tạo bước chuyển biến đột phá nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội. Nhờ triển khai đồng bộ và thực hiện nhiều nội dung khác nhau, từ việc nâng cao nhận thức, đưa nội dung TKNL vào chương trình giáo dục và đào tạo, tổ chức các hoạt động tuyên truyền, truyền thông từ trung ương đến các địa phương trên cả nước về lợi ích và các giải pháp TKNL đến việc hỗ trợ triển khai thực hiện các mô hình sử dụng năng lượng, sử dụng trang thiết bị hiệu suất cao trong công nghiệp, nông nghiệp, tiêu dùng, trong các công trình xây dựng, công trình công cộng và lĩnh vực giao thông vận tải... Cho đến nay, chương trình được triển khai thực hiện thành công và đã đạt mục tiêu tiết kiệm được 3,4% tổng mức tiêu thụ năng lượng toàn quốc trong giai đoạn 2006 - 2010, tương đương với 4,5 triệu tấn dầu quy đổi (TOE) và tiết kiệm được 5,65% trong giai đoạn 2011-2015, tương đương với 11,261 triệu TOE. Đặc biệt, thông qua các chương trình, nhận thức, ý thức trong việc sử dụng NLTK&HQ của các bộ, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và người dân đã tăng lên đáng kể. Đây chính là cơ sở để Bộ Công Thương tiếp tục xây dựng chương trình cho giai đoạn 2019 - 2030. Cần quy định rõ trách nhiệm, nghĩa vụ Theo đánh giá của Vụ Tiết kiệm năng lượng, các chuyên gia ngân hàng thế giới (WB) thì Chương trình sử dụng NLTK&HQ vẫn còn một số tồn tại như việc chấp hành luật, quy định của doanh nghiệp còn chưa nghiêm; nhận thức của cộng đồng và doanh nghiệp về TKNL còn hạn chế; công tác quản lý các cơ sở sử dụng năng lượng tại địa phương còn buông lỏng, công tác phối hợp chưa chặt chẽ; thiếu cơ chế hỗ trợ cho doanh nghiệp đầu tư thay thế dây chuyền công nghệ lạc hậu bằng dây chuyền công nghệ hiệu suất cao, tiết kiệm năng lượng trong khi doanh nghiệp hạn chế về nguồn vốn, hoặc không tiếp cận được những khoản vay tín dụng ưu đãi cho các dự án TKNL; nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước cấp cho chương trình thường muộn và thấp, trong khi nhu cầu cao... Mặt khác, giá điện và giá năng lượng còn thấp, chưa khuyến khích được các doanh nghiệp đầu tư vào các giải pháp, công nghệ TKNL. Theo dự báo, trong 15 năm tới (2016 - 2030), GDP của Việt Nam vẫn tăng ở mức độ cao so với các nước trong khu vực và trên thế giới, nhu cầu điện của Việt Nam sẽ tăng trung bình 8,7%/năm. Đây là một thách thức cần sớm giải quyết, trong đó có việc đẩy mạnh thực hiện TKNL. Chương trình sử dụng NLTK&HQ giai đoạn 2019 - 2030 được Bộ Công Thương xây dựng với sự hỗ trợ của WB đặt ra mục tiêu đạt mức tiết kiệm từ 8-10% tổng tiêu thụ năng lượng thương mại toàn quốc giai đoạn 2019 - 2030, tương đương 50-60 triệu TOE; giảm tối thiểu 8% suất tiêu hao năng lược của các ngành sử dụng nhiều năng lượng như xi măng, thép, giấy... Để thực hiện mục tiêu này, các chuyên gia khuyến nghị Việt Nam cần đẩy mạnh hoàn thiện và tăng cường thực thi hệ thống văn bản pháp luật về sử dụng NLTK&HQ; xây dựng và triển khai các chương trình, dự án, cơ chế hỗ trợ để thúc đẩy các giải pháp TKNL; hình thành thị trường và huy động sự tham gia của các nhà tài trợ, thúc đẩy hợp tác công tư trong lĩnh vực TKNL. Ông Dilip R. Limaye - Chuyên gia của WB - cho rằng, bên cạnh các giải pháp Việt Nam đang triển khai, thời gian tới cần chuyển chỉ tiêu TKNL từ tự nguyện sang bắt buộc; yêu cầu sự tham gia của chính quyền địa phương và cơ sở gắn liền với trách nhiệm cụ thể.
|