Theo báo cáo của Media Partners Asia, ngành công nghiệp video trực tuyến của Việt Nam được dự báo là sẽ tạo ra doanh thu 249 triệu USD vào năm 2022, trong đó doanh thu từ lượng thuê bao chiếm 15% và video theo yêu cầu (AVOD) chiếm 85%. Tuy nhiên, tình trạng vi phạm bản quyền video trực tuyến đang ngày càng phổ biến, số lượng người dùng trái phép tăng lên 15,5 triệu năm 2022, làm thất thoát 348 triệu USD, chiếm 18% doanh thu của toàn ngành video hợp pháp. Nếu không kiểm soát được tình hình này, đến năm 2027, số người dùng vi phạm bản quyền có thể tăng tới 19,5 triệu, dẫn tới lượng doanh thu bị thất thoát ở mức 456 triệu USD. Vì thế, báo cáo của Media Partners Asia cũng chỉ ra rằng, đẩy mạnh nỗ lực chống vi phạm bản quyền các nội dung video trực tuyến sẽ giúp tăng 3 lần doanh thu video trực tuyến với cấp số nhân đáng kể trong quá trình này. Kiểm soát được tình trạng vi phạm bản quyền sẽ tạo thêm 4.870 việc làm mới cho thị trường lao động nhờ sản lượng lao động trong lĩnh vực video tăng lên 351 triệu USD vào năm 2027, một mức tăng đáng kể so với con số 134 triệu USD hiện nay. Trong chia sẻ tại buổi làm việc chuyên đề: Vi phạm bản quyền trực tuyến và các biện pháp ngăn chặn tại Việt Nam do Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) và Công ty TNHH Truyền hình số vệ tinh (VSTV/K+) tổ chức vào ngày 19/7, ông Phạm Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm đo kiểm phát thanh truyền hình và thông tin điện tử cho biết, hiện nay việc vi phạm bản quyền trên môi trường số diễn ra công khai trên nhiều nền tảng, nội dung bị vi phạm thuộc sở hữu của các đơn vị sản xuất nội dung số được phát sóng và đăng tải trên các nền tảng truyền thông, gây thiệt hại cho chủ sở hữu.
Các hành vi vi phạm bản quyền phổ biến như: thực hiện livestream, phát trực tiếp trên các mạng xã hội hoặc website; copy nguyên trạng các nội dung đã phát hoặc cắt ghép, chỉnh sửa các video, sau đó đăng tải trái phép lên Internet. Nội dung vi phạm được sử dụng trái phép tại nhiều nền tảng: Các website, ứng dụng (app) OTT được nhà nước cấp phép; các website đăng ký tên miền và đặt server ở nước ngoài; các app OTT lậu được chia sẻ trên Internet hoặc được cài đặt qua các thiết bị Android TV Box; các mạng xã hội phổ biến như Facebook, YouTube, TikTok, Gapo, TalkTV, Instargram…; các nhà cung cấp nội dung trên mạng di động… Tính đến tháng 6/2023, Trung tâm đo kiểm phát thanh truyền hình và thông tin điện tử đã phối hợp cùng các cơ quan chức năng, chặn truy cập của người dùng tại Việt Nam đến trên 800 website vi phạm bản quyền. Cùng với đó, đại diện nhiều đơn vị truyền hình, cung cấp ứng dụng truyền hình cũng đã chia sẻ về thực trạng vi phạm và những khó khăn trong vấn đề ngăn chặn. Đại diện Next Media cho hay, nhiều website vi phạm bản quyền truyền hình thậm chí còn làm nhanh hơn đơn vị chủ thể, ảnh hưởng đến số lượng người xem. Hơn nữa, nhiều website còn sử dụng hình thức thu phát màn hình để sử dụng lại, phát ở nước ngoài nhưng lại xuất phát từ Việt Nam nên gây khó khăn trong quản lý và ngăn chặn việc vi phạm. Vị này cũng chia sẻ, với các nền tảng xuyên quốc gia như Facebook, Youtube… thì tự hệ thống cũng đã chặn được vấn đề vi phạm bản quyền đến 70-80%, nhưng vẫn còn 20-30% thì các công ty, đơn vị chủ thể phải làm bằng tay, nên vẫn còn tình trạng vi phạm. Từ những vấn đề này, đại diện Cục Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử cho biết, để ngăn chặn tình trạng vi phạm bản quyền thì điều quan trọng nhất là phải có sự phối hợp giữa các đơn vị liên quan, cùng với đó là những chia sẻ kinh nghiệm của các đối tác nước ngoài, cũng như phải có công cụ kỹ thuật để ngăn chặn vi phạm. Đồng quan điểm, đại diện của nhà cung cấp truyền hình FPT cho rằng, phải có cơ chế thường xuyên, linh hoạt giữa các đơn vị cung cấp truyền hình và cơ quan quản lý để ngăn chặn việc vi phạm bản quyền. Cùng với đó, các doanh nghiệp cũng nhận định phải sử dụng các công cụ để ngăn chặn truy cập. Theo đại diện Trung tâm Đo kiểm phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, việc áp dụng các hoạt động chặn truy cập giúp thay đổi thói quen người dùng, từ đó giảm số lượng đường link vi phạm bản quyền và lượt truy cập của các website. Nên theo vị này, để hiệu quả hơn trong việc ngăn chặn tình trạng vi phạm bản quyền, cần thiết lập đầu mối phối hợp giữa đơn vị cung cấp thông tin, cơ quan quản lý nhà nước và các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian (ISP). Ngoài ra là phải thiết lập cơ chế chặn linh hoạt, kịp thời các tên miền mới phát sinh sau khi bị chặn; áp dụng các biện pháp kỹ thuật phù hợp khác nhau để chặn truy cập như DNS, IP, CDN; phát triển công cụ chặn tự động để các bên sử dụng nhằm giảm thiểu thời gian và nhân lực thực hiện. Vì thế, cũng tại buổi làm việc, Tập đoàn Canal+ cho hay, tại Pháp đã chặn tất cả website lậu có thể truy cập được từ Pháp, bất kể nguồn phát là ở Pháp hay ở các nước khác. Hơn nữa, điều quan trọng là cần phải rút ngắn thời gian tiến hành chặn qua việc có thể thiết lập một công cụ để kết nối giữa đơn vị phát sóng/chủ sở hữu quyền, vừa để thu thập các trang web cần phải chặn cùng với các bằng chứng, và kết nối với các ISP để việc chặn truy cập có thể được thực thi một cách gần như tự động bởi các ISP. Ngoài ra, để tăng nhận thức của cộng đồng, ngoài việc chặn tên miền thì có thể chuyển hướng tới một trang web nêu rõ rằng trang web họ đang cố truy cập là trang web lậu để hướng người dùng tới những dịch vụ hợp pháp. |