Tín hiệu tích cực đầu nămNgay từ đầu năm 2024, công tác giải ngân vốn đầu tư công (ĐTC) tiếp tục có những tín hiệu tích cực. Điều đó cho thấy, tất cả các bộ, ngành, địa phương đã ý thức hơn, “vào cuộc” ngay từ đầu năm, cố gắng tranh thủ thời gian nhằm giải ngân vốn đầu tư công ở mức cao nhất. Đơn cử như: Bộ Giao thông vận tải phấn đấu giải ngân đạt tối thiểu từ 97% - 98% kế hoạch năm 2024, trong đó, tập trung đẩy nhanh thi công các công trình, dự án đang triển khai, nhất là dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 và 2021 - 2025. Theo đó, ngay từ những ngày đầu năm, lãnh đạo bộ này đã yêu cầu các đơn vị thuộc bộ, các ban quản lý dự án tích cực phối hợp với địa phương kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để triển khai các tuyến đường cao tốc được phân cấp, bảo đảm đến năm 2025 có 3.000 km đường cao tốc trên cả nước.
Giải pháp mà Bộ Giao thông vận tải đề ra trong năm 2024 là tăng cường kiểm tra hiện trường, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bảo đảm nguồn cung vật liệu... Đặc biệt, Bộ Giao thông vận tải đã yêu cầu các đơn vị trong toàn ngành lấy kết quả giải ngân kế hoạch đăng ký đầu năm là tiêu chí chủ yếu để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ công tác năm 2024 của thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan, trừ lý do bất khả kháng. Đồng thời, lãnh đạo bộ yêu cầu thủ trưởng các cơ quan, đơn vị lấy tiêu chí kế hoạch giải ngân của đơn vị để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của các cán bộ có liên quan. Về phía các địa phương, công tác giải ngân vốn ĐTC cũng đã sôi động ngay từ những ngày đầu của năm. Đơn cử như năm 2024, tổng nguồn vốn ĐTC của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu rất lớn, với hơn 17.722 tỷ đồng (bao gồm vốn Thủ tướng Chính phủ giao và vốn địa phương triển khai thêm). Để giải ngân tốt ngay từ những tháng đầu năm, UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 11/CT-UBND về việc điều hành đầu tư công năm 2024. Tại chỉ thị, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu yêu cầu các chủ đầu tư xây dựng kế hoạch, tiến độ thực hiện và giải ngân các dự án được giao theo từng tháng, nhất là danh mục các dự án đã được HĐND tỉnh gia hạn thời gian bố trí vốn; trong đó nêu rõ tiến độ công việc, lũy kế giải ngân hàng tháng và bảo đảm khởi công các dự án trong danh mục khởi công mới trong 6 tháng đầu năm 2024. UBND tỉnh Thanh Hóa cũng yêu cầu từng chủ đầu tư phải giải ngân vốn do mình quản lý theo các mốc thời gian, bảo đảm đến ngày 30/6/2024 phải đạt ít nhất 50% kế hoạch vốn; đến ngày 30/9 đạt 70%; đến ngày 30/11 đạt 90% và đến ngày 31/12/2024 phải đạt 100%. Đồng thời, tỉnh Thanh Hóa cũng thành lập 5 tổ công tác để kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn nhằm đẩy mạnh giải ngân vốn ĐTC trên địa bàn tỉnh. Còn tại Hà Nội, với nguồn vốn được giao là 81.033 tỷ đồng, tăng gấp 1,72 lần so với đầu năm 2023. Thành phố đã đưa ra 8 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để giải ngân hết được nguồn vốn này. Đồng thời, lãnh đạo thành phố đã yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã xây dựng kế hoạch thực hiện dự án, giải ngân của đơn vị mình theo từng tháng, chi tiết từng dự án, hoàn thành trong tháng 1/2024, đảm bảo giải ngân hết kế hoạch vốn được giao. Đặc biệt, UBND TP. Hà Nội yêu cầu các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm, các dự án chuyển tiếp. Trong trường hợp không đảm bảo tiến độ, phải chủ động báo cáo UBND thành phố từ sớm để có chỉ đạo và điều hành nguồn vốn phù hợp. Các đơn vị chịu trách nhiệm về việc không thực hiện theo tiến độ, dẫn đến dư cân đối nguồn vốn cho dự án trong kế hoạch năm 2024; đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án để sớm hoàn thành các dự án đưa vào khai thác, sử dụng. Tiếp tục phát huy vai trò của người đứng đầu
Nền kinh tế của cả nước vẫn được dự báo là còn nhiều khó khăn, thách thức, do đó, vốn ĐTC tiếp tục đóng vai trò là nguồn "vốn mồi" kích thích đầu tư toàn xã hội, tạo động lực quan trọng để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6% - 6,5% trong năm 2024. Cùng với sự tích cực vào cuộc của cả hệ thống chính trị, ngay từ đầu năm, về phía cơ quan quản lý nhà nước, Bộ Tài chính đã đề nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục nêu cao trách nhiệm người đứng đầu trong việc chỉ đạo, giám sát, đôn đốc giải ngân vốn ĐTC. Công khai kết quả thực hiện của các đơn vị, gắn kết quả giải ngân của từng đơn vị với đánh giá kết quả của cán bộ; nghiêm túc kiểm điểm, phê bình trường hợp không hoàn thành kế hoạch. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng lưu ý các bộ, ngành, địa phương trong năm 2024 cần làm tốt việc chuẩn bị đầu tư, thực hiện, lựa chọn dự án đáp ứng điều kiện bố trí vốn để nâng cao tính sẵn sàng và tính khả thi. Đặc biệt, Bộ Kế hoach và Đầu tư đề nghị các đơn vị trực tiếp triển khai kế hoạch ĐTC phải chủ động rà soát, thông tin kịp thời, chính xác về khó khăn, vướng mắc để các cơ quan quản lý có chính sách, giải pháp nhanh, mạnh, đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Về phía các địa phương, ngoài việc yêu cầu các sở, ngành, quận, huyện thực hiện nghiêm tiến độ giải ngân theo quy định còn đưa ra các chế tài mạnh đối với những tổ chức, cá nhân gây cản trở cho công tác giải ngân vốn ĐTC. Đơn cử như tỉnh Bắc Giang đã đưa ra chế tài xử lý nghiêm chủ đầu tư, ban quản lý dự án, tổ chức, cá nhân cố tình gây khó khăn, cản trở, làm chậm tiến độ thực hiện và giải ngân. Đồng thời, tỉnh này cũng cương quyết thay thế cán bộ, công chức, viên chức yếu kém, trì trệ, gây nhũng nhiễu, phiền hà; kiên quyết xử lý hành vi tiêu cực, tham nhũng trong quản lý, thực hiện ĐTC./. |