(Dân trí) - Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho rằng, mối lo ngại của Triều Tiên về an ninh là điều dễ hiểu khi xét đến tình hình bất ổn chính trị ở Hàn Quốc.
"Theo tôi, nhiều người đã hiểu tại sao Triều Tiên lại lo ngại về an ninh của mình đến vậy", bà Zakharova cho biết trong tuyên bố hôm 4/12.
"Đó là vì họ thấy rằng chỉ trong vài giờ Hàn Quốc có thể biến đổi từ một nền dân chủ được công nhận thành hỗn loạn hoàn toàn, với xe tăng trên đường phố, một cuộc tấn công vào tòa nhà quốc hội, cuộc đối đầu của người dân và một số chiến thuật thô bạo", nữ phát ngôn viên tuyên bố.
Theo nhà ngoại giao Nga, với một người hàng xóm "khó lường" như vậy, việc Triều Tiên đặc biệt chú trọng vào an ninh là hoàn toàn có lý.
Trong bài phát biểu bất ngờ trên truyền hình vào tối 3/12, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol đã áp đặt thiết quân luật khẩn cấp, tuyên bố phe đối lập, mà ông cáo buộc là có thiện cảm với Triều Tiên, đã chuẩn bị một "cuộc nổi loạn".
Trong vòng vài giờ, 190 thành viên quốc hội Hàn Quốc, những người đã tiếp cận được tòa nhà Quốc hội bất chấp lệnh phong tỏa của quân đội, đã bỏ phiếu nhất trí bãi bỏ sắc lệnh. Ngay sau đó, Tổng thống Yoon đã đảo ngược quyết định của mình.
Truyền thông Hàn Quốc ngày 4/12 dẫn lời lãnh đạo đảng Dân chủ đối lập Lee Jae-myung cảnh báo rằng, Tổng thống Yoon đã "thất bại một lần và ông sẽ cố gắng một lần nữa (trong việc ban bố thiết quân luật).
Chính trị gia cánh tả này cáo buộc rằng, "có nguy cơ đáng kể là Tổng thống Yoon sẽ khiêu khích Triều Tiên và phá vỡ ranh giới ngừng bắn, dẫn đến xung đột vũ trang".
Ông Lee tiếp tục ám chỉ rằng tổng thống sẽ không ngần ngại "hy sinh mạng sống của người dân" để tiếp tục nắm quyền.
Theo hãng thông tấn Yonhap, 191 nghị sĩ đại diện cho đảng Dân chủ, cùng 5 đảng nhỏ hơn, đã đệ trình một kiến nghị để luận tội Tổng thống, dự kiến sẽ được đưa ra bỏ phiếu vào ngày 6 hoặc 7/12.
Báo Chosunđưa tin rằng, tất cả các thành viên của Hội đồng Nhà nước, cũng như một số quan chức chính phủ cấp cao khác, đã nộp đơn từ chức trong ngày 4/12.
Cuộc khủng hoảng chính trị ở Hàn Quốc xảy ra sau vụ bế tắc ở quốc hội về ngân sách cho năm tới. Phe đối lập đã chặn dự luật của Tổng thống Yoon và đưa ra dự luật của riêng mình, nhấn mạnh vào nhu cầu tăng chi tiêu công để "phục hồi sinh kế của người dân và nền kinh tế".
Tổng thống Yoon, người cáo buộc những đối thủ chính trị của mình làm tê liệt chính phủ bằng "các hoạt động chống nhà nước", cũng đã phản đối các lời kêu gọi điều tra một số vụ bê bối liên quan đến phu nhân của ông và các quan chức cấp cao.